Nguyễn Văn Thạc, Hoàng Minh Chính, Bắc Thôn: Một thoáng đến với văn chương và ở lại với chúng ta mãi mãi

30-04-2018 07:10 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Lại sắp đến ngày 30 tháng Tư rồi. 30 tháng Tư bây giờ đã thành ngày lễ, đồng thời cũng là ngày đền ơn đáp nghĩa. Chú Trần Đăng Khoa ơi! Cháu vừa đọc lại những trang nhật kí của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc, ghi ngày CN (22/2/1972).

Cháu thấy rất vui khi đọc đến những dòng mà liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc viết về chú: “Còn mình, mình nhớ da diết Trần Đăng Khoa (...). Phải chi quân mình cứ đi mãi rồi rẽ sang tay phải đến xã của Khoa, xã Quốc Tuấn, Nam Sách, Hải Hưng - đóng quân ở đó, để mình gặp và chiêm ngưỡng tài năng trẻ của đất nước, để mình học hỏi và đọc thơ em Trần Đăng Khoa, chắc chẳng khác gì những đứa trẻ chạy lông bông ngoài đường kia thôi...” (Trích Mãi mãi tuổi hai mươi). Thưa chú, cháu đã đọc nhật kí Nguyễn Văn Thạc nhưng vẫn không hình dung ra con người ở ngoài đời của anh. Chú có kỉ niệm hay ấn tượng gì về anh Nguyễn Văn Thạc, chú kể cho cháu nghe được không ạ?

Cháu cảm ơn chú rất nhiều!

Nguyễn Dung

(Đông Phong - Minh Đức - Đồ Sơn - Hải Phòng)

Cảm ơn cháu đã nhớ và biết chiêm ngưỡng những vẻ đẹp tuyệt vời của con người những năm chiến tranh. Anh Nguyễn Văn Thạc, chị Đặng Thuỳ Trâm cũng như chị Võ Thị Sáu, anh Lý Tự Trọng, anh Nguyễn Văn Trỗi... - đó là những tấm gương sáng, mãi mãi chẳng phai mờ.

Bộ đội hành quân ra mặt trận. (Ảnh tư liệu)

Bộ đội hành quân ra mặt trận. (Ảnh tư liệu)

Bộ đội hành quân ra trận, thường theo một lịch trình bí mật, chỉ người chỉ huy ở cấp cao nhất biết thôi. Anh Thạc là lính binh Nhì. Nếu đơn vị của anh dừng lại nghỉ chân ở quê chú, chắc chú và anh Thạc đã gặp nhau rồi (chú cháu mình gọi là anh Thạc, dù anh Thạc là đàn anh của chú, nhưng nay chú đã già, còn anh Thạc vẫn ở tuổi 20). Chú đọc nhật kí anh Thạc và cũng bàng hoàng như cháu vậy. Nhật kí Đặng Thuỳ Trâm là những sự kiện lịch sử chiến tranh ở một vùng đất khốc liệt, cùng với những số phận riêng tư của những con người sống trên mảnh đất ấy. Còn Mãi mãi tuổi hai mươi - nhật kí của Nguyễn Văn Thạc là những áng văn chương rất tinh tế và sâu sắc. Thường viết văn, tác giả phải sửa đi, sửa lại nhiều lần. Trong tiểu thuyết sử thi vĩ đại Chiến tranh và hoà bình có đoạn cụ L.Tonxtoi phải viết đi viết lại đến 50 lần kia. Cuốn nhật kí của Nguyễn Văn Thạc chỉ viết một lần mà vẫn rất hay, rất cuốn hút. Nhiều đoạn rất đặc sắc, như đoạn anh tả làn sương sớm trên xóm núi vào lúc chuyển mùa, hay đoạn trò chuyện với vợ chồng người dân nơi đóng quân. Chú cũng bị ám ảnh khi anh viết về đoàn quân trên chuyến tàu quân sự đi qua phố Cửa Nam - Hà Nội, thành phố sơ tán vắng ngắt. Hàng ngàn bức thư ném qua cửa sổ, bay trắng hai bên đường ray. Nhiều bức thư còn không có phong bì. Thư của những người lính gửi cho gia đình khi vào mặt trận mà họ không kịp vào bưu điện. Có bức thư trụi trần, bên lề là dòng chữ “Nếu ai nhặt được mảnh giấy này, làm ơn cho vào phong bì, bỏ vào bưu điện gửi cho ông, bà... số nhà... phố... hoặc thôn... xã... huyện... tỉnh... Vậy mà kì lạ sao, tất cả những lá thư ấy đều đến được tay người nhận. Bác Nguyễn Văn Thục - anh ruột của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc cũng đã nhận được lá thư của anh trong trường hợp ấy. Em Nguyễn Huyền Nga - một học sinh lớp 12 đã nói rất sâu sắc: “Bây giờ, chúng em nhìn dãy phố Cửa Nam bằng con mắt khác. Nó không phải là một con phố bình thường. Nó là nhân chứng lịch sử, là nơi anh Nguyễn Văn Thạc đã từng đi qua trong một đêm linh thiêng và bi tráng...”. Chú cũng đặc biệt thích những đoạn anh Thạc bàn về thơ Hoàng Nhuận Cầm - một người bạn cùng ra trận với anh. Những nhận định của anh về thơ Hoàng Nhuận Cầm đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Nếu anh Thạc còn, chắc chắn anh ấy sẽ là một nhà văn, nhà phê bình văn học đặc sắc.

Cuốn nhật ký Mãi mãi tuổi hai mươi của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc.

Cuốn nhật ký Mãi mãi tuổi hai mươi của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc.

Chú rất cảm động đọc đoạn văn anh ấy nghĩ rằng: nếu trên đường đi, rẽ sang tay phải là  làng Trần Đăng Khoa (trước đây gọi là làng Điền Trì, nay là làng Trực Trì, xã Quốc Tuấn) và được đóng quân ở đấy, anh ấy sẽ gặp và chuyện trò với chú. Các đơn vị trước khi đi B - vào Nam - thường nghỉ 1-2 ngày ở đây, hoặc ít nhất là 1 đêm, rồi sáng sớm hôm sau đi bộ đến ga Cẩm Giàng bên kia sông là vào Nam luôn. Một trong những người lính đã ở nhà chú lúc ấy chính là nhà thơ Trần Ninh Hồ (quê ở Bắc Ninh) rất nổi tiếng bây giờ. Sau này, bố chú vẫn nhắc hỏi cái anh bộ đội đeo kính cận rất nặng ấy, vào Nam thì chiến đấu ra làm sao. Nếu chẳng may phải lúc địch nó đuổi mà chạy rơi kính thì nguy mất. Bây giờ gặp nhà thơ Trần Ninh Hồ, chú lại nghĩ đến kỷ niệm ấy. Rất tiếc, điều thường xảy ra với hàng trăm đoàn đi B lại không xảy ra với đoàn của Nguyễn Văn Thạc. Vì các chiến sĩ ở các tỉnh đồng bằng và trung du Bắc Bộ để đi B đều luyện tập một vài tháng ở vùng rừng núi Yên Tử huyện Đông Triều - đoàn anh Thạc cũng thế - và đoạn đường từ đó đến nhà chú vừa 1 ngày đi bộ. Nên chú nói không ngoa đâu, hàng ngàn chú bộ đội đã qua làng chú và hàng trăm chú bộ đội đã mắc võng ngủ trong vườn cây nhà chú hoặc rải chiếu nằm trên nền đất của nhà chú. Chỉ có một cái giường đóng bằng tre, bố chú dành cho chú chỉ huy, nhưng chỉ huy cũng nằm chung trên nền đất với lính. Đấy cũng là lí do vì sao chú rất yêu các chú bộ đội, vì sao chú viết nhiều về bộ đội và mới lên học lớp 12, chú đã nghĩ ngay đến việc mình sẽ đi bộ đội. Chú cũng nhớ đoạn văn anh Thạc viết rất hay khi nhìn về phía Đông và nghĩ về vùng mỏ Quảng Ninh qua truyện ngắn Lý Biên Cương và thơ Trần Nhuận Minh, hai người này sống và viết ở Quảng Ninh, chơi rất thân với nhau, thường được Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam và các báo lúc bấy giờ hay nói đến.

Một bức ảnh của BS. Đặng Thùy Trâm và bút tích của Đại tá Khương Thế Hưng. (Ảnh tư liệu)

Một bức ảnh của BS. Đặng Thùy Trâm và bút tích của Đại tá Khương Thế Hưng. (Ảnh tư liệu)

Chúng ta có rất nhiều nhà thơ, nhà văn đặc sắc như thế, như Nguyễn Văn Thạc. Có người khi chết rồi vẫn không biết mình là một thi sĩ nổi tiếng, như Hoàng Lộc, Nguyễn Mỹ... Nhà thơ Định Hải vẫn còn nhớ một buổi trưa năm 1968, ông đang nằm nghỉ trên bàn làm việc của cơ quan ở Nhà xuất bản Kim Đồng 64 Bà Triệu thì có tiếng rụt rè gõ cửa. Một người lính trẻ măng, gầy gò, có dáng vẻ như một học sinh phổ thông. Anh vừa thở, vừa trao cho ông một bài thơ anh viết cho các em nhỏ khi đang trên đường hành quân ra mặt trận. Dưới bài thơ là dòng tên Hoàng Minh Chính, không địa chỉ. Bài thơ được in và lập tức nổi tiếng:

Hôm qua em tới trường

Mẹ dắt tay từng bước

Hôm nay, mẹ lên nương

Một mình em tới lớp...

Hương rừng thơm đồi vắng

Nước suối trong thầm thì

Cọ xoè ô che nắng

Râm mát đường em đi.

Suốt mấy chục năm qua, ở Nhà xuất bản Kim Đồng có khoản nhuận bút của Hoàng Minh Chính mà không biết tác giả ở đâu. Mãi sau này, nhà thơ Phạm Tiến Duật viết văn bia nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, khi đến thăm bia mộ của các đồng hương mới bàng hoàng trước cái tên Hoàng Minh Chính đã được khắc trên bia mộ. Nhà thơ tài năng ấy đã hi sinh ngay từ năm 1968, chỉ ít tháng sau khi gửi lại bài thơ này. Nhà văn Bắc Thôn có lẽ cũng là một trường hợp tương tự. Bắc Thôn là tác giả cuốn truyện đặc sắc Hai làng Tà Pình và Động Hía xuất bản từ những năm chiến tranh ở Nhà xuất bản Kim Đồng. Nhưng đến nay, Nhà xuất bản cũng không biết tác giả ở đâu. Có lẽ anh đã nằm trong ngôi mộ “Liệt sĩ vô danh” nào đó chăng? Ta hiểu tâm trạng thảng thốt của nhà thơ Trần Nhuận Minh:

Hàng triệu triệu người

Lần lượt lao vào lửa đạn

Cho Tổ quốc

Sáng bừng tên tuổi

Rồi để lại những nấm mồ vô danh

Trắng đến tận chân trời...


Nhà thơ Trần Đăng Khoa
Ý kiến của bạn