Từng phải cắm mình trong nhà nghỉ làm việc, kiếm sống để có vốn viết văn, sau đó, Nguyễn Văn Học đã về học Trường viết văn Nguyễn Du và cần mẫn sáng tác. Gia tài của anh giờ là 6 tiểu thuyết và 3 tập truyện ngắn đã được xuất bản. Mới đây, NXB Hà Nội đã in và phát hành tiểu thuyết Cao bay xa chạy của anh.
- Khi cho mình một “bước chuyển” từ truyện ngắn sang tiểu thuyết, anh đã vấp phải khó khăn nào trong tư duy với cuốn Cao bay xa chạy?
- Thực ra, tôi viết tiểu thuyết lâu rồi. Cuốn Cao bay xa chạy là cuốn thứ 6. Tôi vừa viết truyện ngắn và tiểu thuyết, nhưng viết truyện ngắn trước. Khi chuyển tư duy từ truyện sang tiểu thuyết, người viết phải trường sức, xác định hướng tư duy lâu dài, liền mạch, nếu không là bị ngắt giữa chừng. Tôi viết cuốn này chừng một năm và xác định cuốn này chỉ dừng ở mức độ hơn 200 trang là vừa.
- Không nhiều người viết trẻ hiện nay mặn mà với thể loại tiểu thuyết. Vậy theo anh, liệu tiểu thuyết có “chết mòn” hay “trôi chậm” trong dòng chảy văn học hôm nay không?
- Đúng là người viết trẻ hiện nay bị quá nhiều tác động của cơm áo gạo tiền. Đồng thời họ cũng bị các đầu nậu hút máu. Sách in ra chẳng được bao nhiêu nhuận bút mà đã nhanh chóng bị in lậu. Có cuốn phải đầu tư 1- 2 năm, thậm chí lâu hơn. Nhưng thường mỗi đợt in chỉ được 1.000 - 2.000 cuốn.
Trong cuộc sống bề bộn lo toan hiện nay, một số người viết trẻ vẫn cần mẫn viết, bởi có những người đã xác định: Không thể không viết tiểu thuyết. Văn trẻ không “chết mòn” mà đang chờ cơ hội để “phục sinh”. Nhìn nhận khách quan, thì văn trẻ đang tiến đấy chứ!
- Với tư cách là một nhà văn, nếu góp một tiếng nói, anh sẽ nói điều gì để kỳ vọng vào sự phát triển của thể loại tiểu thuyết – có nhiều tác phẩm tạo dấu ấn – như những nhà văn thế hệ trước đã làm?
- Với những người trẻ dám dấn thân cho văn chương, đi sâu vào tiểu thuyết ở thời này, họ đáng được động viên, ghi nhận. Họ cần được sự động viên, khích lệ thành tâm của các bậc cha anh, chứ không phải sự dạy dỗ thô bạo, giáo điều. Hội Nhà văn - để chống “lão hóa” cần phải quan tâm đến những người trẻ dám dấn thân cho văn chương hơn. Về việc in sách, tôi mong muốn phải dẹp được nạn in lậu, khi không ít công ty tư nhân sống trên lưng nhà văn trẻ.
Nguyễn Văn Học và tác phẩm Cao bay xa chạy. |
- Nội dung tiểu thuyết Cao bay xa chạy của anh đề cập đến nỗi đau tâm thức của các nhân vật, liên quan đến chuyện tình dục - mà đề tài này vốn dĩ đã được khai thác nhiều. Khi viết tiểu thuyết này, trong anh có nỗi lo lắng nào nếu như độc giả nhìn nhận: đề tài trùng lặp hay là khai thác chuyện nhạy cảm theo xu hướng chung của văn học?
- Dù khai thác đề tài nào, thì mỗi người viết cũng đều cố gắng cài cắm tư tưởng của mình ở đó. Tác phẩm của tôi không đi vào khai thác chuyện tình dục, mà là khai thác những điểm yếu, khiếm khuyết của con người. Điều đó đã sinh ra những bi kịch trong cuộc sống hiện đại. Chúng ta không thể tiến xa nếu trong người đầy rẫy khiếm khuyết. Khi viết, tôi chẳng có lo lắng nào, chỉ lo thiếu thời gian. Phải cho phép mình thăng hoa, thậm chí cảm giác lên đồng trong tác phẩm. Nếu chiều theo thị hiếu hoặc sợ trùng thì mình không cầm bút nữa. Cao bay xa chạy được viết bằng giọng văn gấp gáp, có thể nói là quyết liệt. Có một dòng tư tưởng ngầm rằng không thể nhìn nhận, đánh giá con người qua dáng vẻ bề ngoài. Mà phải nhìn thấu tận bản chất của con người ấy qua một lăng kính khách quan.
- Xin cảm ơn anh!
Trần Xuân Tuyết
(Thực hiện)