Nguyễn Tuân bình luận về Nguyễn Triệu Luật

22-01-2012 15:09 | Văn hóa – Giải trí
google news

Lần đầu tiên, các tiểu thuyết lịch sử của Nguyễn Triệu Luật được tập hợp xuất bản toàn tập, từ Hòm đựng người đến Bốn con yêu tinh và hai ông đồ (1943) do NXB Khoa học xã hội ấn hành (2011).

Lần đầu tiên, các tiểu thuyết lịch sử của Nguyễn Triệu Luật được tập hợp xuất bản toàn tập, từ Hòm đựng người đến Bốn con yêu tinh và hai ông đồ (1943) do NXB Khoa học xã hội ấn hành (2011). Tôi trầm ngâm giở những trang sách, nhớ lại thời Pháp thuộc, vào những năm 1940-1941, tôi dạy học cùng ông ở trường tư thục Lễ Văn tại Vinh. Tôi bỏ Đại học Luật, theo cháu ông là kỹ sư Tùng, bạn nối khố trường Bưởi vào miền Trung dạy học.
Cũng do ngán ngẩm về thời thế, Pháp thua Đức, Nhật chiếm Đông Dương, sử dụng thực dân Pháp làm tay sai.
 
Các trường đều treo ảnh Thống chế Pétain. Rất nhiều giáo sư (giáo viên trung học thời đó gọi là giáo sư) tư thục, nhiều ông là chính trị phạm đi tù về. Ông Nguyễn Triệu Luật (1903 - 1946) cũng trong số đó. Ông Luật vào tuổi cha chú của tôi, lúc nào cũng trầm ngâm ít nói, tâm tư u uất nên tôi ít gần ông. Chỉ biết ông là nhà viết tiểu thuyết lịch sử nổi tiếng, người thầy gương mẫu, được học trò khâm phục. Một người học trò cũ, nay tuổi ngoại 80, kể lại: “Cái khó của một giáo sư dạy sử chân chính lúc bấy giờ là giảng dạy về lịch sử hiện đại Việt Nam.
 
Giảng dạy như thế nào về những triều đại nhà Nguyễn bán nước trong khi phía trên bảng còn treo ảnh Bảo Đại bên ảnh Thống chế Pétain. Nói như thế nào đây về những cuộc khởi nghĩa chống thực dân Pháp trong khi nền đô hộ của chúng vẫn đè trên đầu mình? Ông Nguyễn Triệu Luật không tránh khỏi sự theo dõi của mật thám Pháp. Thế mà vào lớp, thầy Luật nói lại những câu chữ trong sách giáo khoa của Pháp, nhưng từ miệng giáo sư ra, với sự thay đổi nét mặt hay giọng lên xuống là người nghe đã ngầm hiểu ý nghĩa đằng sau.

… Một hôm, giáo sư đến trễ, vẫm com-lê và cà vạt đen, nhưng trước ngực còn đính một mẩu băng tang đen nhỏ. Để tang cho ai? Một lúc sau, giáo sư ngậm ngùi nói: “Hôm nay, đúng vào ngày đồng chí của tôi, Nguyễn Thái Học, lãnh tụ Việt Nam Quốc dân đảng bị đưa lên máy chém, khi cuộc khởi nghĩa Yên Bái thất bại”. Giáo sư muốn tả thái độ hiên ngang của ông Nguyễn Thái Học trước lúc lên đoạn đầu đài.

… Hôm đó, chúng tôi không được nghe giảng theo chương trình mà đã được học bài lịch sử yêu nước mà nhân chứng là người bằng xương bằng thịt đang đứng trước mặt chúng tôi.

Chắc chắn Nguyễn Triệu Luật viết tiểu thuyết lịch sử để khơi mạch lòng yêu nước, bảo vệ những giá trị nhân văn của cha ông.

Tiểu thuyết lịch sử hiện đại của ta xuất hiện từ giữa những năm 1930 trong dòng tư duy trở về dân tộc, chống lại khuynh hướng Tây hóa khinh thị giống nòi. Nói chung, nó chịu ảnh hưởng tiểu thuyết lịch sử Pháp, tuy còn vương vấn tiểu thuyết chương hồi Trung Quốc.Tiểu thuyết lịch sử Pháp thời lãng mạn (thế kỷ 19) với Vygni, Hugo, Dumas mở đầu cho tiểu thuyết lịch sử ở Pháp và chịu ảnh hưởng của nhà văn lãng mạn Anh Walter Scott, bậc thầy tiểu thuyết lịch sử của phương Tây.

Tiểu thuyết lịch sử của ta trước 1945 khai thác những khía cạnh của tiểu thuyết lịch sử lãng mạn Pháp, phù hợp với tâm lý người đương thời: tìm thoát ly trong thời gian và không gian, hư cấu để dựng lại không khí xưa như thật với những chuyện ly kỳ và nhân vật đặc biệt.

Các nhà phê bình và nhà văn đương thời xếp Nguyễn Triệu Luật vào bậc đàn anh trong thể loại này.

Phê bình Bà Chúa Chè, 1938, một người khó tính như Nguyễn Tuân, ký tên là Nguyễn Nhất Lang đã không ngớt khen “cái học và cái tài” của Nguyễn Triệu Luật: “Viết đến chính sử, người ta thường kể đến cái học – khảo cứu của sử gia. Viết về tiểu thuyết, người ta thường bàn tới nghệ thuật của tác giả. Nói về lịch sử tiểu thuyết, ngoài cái học kê cứu, sở cứu vào tài liệu, người ta còn phải điểm đến cả cái tài của bố cục, của tưởng tượng. Cuốn Bà Chúa Chè toàn thể được cả… Cái công tìm kiếm tài liệu theo phương pháp khoa học của tác giả nói cho ta nhiều lắm...
 
Trong mấy thiên tiểu thuyết lịch sử, ta có thể tách lấy nhiều bức tranh cổ tích sinh động, dị thường… Có bức đẹp với những mùi vương giả cũ kỹ của nó. Như lúc Chúa Tĩnh Đô Vương ngồi uống trà trong phủ, đánh kiểng gọi kẻ hầu cận, phát thẻ bài gọi người hầu trong tướng phủ. Như cảnh một ngày giỗ hết của nhà Chúa, ngày lễ đầy tuổi của Thế tử Tông thì ta thấy được cả những điển lễ nghĩa xưa. Đến cái đoạn tả lính Tam phủ bày bàn tế, đặt đoản kỷ lên trên, rồi bảo nhau đi tìm vương tử Khải để đặt lên ngôi với những câu tung hô “Thiên tuế! Thiên tuế!”, ta thấy rõ cả một anh kiêu binh với những lỗ mãng của y, Nguyễn Triệu Luật đã có công phục sinh những cái gì đã chết gần ba trăm năm nay”.

Nguyễn Tuân nêu lên mấy nhược điểm của Nguyễn Triệu Luật: chú thích nhiều khi thừa, trích dẫn tiếng Pháp lạc lõng, kể chuyện riêng về mình không ăn khớp. Hơn nửa thế kỷ sau, đọc lại Nguyễn Triệu Luật, thấy những nhận xét của Nguyễn Tuân vẫn đúng. Thí dụ ông Luật đưa quá nhiều chi tiết về năm tháng, tên người và đất, thỉnh thoảng lại bình luận cắt đứt hứng thú người đọc. 

Hữu Ngọc


Ý kiến của bạn