Nguyễn Tri Phương - Một vở diễn rất nên xem

17-01-2013 14:15 | Văn hóa – Giải trí
google news

Sau hội thảo về “Sân khấu với đề tài lịch sử” của Hội Sân khấu Việt Nam và “VHNT với đề tài lịch sử” của Hội đồng LLPB VHNT Trung ương tổ chức cách đây không lâu thì vở tuồng Nguyễn Tri Phương của Nhà hát Tuồng Việt Nam công diễn tối 15/1 quả là một “tham luận” thực tế đầy thuyết phục.

Sau hội thảo về “Sân khấu với đề tài lịch sử” của Hội Sân khấu Việt Nam và “VHNT với đề tài lịch sử” của Hội đồng LLPB VHNT Trung ương tổ chức cách đây không lâu thì vở tuồng Nguyễn Tri Phương của Nhà hát Tuồng Việt Nam công diễn tối 15/1 quả là một “tham luận” thực tế đầy thuyết phục. Là loại hình sân khấu truyền thống nhưng vở diễn thật “dễ xem”, “dễ vào” với khán giả hôm nay từ những tìm tòi mới của tập thể sáng tạo.

Tiếp thu và gìn giữ hồn cốt của tuồng truyền thống nhưng Nguyễn Tri Phương của Nhà hát Tuồng Việt Nam gần với người xem hôm nay bằng những cách tân hợp lý khi bổ sung những chất liệu “không tuồng” khiến vở diễn vẫn rất tuồng nhưng không cổ và không cũ. Thành công dễ nhận thấy đầu tiên là cả tác giả Nguyễn Sĩ Chức và đạo diễn Đặng Bá Tài sáng tác và dàn dựng bằng tư duy tuồng, rất hiểu tuồng của những nghệ sĩ vốn là “thầy tuồng” chứ không phải là kịch bản chuyển thể và đạo diễn tay ngang làm tuồng bằng tư duy kịch nói. Sự kết hợp nhuần nhuỵ giữa kịch bản, dàn dựng, diễn xuất khiến vở diễn hoàn chỉnh, thống nhất trong cấu trúc tác phẩm.

Nguyễn Tri Phương - Một vở diễn rất nên xem  1
Một cảnh trong vở tuồng Nguyễn Tri Phương của Nhà hát Tuồng Việt Nam.     Ảnh: TG

Vẫn mang đặc trưng “trung quân ái quốc” nhưng hệ thống nhân vật và sự phát triển hành động trong tác phẩm không đơn điệu. Nguyễn Tri Phương vẫn là dạng kịch luận đề “luận anh hùng” nhưng cách luận được mổ xẻ với chiều sâu tâm lý trong những tình huống, xung đột gay cấn gần với hôm nay chứ không phải “mượn xưa nói nay” như một số quan niệm về kịch lịch sử. Mọi sự “mượn” như mượn rượu, mượn chuyện mắng chó chửi mèo để gửi thông điệp đến người đối thoại đều không phải là thiên chức nghệ sĩ trung thực và dũng cảm. Lịch sử trong Nguyễn Tri Phương là đáp số đã có mà ai cũng biết và các tác giả luận đáp số đó thành bài học cho hôm nay nên vở diễn vẫn truyền thống nhưng có dáng dấp hiện đại, trình thức cổ theo đặc trưng loại hình nhưng vẫn mới là vì vậy.

Lòng yêu nước của Nguyễn Tri Phương được thử thách trước hoàn cảnh không ít quan lại hèn nhát, trục lợi, đặt quyền lợi dân tộc dưới sự vinh thân phì gia của mình mặc “đất nước thế nào cũng được miễn vua và quan còn tồn tại”. Xung đột giữa yêu nước và hèn nhát được đẩy căng lên với cái lý của kẻ hèn núp dưới danh nghĩa tránh nỗi can qua cho trăm họ khi so sánh lực lượng, vũ khí của ta với quân xâm lược “Phú Lang sa”. Bằng những minh chứng lịch sử khi càng “hòa”, giặc càng lấn tới, cắt 3 tỉnh miền Đông, giặc chiếm nốt 3 tỉnh miền Tây rồi tiếp tục đem quân ra uy hiếp Hà thành. Vở diễn đã rạch ròi phân biệt ranh giới giữa sự hèn nhát với khôn khéo để tránh nạn binh đao, giữa anh hùng và sự liều lĩnh của cha ông ta. Bài học quá khứ nhưng luôn mới được nhìn từ góc độ hôm nay chứ không phải là chuyện minh họa lịch sử bằng sân khấu.

Nhà hát Tuồng Việt Nam có dàn diễn viên mạnh, say nghề, đa tài bên cạnh những vũ đạo tuồng, khai thác chiều sâu tâm lý nhân vật đầy hấp dẫn đã làm khán giả ngỡ ngàng với những giọng hò Huế, hát xẩm rất chuyên nghiệp tạo cho tác phẩm lung linh và hiện đại hơn nhưng không vênh và lạc với đặc trưng loại hình. Bên cạnh hàng loạt nhân vật phản diện và chính diện qua diễn xuất xuất sắc của Ánh Dương, Minh Tâm, Xuân Tùng, Trọng Khoa…,  chỉ một Công chúa Đồng Xuân với hát, vũ đạo duyên dáng của Lộc Huyền cũng đủ làm khán giả yêu vở diễn hơn với tất cả lòng yêu nước trong sự tự hào và lòng kiêu hãnh dân tộc.

Dường như có “hạt sạn” trong vở diễn gây cấn cái trong khán giả chăng khi vở diễn có cảnh minh hoạ trận tấn công thành Hà Nội của Pháp với việc Nguyễn Tri Phương và những người  giữ thành trúng đạn. Minh họa sự hy sinh, thất bại của lịch sử không sai nhưng bị lạc trong mạch luận đề của tác phẩm, nhất là những nhân vật hèn nhát đưa ra cái lý về tương quan lực lượng đối lập với tinh thần xả thân giữ thành vì Tổ quốc không lẽ lại được chứng minh là đúng trong khi sự kiện lịch sử khán giả đã rõ liệu có cần một lớp diễn như vậy?

Dù có chút cấn cái về chi tiết trên nhưng Nguyễn Tri Phương của Nhà hát Tuồng Việt Nam là một tác phẩm thành công, đáng xem và rất nên xem.

Lê Quý Hiền



Ý kiến của bạn