Nguyễn Thanh Kim: Thanh thản sống và viết

06-01-2020 06:02 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Tôi gặp nhà thơ Nguyễn Thanh Kim ngay sau khi ông trở về từ chuyến đi giao lưu thơ tại Hàn Quốc.

Khác với vẻ trầm lặng ngày thường, nhà thơ hào hứng đọc cho tôi những câu thơ ông ngẫu hứng viết ngay tại Hàn Quốc, khi hồn thơ gặp được hồn thơ, dù họ thuộc quốc tịch, nền văn hóa khác nhau.

Nhà thơ Nguyễn Thanh Kim.

Nhà thơ Nguyễn Thanh Kim.

Nhà thơ Nguyễn Thanh Kim vinh dự được Hiệp hội thơ Hiện đại Hàn Quốc mời tới thăm và giao lưu với các nhà thơ nổi tiếng của Busan (Hàn Quốc) vào tháng 10/2019. Và ở tuổi ngoài 70, tâm hồn thơ Nguyễn Thanh Kim vẫn trẻ trung và đầy năng lượng, sẵn sàng trào dâng vào những dòng thơ nhiều trải nghiệm và suy tư. Chỉ có điều, ngọn lửa thơ ấy lại được giấu thật kỹ dưới vẻ ngoài thâm trầm, phần lớn thời gian chìm trong tĩnh lặng của ông. Cũng năm 2019, khi bước vào tuổi 71, ông xuất bản tuyển tập thơ gồm 300 trang, chọn lọc 220 bài thơ mà ông cho là giá trị nhất của mình, trong cả ngàn bài thơ ông đã viết suốt nửa thế kỷ làm thơ. Tuyển tập thơ quý giá này có nhan đề thật giản dị “Thơ Nguyễn Thanh Kim”, cứ như khi ta cầm tập thơ trong tay, là được chiêm nghiệm, thưởng thức toàn bộ tinh hoa trong cả cuộc đời sáng tạo của ông vậy.

Tôi may mắn có được một cuốn Thơ Nguyễn Thanh Kim, và tôi đọc chậm thôi. Thơ ông cũng như chính con người ông vậy. Đọc lướt qua vài bài thơ, thì chỉ thấy sự đơn giản nhẹ nhàng. Khi đọc lại chậm hơn, lại thấy một hình dung khác, một ý nghĩa cần chiêm nghiệm sâu, cần tĩnh lặng và cần sống thêm để hiểu... Những lớp lang ấy thầm ẩn sâu trong những câu thơ, vần thơ giản dị và hết sức bình thường, nhưng nếu ta đủ thời gian mà đọc đi đọc lại, sẽ đôi lúc giật mình vì những tư tưởng giá trị, về những đúc kết sống cho cả đời người. Nó như một dòng sông, nhìn thoáng thấy mặt sông phẳng lặng, nhưng ở lại lâu, sẽ gặp “sóng ở đáy sâu”. Và tôi khá ấn tượng về những câu thơ này:

“Về đây với gió ngoài ô cửa

Trời xanh ngút mắt rộng mênh mông

Những dự định bao la

Cồn cào trong ngực gió

Gió đốt bùng như lửa

Gió không yên như ngày đó xa nhà

Hơi thở đất đai nồng nàn phía trước…”

(Bài thơ Khúc hát sau những ngày chia xa - Nguyễn Thanh Kim)

Đặc biệt, cách nay chừng 15 năm, tôi bị ám vào đầu một câu thơ của Nguyễn Thanh Kim, mà mãi không hiểu được lý do vì sao câu thơ đó ám ảnh mình:

“Anh đi về phía không em

Mỏng như câu hát bềnh bồng cõi anh!”

Cho đến thời điểm 4 năm về trước (2016), khi chính tôi gặp một mất mát lớn trong đời, và khi thời gian đã đủ trôi xa khỏi nỗi bất hạnh về tình cảm đó, ngẫm lại hai câu thơ trên của Nguyễn Thanh Kim, tôi mới sửng sốt gai người, dường như có một sự linh cảm trước khi câu thơ ám tôi, nhưng tôi đã không nhận ra, cho đến khi tôi thực sự trải nghiệm đau đớn của mất mát, tôi đã thấu hiểu, và thấm sâu ý nghĩa thực sự của hai câu thơ này. Tôi thầm biết ơn nhà thơ về sự đồng điệu trong tâm cảm, mà có khi chính tác giả cũng không hề hình dung, rằng thơ mình có sức sống, có tác động sâu xa đến thế.

Nhà thơ Nguyễn Thanh Kim (thứ 3 từ phải sang) trong sự kiện giao lưu thơ tại Busan- Hàn Quốc tháng 10/2019.

Nhà thơ Nguyễn Thanh Kim (thứ 3 từ phải sang) trong sự kiện giao lưu thơ tại Busan- Hàn Quốc tháng 10/2019.

Nguyễn Thanh Kim là một nhà thơ ẩn mình khá kỹ. Khi tôi hỏi về ông với một số người trong giới văn thơ, họ phần lớn đều lắc đầu, họ khó nói về tính cách của ông. Ông là nhà thơ, nhưng không cố tình khoe mình qua vẻ ngoài xù xì, hay cuốn hút với chất nghệ sĩ, chất lãng tử. Trong đám đông, ông thường chìm khuất, thinh lặng, không làm ai chú ý. Ông không cố tình như vậy, nhưng tôi cảm giác đó là tố chất tự nhiên. Nhưng với riêng tôi, ánh nhìn của ông khiến tôi nhớ mãi. Một ánh nhìn dường như chẳng có chút chủ định nào, nhưng lại có thể chứa đựng tất cả!

Nguyễn Thanh Kim đến với nghiệp thơ cũng từ thói quen, ham mê đọc sách từ nhỏ. Ông sinh ra ở thị xã Bắc Ninh, may mắn có được một người bạn hàng xóm là Anh Vũ, gia đình bạn có một cả một tủ sách lớn trong nhà, và Thanh Kim đã “ngụp lặn” trong cả thế giới ngàn cuốn sách đó để thỏa cơn nghiền. Ông đọc tất cả những gì có trong tủ sách đó, từ sách kiếm hiệp, triết học, tôn giáo, tới sách thơ, văn,... thế rồi nhờ “ma đưa lối, quỷ dẫn đường” mà ông “tập tọng” làm thơ. Khi làm thơ xong thì nhờ đàn anh Anh Vũ góp ý, rồi sau đó mạnh dạn gửi báo Văn nghệ Hà Bắc đăng thơ. Ông cũng vô cùng biết ơn những thi nhân vĩ đại quốc tế đã truyền cho ông ngọn lửa âm thầm, để tiếp bước họ, trở thành một nhà thơ, một trong những ấn tượng và động lực lớn đó là từ những vần thơ của Louis Aragon, Pushkin, Lermontov mà ông may mắn được đọc khi còn nhỏ tuổi.

Nhà thơ Nguyễn Thanh Kim rất trọng tính riêng biệt trong giọng thơ, mỗi một nhà thơ, thành công nhất là tạo nên bản sắc thơ riêng mình, độc nhất, không thể lặp lại. Theo ông, sau năm 1989, thơ Việt Nam mới bắt đầu trở về với tính cá thể, được thể hiện bản sắc riêng của mỗi cá tính thơ.

Và ông chân thực với lòng mình, chân thực với thơ, kiên tâm giãi bày lòng mình bằng thơ, cho dù thơ được in hay không. Ông đùa rằng mình thuộc tầng cá ăn chìm, chứ không ăn nổi! Và ông cũng chấp nhận rằng, dù mình nỗ lực bao nhiêu thì đừng kỳ vọng thành công. Thành công như của trời cho vậy, cũng phù du như mây trời. Như Nguyễn Du từng kết luận “Mua vui cũng được một vài trống canh”. Người viết nào trong thâm tâm mà chẳng muốn mình bất tử. Người làm thơ, hơn người thường ở cái sự kéo dài hơn cuộc đời mình, sức sống mình, như thế cũng đã là may phúc lắm rồi.

Tập thơ mới xuất bản tháng 11/2019 của nhà thơ Nguyễn Thanh Kim.

Tập thơ mới xuất bản tháng 11/2019 của nhà thơ Nguyễn Thanh Kim.

Nguyễn Thanh Kim là người sống chừng mực, tuy cũng có lần ông từng phải nằm viện vì bệnh sốt xuất huyết, vì tai nạn do say rượu, nhưng ông lại thấy, nhờ những lần vào viện mà mình có bài học mới, đó là phải biết bảo vệ sức khỏe, không bất cẩn với những gì nhỏ nhất như con muỗi bé tí. Con muỗi bé tí có thể giết người nhiều chẳng kém chiến tranh. Và ông thấu hiểu, nỗi vui với rượu luôn kèm việc trả giá rất nhanh. Còn khi có tuổi, mắc bệnh tiểu đường, ông biết cách chung sống hòa bình với nó, mà không quá bận tâm, nếu người khác cho rằng phải kiêng khem khổ sở thì mới sống sót với căn bệnh này, ông lại thấy nhẹ người vì mình thoát khỏi một số thức ăn có hại cho bản thân. Ngoài 70 tuổi, mà trông ông nhẹ nhàng, thanh thản, và tôi hiểu rằng, để có vẻ thanh thản đó, thì ông đã hàng ngày dẻo chân đi bộ, thăm bạn văn, báo văn khắp mọi hang cùng ngõ hẻm nơi thành phố, nơi quê nhà, đi để khỏe ra, đi để thoải mái chiêm ngưỡng cuộc đời, và đi tìm thi hứng ngẫu nhiên...

Ở bất cứ thời nào, thì nhà thơ đều là những người sống trọn vẹn nhất. Hiện nay, ở tuổi ngoài bảy mươi, hầu hết người cùng thời, thậm chí là những văn nghệ sĩ, đã rút về tận hưởng thú vui cháu chắt, cờ quạt, thăm thú đó đây, giỗ chạp lễ lạt, và công việc coi như khép lại, thì Nguyễn Thanh Kim vẫn không buông bút. Tuy nhiên, viết mà không cố, viết thoải mái với ý thơ ngẫu nhiên đến, ông cười nhẹ: “Với đời, cái gì được thì đã được rồi, mất thì đã mất rồi; với thơ, cái gì hay thì hay rồi, nhạt thì nhạt rồi. Bây giờ, tôi sống và viết thanh thản”. Vừa xuất bản xong tập thơ 300 trang, ông lại tiếp tục viết để sắp tới cho ra mắt bạn đọc tập chân dung văn học cũng dày ít nhất 300 trang, ghi lại hình ảnh những nhà thơ quan trọng của Việt Nam trong nửa thế kỷ qua.

Với nhà thơ Nguyễn Thanh Kim, thì việc viết chân dung văn học khác với làm thơ ở điểm, ông rút ra được những bài học từ bạn thơ, và ông cũng nhận ra, thế hệ trẻ bây giờ làm thơ rất khác, họ có lợi thế là có tầm văn hóa rộng mở nhờ toàn cầu hóa và công nghệ thông tin, nhưng phải chăng họ đến với thơ sớm quá, vội vã làm thơ quá. Ông cho rằng, tác giả thơ, cần giăng mắc với cuộc sống nhiều hơn nữa, va chạm nhiều đắng cay hơn nữa, mới đủ trải nghiệm, đủ giàu có về vốn sống, đủ chín để làm thơ. Thơ trẻ có thể lạ hóa, nhưng lại thiếu thốn tầm tư tưởng, thiếu độ đằm sâu để ghi dấu ấn trong lòng bạn đọc. Cái lạ chỉ gây tò mò thoạt đầu, giống như món ăn chỉ thấy dậy mùi hành tỏi, gia vị, mà không thấy nhân thấy thịt đâu cả, chỉ sướng mũi ngửi mà không sướng miệng! Ăn vào không được! Nghĩa là cái lõi thơ không thấy. Thơ phải có chất của đời sống, không phải là trò làm xiếc ngôn từ. Anh phải đau đớn, phải vất vả với đời sống này thì anh mới bật ra thơ thật sự. Như triết gia cổ đại người Hy Lạp Socrates từng nói một ý rằng, đời người mà không trải qua cái ĐAU, ĐẮNG, LẠNH thì chưa ra kiếp người vậy. Nếu hành trang của bạn còn mỏng, thì bạn phải dựa vào hình thức, ảo hóa. Nhưng thời gian qua đi, chỉ có chân giá trị là tồn tại lâu dài.

Và điều lạ, khi tiếp xúc sâu hơn với nhà thơ Nguyễn Thanh Kim, tôi phát hiện ra rằng, có thể xếp loại thơ ông vào dòng thơ khỏe. Thơ khỏe thì dù bình lặng, dù không gây sốc, nhưng lại cứ neo vào lòng người đọc, lại cứ trở đi trở lại, và cùng với trải nghiệm sống đủ lâu của người đọc, thơ ông sẽ ngân lên trong trái tim họ vào một thời điểm thích hợp, vào một khoảnh khắc khi họ đủ chín, thì sự trùng sóng tâm hồn sẽ nảy sinh, và thơ của Nguyễn Thanh Kim lặng lẽ trở lại, trong thẳm sâu tĩnh lặng của chất thiền. Có lẽ thế, mà suốt 2 thập niên qua, khi người ta hầu hết lên đời xe máy, oto, thì Nguyễn Thanh Kim lặng lẽ đi bộ, đi xe bus. Ông không vội gì cả giữa đời này, cũng như thơ của ông, chẳng vội gây ồn ào làm gì cả.

“Văn chương nết đất”, các cụ từ xưa đã nói vậy. Tôi nghĩ, những người lấy văn chương làm trò chơi trang sức thì chẳng bàn làm gì. Chứ còn những người đã nhận văn chương là nghiệp, thì tôi luôn tin họ có những nỗi niềm trăn trở, đau đáu gửi gắm dưới những con chữ tưởng như tẻ nhạt và bình yên kia. Tôi biết, Nguyễn Thanh Kim luôn giữ được niềm mê đắm đền đài với con chữ. Anh chân thành gửi gắm nỗi niềm của anh qua từng con chữ. Còn tài năng và tần số cảm xúc của người viết thăng hoa được đến đâu, thì có khi còn là trời cho. Người đọc sẽ phán xét và nhận định. Đó là sự phân định công minh và khách quan nhất.”

(Nhà thơ Vũ Từ Trang nhận xét về nhà thơ Nguyễn Thanh Kim).


Kiều Bích Hậu
Ý kiến của bạn