Nguyễn Tất Thành ở Bình Ðịnh

17-05-2017 11:22 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Không ít người tỏ ra ngỡ ngàng khi được biết thời trẻ Bác Hồ đã từng ở Bình Định trên dưới 1 năm. Tính đến năm 2009, vừa tròn 100 năm Nguyễn Tất Thành đến và ở Bình Định.

Không ít người tỏ ra ngỡ ngàng khi được biết thời trẻ Bác Hồ đã từng ở Bình Định trên dưới 1 năm. Tính đến năm 2009, vừa tròn 100 năm Nguyễn Tất Thành đến và ở Bình Định. Như vậy, thời trẻ của Người, trừ thời gian ở quê hương Nghệ An, Bác Hồ đã ở Huế dài nhất và nơi ở lâu thứ hai là Bình Định, rồi mới tới Phan Thiết ở chừng nửa năm để tiếp tục vào Bến Nhà Rồng xuống tàu Đô đốc Latutsơ Tơrevin (Amiral Latouche Trévelle) đi tìm đường cứu nước...

Bình Định không chỉ là nơi Nguyễn Tất Thành ghé thăm cha như lời ca bài Miền Trung nhớ Bác của nhạc sĩ Thuận Yến với câu: “Trời Bình Khê trong xanh bát ngát, nhớ một chiều Bác đến thăm cha…” mà cụ Nguyễn Sinh Sắc làm Tri huyện ở đất Bình Khê cũng là sự kiện lịch sử đặc biệt bởi cụ Nguyễn Sinh Sắc vừa là thân sinh Hồ Chủ tịch, vừa là một nhà nho yêu nước mà cả nhân dân Việt Nam tôn kính. Như vậy, Bình Định có “vinh dự kép”, không phải nơi nào muốn là có được.

Tôi muốn nói tới vấn đề Nguyễn Tất Thành đến Bình Định ngày nào, tháng nào, ở đâu và làm gì? Mà các nhà nghiên cứu hầu như còn đang lúng túng, chưa ai dám khẳng định một cách dứt khoát, mặc dù mỗi người đều có nhận định lý giải bằng tư duy logic của mình nên nghe chừng hợp lý. Dĩ nhiên một sự kiện lịch sử được ghi chính xác về thời gian, không gian thì độ tin cậy càng nhiều hơn, càng thuyết phục người đọc hơn, đó là trách nhiệm của những nhà sử học và nhà nghiên cứu khoa học xã hội nhân văn. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh đất nước ta, trước cách mạng, tư liệu lịch sử đã được lưu giữ chưa có hệ thống, chưa nói là rơi vãi và đôi khi lại tam sao thất bản.Trường mầm non bán công Hoa Sen - trên đường Phan Bội Châu (TP. Quy Nhơn) - khu vực được xác định là nhà của Nhà giáo Phạm Ngọc Thọ trước kia - nơi Nguyễn Tất Thành theo học tiếng Pháp.

Trường mầm non bán công Hoa Sen - trên đường Phan Bội Châu (TP. Quy Nhơn) - khu vực được xác định là nhà của Nhà giáo Phạm Ngọc Thọ trước kia - nơi Nguyễn Tất Thành theo học tiếng Pháp.

Tôi đọc kỹ những quyển sách có liên quan tới Nguyễn Tất Thành đến Bình Định như Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Hồ Chí Minh những sự kiện, Búp sen xanh, Búp sen vàng, đặc biệt là quyển Nguyễn Tất Thành đến Bình Định của Đỗ Quyên do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Định xuất bản gần đây. Đây là cuốn sách tập hợp khá đầy đủ những ý kiến của các nhà nghiên cứu qua các hội thảo ở Hà Nội, ở Huế, ở Nghệ An, ở Phan Thiết… và có cả những tư liệu từ chính quyền Pháp cũng như tư liệu của triều đình Huế. Rất tiếc là tư liệu thì phong phú nhưng chưa thấy sự thống nhất về ngày tháng Nguyễn Tất Thành đến Bình Định và rời Bình Định. Sự chưa thống nhất này không có nghĩa là tồn nghi không tin tưởng hoặc không công nhận sự kiện Nguyễn Tất Thành đến Bình Định và ở Bình Định, bởi sự việc đã quá hiển nhiên như hàng chục nguồn tư liệu đã chứng minh từ nhiều phía ta và tây. Phía nào cũng nói “Nguyễn Tất Thành theo cha vào Bình Định”. Và còn thuyết phục hơn từ lời khai của bà Nguyễn Thị Thanh - chị của Bác Hồ rất rõ: “Cụ Nguyễn Sinh Sắc dẫn hai con trai đến Bình Định vào khoảng tháng 5 năm 1909”. Và một thông tin khác không kém phần quan trọng từ gia đình ông giáo Phạm Ngọc Thọ là Nguyễn Tất Thành đến thăm cha ở Bình Khê, nơi huyện đường Bình Khê nằm bên bờ sông mùa lũ mãi mãi in đậm trong ký ức người thanh niên Nguyễn Tất Thành - Hồ Chí Minh, cho đến năm 1955 khi tiếp các đại biểu Bình Định tại Thủ đô Hà Nội, Bác Hồ còn hỏi: Nước sông Côn bây giờ lên còn để lại ngấn nước nữa không? Ấn tượng như vậy là quá sâu nếu không phải nhiều lần đứng trên bờ sông Côn ngắm nhìn thiên nhiên hùng vĩ của miền đất anh hùng.

Cũng như việc Nguyễn Tất Thành ở Quy Nhơn đến thăm gia đình cụ Đào Tấn và xem diễn tuồng ở đấy là điều hợp lý, như nhà văn Sơn Tùng đã từng viết theo lời kể của ông Nguyễn Sinh Khiêm. Thời trẻ, Bác Hồ xem tuồng nhiều và thích tuồng tới mức sau này, thời ở chiến khu Việt Bắc mỗi lần họp Chính phủ, lúc giải lao Bác đều bảo ông Lê Văn Hiến - Bộ trưởng Tài chính, nguyên là kép hát tuồng lên hát tuồng cho mọi người nghe, thậm chí có lúc Bác còn nhắc tuồng khi ông Hiến quên…

Hoặc sau Cách mạng Tháng Tám 1945, ông Trần Minh Tước (tức Xích Điểu) từ Lạng Sơn về báo cáo tình hình cho Hồ Chủ tịch ở Bắc bộ phủ. Ngay trong những giờ phút công việc bộn bề như vậy mà Bác vẫn đề nghị ông Xích Điểu và ông Trần Đình Long diễn một lớp tuồng “Tống tửu Đờ-cu” cho Bác xem! Hai ông hát nam, kèm động tác chia ly buồn thảm, Bác ra hiệu dừng lại và nói: “Trong không khí vui vẻ toàn dân thế này mà các chú lại lên cái giọng mếu máo bi ai như vậy thật không hợp chút nào. Phải chọn cái điệu vừa vui vừa hùng như điệu hát khách ấy. Các chú có hát khách được không?”. Qua vài mẩu chuyện trên càng cho ta thấy Bác Hồ am hiểu nghệ thuật tuồng như thế nào, sự am hiểu đó bắt nguồn từ tuồng Đào Tấn mà thời trẻ Bác đã được xem, được nghe nhiều lần ở Nghệ An, thời Đào Tấn làm Tổng đốc An Tĩnh và ở Bình Định thời Nguyễn Tất Thành ở Quy Nhơn. Từ nhiều nguồn thông tin và tư liệu hợp lý, hợp logic như sách báo đã công bố, chúng ta có thể khẳng định Nguyễn Tất Thành đã đến Bình Định, đã học thêm tiếng Pháp tại nhà ông giáo Phạm Ngọc Thọ ở Quy Nhơn, đã đến thăm cha ở Bình Khê và đương nhiên đã đến thăm gia đình cụ Đào Tấn và xem tuồng ở làng Vinh Thạnh. Còn Nguyễn Tất Thành rời Bình Định, tuy không ai biết, nhưng cũng có thể tính lùi từ ngày Người đặt chân tới Phan Thiết và vào dạy trường Dục Thanh.

Việc tỉnh Bình Định phục dựng huyện đường Bình Khê để tưởng niệm nhà yêu nước Nguyễn Sinh Sắc và dựng cụm Tượng đài hai cha con cụ Nguyễn Sinh Sắc - Nguyễn Tất Thành chia tay lần cuối cùng tại TP. Quy Nhơn - Bình Định là hết sức có ý nghĩa. Và cuối cùng cũng nên dựng một tấm bia đá lớn tại Quy Nhơn có khắc dòng chữ “Nơi đây Nguyễn Tất Thành đã từng ở, học tập” tại khu nhà của thầy giáo Phạm Ngọc Thọ. Tấm bia sẽ là biểu tượng có ý nghĩa giáo dục truyền thống mà chắc rằng không ai qua đây lại không một phút dừng chân để ngắm tấm bia lịch sử và liên tưởng tới một người học trò vĩ đại Nguyễn Tất Thành - Hồ Chí Minh đã học tập ở đây hơn 100 năm trước.


GS. Hoàng Chương
Ý kiến của bạn