Nguyên tắc 'lấy người bệnh làm trung tâm' trong dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)

30-11-2022 16:08 | Y tế

SKĐS - Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) lần này được thiết kế theo hướng đổi mới cơ chế để bảo đảm quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của các bên liên quan đến hoạt động khám bệnh, chữa bệnh...

Theo đó, bao gồm các nội dung về quyền của người bệnh gắn với nghĩa vụ của người hành nghề và trách nhiệm của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Quyền của người hành nghề gắn với nghĩa vụ của người bệnh, thân nhân người bệnh và trách nhiệm của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Quyền của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh gắn với nghĩa vụ của người hành nghề, người bệnh và thân nhân của người bệnh;

Trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm các quyền, nghĩa vụ và của người bệnh, người hành nghề; quyền và trách nhiệm của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Những thông tin trên được GS.TS Trần Văn Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế đưa ra tại hội nghị nghị xin ý kiến đối với dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) khu vực phía Bắc do Bộ Y tế tổ chức sáng 30/11 tại Hà Nội.

Thứ trưởng - Ảnh 1.

GS.TS Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh: Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi lần này được thiết kế theo hướng đổi mới cơ chế để bảo đảm quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của các bên liên quan đến hoạt động khám bệnh, chữa bệnh...

Tham dự có đại diện lãnh đạo các Vụ, Cục thuộc Bộ Y tế, đại diện Sở Y tế các tỉnh, thành phố; các bệnh viện, viện trực thuộc Bộ, các bệnh viện thuộc Sở, các bệnh viện tư nhân khu vực phía Bắc.

5 nội dung tập trung trong dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)

Phát biểu khai mạc hội nghị, GS.TS.Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, Luật Khám bệnh, chữa bệnh được Quốc hội thông qua vào ngày 23/11/2009, đây là đạo luật đầu tiên của Việt Nam thể chế hóa quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác khám bệnh, chữa bệnh cho nhân dân, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, đáp ứng yêu cầu điều chỉnh các mối quan hệ xã hội phát sinh trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh và góp phần đưa hoạt động khám bệnh, chữa bệnh của Việt Nam bước đầu hội nhập quốc tế.

Tuy nhiên, sau hơn 13 năm thực hiện, Luật cũng đã phát sinh những hạn chế, bất cập, một số quy định không còn phù hợp với điều kiện thực tiễn, một số vấn đề chưa bảo đảm tính tương thích với pháp luật quốc tế.

Với mục tiêu thể chế hóa các quan điểm của Đảng về khám bệnh, chữa bệnh tại Nghị quyết Trung ương 20 về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, đồng thời giải quyết các khó khăn, bất cập phát sinh trong thực tiễn triển khai Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009, theo phân công của Chính phủ, Bộ Y tế được giao nhiệm vụ làm đầu mối xây dựng dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Thứ trưởng cho biết thêm, dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) đã được hoàn thiện, trình Chính phủ và trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV vào tháng 5/2022 và được Quốc hội tiếp tục xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 vào tháng 10, tháng 11/2022.

Nguyên tắc "lấy người bệnh làm trung tâm" trong dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)   - Ảnh 2.

Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cùng lãnh đạo các Vụ/Cục trực thuộc Bộ Y tế tại hội nghị xin ý kiến đối với dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) khu vực phía Bắc do Bộ Y tế tổ chức sáng 30/11 tại Hà Nội.

Để giải quyết tốt các mối quan hệ đã nêu ở trên, đồng thời trên nguyên tắc "lấy người bệnh làm trung tâm", dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) tập trung vào các vấn đề sau đây:

Thứ nhất: Vấn đề nâng cao chất lượng của người hành nghề thông qua việc tổ chức đánh giá năng lực hành nghề trước khi cấp phép hành nghề, quy định thời hạn của giấy phép hành nghề và các biện pháp quản lý sau khi cấp phép hành nghề;

Thứ hai: Vấn đề nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thông qua việc nâng cao chất lượng của người hành nghề, bổ sung quy định về đánh giá chất lượng, tăng cường biện pháp quản lý bằng công nghệ thông tin…

Thứ ba: Bổ sung chế định pháp lý về khám bệnh, chữa bệnh từ xa, khám chữa bệnh ban ngày, tại nhà, lưu động; bác sỹ gia đình; khám bệnh, chữa bệnh bằng y học cổ truyền; khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp xảy ra thiên tai, thảm họa, dịch bệnh; bảo đảm an ninh bệnh viện để bảo vệ thầy thuốc, nhân viên y tế và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh…

Thứ tư: Xây dựng cơ chế tài chính để bảo đảm hoạt động cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thông qua việc bổ sung quy định về tự chủ, xã hội hóa trong khám bệnh, chữa bệnh, sửa đổi quy định về chi phí khám bệnh, chữa bệnh và giá dịch vụ trên cơ sở hướng tới tính đúng, tính đủ các yếu tố hình thành giá, bảo đảm cân đối thu chi cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện tự chủ và bảo đảm thống nhất với Luật Giá, Luật Bảo hiểm y tế.

Thứ năm: Cải cách thủ tục hành chính trong cấp giấy phép hành nghề, giấy phép hoạt động trên cơ sở giảm bớt thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người hành nghề và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, phân cấp triệt để thẩm quyền cho địa phương theo Nghị quyết của Chính phủ.

Tăng cường quản lý để lĩnh vực khám chữa bệnh ngày càng phát triển đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của nhân dân

Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận về các nội dung như:

  • Các quy định về cấp giấy phép hành nghề khám bệnh chữa bệnh như chức danh hành nghề, thời điểm kiểm tra, đánh giá năng lực, thực hành hành nghề, sử dụng ngôn ngữ và Hội đồng y khoa Quốc gia;
  • Các quy định về cơ sở khám bệnh, chữa bệnh như điều kiện cấp giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, đánh giá chất lượng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;
  • Các quy định về điều kiện bảo đảm công tác khám bệnh, chữa bệnh như, giá dịch vụ khám bệnh chữa bệnh, vấn đề xã hội hóa, tự chủ trong khám bệnh, chữa bệnh;
  • Các quy định về lộ trình thực hiện kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề, đánh giá chất lượng, giấy phép hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;
  • Các quy định về điều khoản chuyển tiếp đối với giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, giấy phép hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, đối với các đề án, hợp đồng sử dụng tài sản công vào mục đích liên doanh, liên kết của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh….

"Bộ Y tế tin tưởng thông qua hội thảo góp ý dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh này, chúng ta sẽ hoàn thiện được dự thảo Luật với đầy đủ nhất các nội dung quan trọng, với phương châm tăng cường quản lý để lĩnh vực khám chữa bệnh ngày càng phát triển đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của nhân dân"- Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nói.

Nguyên tắc "lấy người bệnh làm trung tâm" trong dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)   - Ảnh 3.

Toàn cảnh hội nghị xin ý kiến đối với dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) khu vực phía Bắc do Bộ Y tế tổ chức sáng 30/11 tại Hà Nội.

Tại hội nghị, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Đỗ Trung Hưng cho biết, dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) với 12 Chương 123 Điều. Quan điểm xây dựng Luật trên cơ sở tiếp tục thể chế hóa kịp thời, đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới. Sau khi tổng hợp các ý kiến Bộ Y tế sẽ tổng hợp và trình Quốc hội vào kỳ họp tiếp theo.
Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) được nhân dân, ngành y tế mong đợi và đặt nhiều kỳ vọngLuật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) được nhân dân, ngành y tế mong đợi và đặt nhiều kỳ vọng

SKĐS - Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) được nhân dân, ngành y tế mong đợi, đặt nhiều kỳ vọng nhằm cải thiện chất lượng chăm sóc sức khỏe.

Thái Bình
Ý kiến của bạn