Nhằm tăng cường công tác bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm trong dịp mùa lễ hội Xuân năm 2015, Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế đã đưa ra 10 nguyên tắc bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cửa hàng ăn uống phục vụ lễ hội.
Theo đó, Cục An toàn thực phẩm yêu cầu địa điểm của cơ sở kinh doanh thực phẩm mùa lễ hội phải bố trí ở địa chỉ cố định; thiết kế có nơi bán hàng, nơi chế biến thức ăn, nơi rửa tay.
Nơi chế biến thức ăn, đồ uống; nơi ăn uống sạch sẽ, cách biệt nguồn ô nhiễm (cống rãnh, rác thải, công trình vệ sinh, nơi bầy bán gia súc, gia cầm); khu vực trưng bày ngăn thức ăn cách giữa thực phẩm sống và thức ăn chín.
Cơ sở kinh doanh thực phẩm có đủ số lượng nước sạch để chế biến thức ăn và vệ sinh dụng cụ, cơ sở; nguồn nước phải được định kỳ kiểm nghiệm ít nhất 1 năm/lần; có đủ nước đá sạch theo quy định dùng để pha chế đồ uống.
Đồng thời cơ sở kinh doanh thực phẩm phải có đủ dụng cụ chế biến, dụng cụ chia thức ăn, đồ chứa đựng và dụng cụ ăn uống bảo đảm vệ sinh; không được sử dụng tay trực tiếp để bốc, chia thức ăn chín; bao gói thức ăn phải sạch, chỉ dùng các loại chuyên cho thực phẩm.
Cục An toàn thực phẩm cũng yêu cầu chủ cơ sở hoặc người quản lý và người chế biến thức ăn phải khám sức khoẻ và cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sức khoẻ theo quy định của Bộ Y tế và định kỳ ít nhất một lần/năm. Khám sức khoẻ, xét nghiệm do các cơ quan y tế từ cấp quận, huyện và tương đương trở lên thực hiện; người đang mắc các bệnh, chứng bệnh thuộc danh mục đã được Bộ Y tế quy định không được tham gia trực tiếp chế biến thức ăn.
Bên cạnh đó, người chế biến thức ăn, bán hàng phải có giấy xác nhận tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm theo quy định.
Đối với người tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm, thức ăn chín, Cục An toàn thực phẩm yêu cầu phải mặc quần áo bảo hộ, mũ chụp tóc, tháo bỏ vòng, nhẫn, đồng hồ và cắt ngắn móng tay.
Đối với nguyên liệu thực phẩm phải có nguồn gốc an toàn; thực phẩm bao gói sẵn phải có đầy đủ nhãn theo quy định; không sử dụng nguyên liệu thực phẩm, thực phẩm quá hạn; phụ gia thực phẩm ngoài danh mục cho phép của Bộ Y tế;
Theo yêu cầu của Cục An toàn thực phẩm các cơ sở kinh doanh thực phẩm phải tuân thủ hướng dẫn thức ăn chín phải được bày bán trên bàn hoặc giá cao cách mặt đất ít nhất 60cm; để trong tủ kính hoặc thiết bị bảo quản, che đậy hợp vệ sinh, chống được ruồi, nhặng, bụi bẩn, mưa, nắng và côn trùng, động vật gây hại khác. Không được bán thức ăn ôi thiu, quá hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc;
Cơ sở có đủ dụng cụ chứa đựng chất thải, rác thải; dụng cụ chứa đựng chất thải, rác thải kín, có nắp đậy và được chuyển đi trong ngày; nước thải được thu gom trong hệ thống không gây ô nhiễm môi trường
Liên quan đến công tác đảm bảo an toàn thực phẩm dịp tết Nguyên đán và mùa lễ hội năm 2015, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Nguyễn Thanh Phong cho biết: Để đảm bảo an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Ất Mùi và mùa lễ hội năm 2015, từ ngày 15/12/2014 đến 30/3/2015, Ban chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ thành lập 6 đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành thanh, kiểm tra tại 12 tỉnh, thành phố (gồm: Kiên Giang, Cà Mau; Gia Lai, Kon Tum; Quảng Ninh, Hải Phòng; Hà Nội, Lào Cai; Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng; Thành phố Hồ Chí Minh và Tây Ninh). Hoạt động thanh kiểm tra được triển khai nhằm bảo đảm sản phẩm thực phẩm an toàn, chất lượng khi lưu thông và tiêu thụ; phấn đấu giảm 10% số vụ ngộ độc thực phẩm so với cùng kỳ năm 2014; bảo đảm số cơ sở được thanh tra, kiểm tra trên cả nước tăng 10% so với cùng kỳ năm 2014.
Các đoàn kiểm tra liên ngành sẽ đánh giá thực trạng công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm của các cấp, các ngành; việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống; thông qua việc thanh tra, kiểm tra kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các vi phạm về an toàn thực phẩm, hạn chế ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm, đồng thời đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.
Theo đó, đối tượng thanh tra, kiểm tra chủ yếu là các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố; các chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại; các mặt hàng thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp tết và các lễ hội (như: thịt, bia, rượu, bánh, mứt, kẹo...). Trong quá trình thanh tra, kiểm tra, các đoàn liên ngành sẽ kết hợp làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức, pháp luật về an toàn thực phẩm.
Bộ Y tế cho biết, Chính phủ vừa đồng ý cho thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm từ tuyến huyện, xã phường, thí điểm tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh; đồng thời cho phép các xã, phường được giữ lại 100% tiền xử phạt các trường hợp vi phạm về an toàn thực phẩm.
Thái Bình
giữ lại 100% tiền xử phạt các trường hợp vi phạm về an toàn thực phẩm.