Hà Nội

Nguyễn Nhật Ánh - Cây bút của tuổi thơ

14-10-2020 09:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Nguyễn Nhật Ánh được mệnh danh là “Cây bút của tuổi thơ” với những dấu ấn đậm sâu.

Nguyễn Nhật Ánh thú nhận: “Nỗi ám ảnh lớn nhất của tôi là tuổi thơ. Tôi sống xa quê hương, xa đất đai quê xứ, xa tuổi thơ rất sớm nên tâm hồn tôi luôn neo vào bến tuổi thơ. Tâm tính của tôi phù hợp với tuổi thơ nên có thể tôi sẽ viết mãi về tuổi thơ. Những đề tài khác đã có nhà văn khác đảm nhiệm”. Những người yêu văn chương biết đến Nguyễn Nhật Ánh là “nhà văn triệu đô”, vì mỗi tác phẩm của ông khi xuất bản đều là hàng vạn bản in và bán hết nhanh. Thậm chí có những tác phẩm của ông được tái bản nhiều chục lần, được dịch và xuất bản ở một số quốc gia trên thế giới.

Chân dung nhà văn Nguyễn Nhật Ánh và tác phẩm mới nhất đem lại cho ông giải thưởng “Hiệp sĩ Dế Mèn” gần đây.

Chân dung nhà văn Nguyễn Nhật Ánh và tác phẩm mới nhất đem lại cho ông giải thưởng “Hiệp sĩ Dế Mèn” gần đây.

Ở mảng sách dành cho thiếu nhi,  Nguyễn Nhật Ánh đã cho ra đời hàng chục cuốn sách và đều được bạn đọc yêu mến, có thể kể đến: Trước vòng chung kết, Kính vạn hoa (bộ truyện 54 tập, 1995-2010), Tôi là Bêtô, Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, Đảo mộng mơ, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Có hai con mèo ngồi bên cửa sổ, Bảy bước tới mùa Hè, Con chó nhỏ mang giỏ hoa hồng, Cây chuối non đi giày xanh, Cảm ơn người lớn... Truyện dài Làm bạn với bầu trời là tác phẩm mới nhất của Nguyễn Nhật Ánh, ra mắt năm 2019.

Vừa qua, Làm bạn với bầu trời đã đem lại cho Nguyễn Nhật Ánh giải “Hiệp sĩ Dế Mèn” thuộc Giải thưởng thiếu nhi Dế Mèn lần 1/2020. Như bao cuốn sách ăn khách khác, Làm bạn với bầu trời được đánh giá cao. Theo nhà nghiên cứu, lý luận và phê bình văn học, PGS.TS. Ngô Văn Giá, Làm bạn với bầu trời đã khéo léo sắp đặt một cốt truyện thú vị để nhân vật nương vào và bộc lộ tính cách. Nhân vật chính là Tèo bị chấn thương cột sống phải nằm nhà dưỡng bệnh, sau rồi phải đi bệnh viện, bệnh nặng tưởng chết, cuối cùng đã được hồi phục. Sự mộng mơ có khi giúp con người chiến thắng được bệnh tật, vượt qua những cám dỗ tầm thường, hướng tới những điều tử tế và cao quý. “Tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh bám sát đời sống, thấu hiểu tâm lý của thiếu nhi, giới trẻ. Ở đó cái đẹp, lòng nhân ái được dựng lên” - nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhận định.

Đa số các tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh hướng tới đối tượng đọc là trẻ nhỏ, nên đọc tác phẩm của ông ai cũng nhận thấy mở ra thế giới mộng mơ gần với thế giới cổ tích, kích thích trí tưởng tượng và ước mơ của trẻ em. Đó là những ngày hè về quê chơi đùa thỏa thích trong vườn ngoài xóm; là thế giới ngộ nghĩnh đáng yêu của bọn lợn con, gà chíp, chó cún khi chúng chơi trò nói tiếng của nhau; là trại hoa vàng muôn hoa khoe sắc hương, khu rừng đầy cây lá, hoa cỏ che chở cho lũ thú nhỏ... Các nhân vật trong truyện có những hành động gợi nhắc đến thế giới truyện cổ tích: cưỡi chổi leo lên cây làm phù thủy; đóng giả làm hiệp sĩ, tướng cướp rừng xanh thổ lộ tình cảm với công chúa; tặng bạn đôi giày cỏ bé xinh như đôi hia bảy dặm để tới gần hơn mùa hè năm sau; công chúa ngủ trong rừng được hoàng tử đánh thức... “Đọc truyện của Nguyễn Nhật Ánh thì trẻ em tìm thấy tuổi thơ sinh động, hồn nhiên, chân thật của chính mình; còn người lớn thì nhận được những “tấm vé” về lại tuổi thơ” - TS.Thái Phan Vàng Anh đánh giá.

Nguyễn Nhật Ánh sinh năm 1955 tại tỉnh Quảng Nam. Trước khi trở thành nhà văn nổi tiếng, ông từng có thời gian đi dạy học, viết báo với nhiều bút danh như Chu Đình Ngạn, Lê Duy Cật, Đông Phương Sóc,... Nguyễn Nhật Ánh đã được nhận Giải thưởng Văn học ASEAN cho tác phẩm “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ”, giải thưởng Văn học Trẻ hạng A cho truyện dài “Chú bé rắc rối” của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, nhà văn được yêu thích nhất trong 20 năm (1975 -1995) qua cuộc trưng cầu ý kiến bạn đọc về các gương mặt trẻ tiêu biểu trên mọi lĩnh vực của Thành đoàn TP.HCM. Bên cạnh đó, nhiều tác phẩm của ông đã được chuyển thể thành phim: “Áo trắng sân trường”, “Thằng quỷ nhỏ”, “Chú bé rắc rối”, “Bong bóng lên trời”, “Nữ sinh”, “Kính vạn hoa”, “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, “Cô gái đến từ hôm qua” và “Mắt biếc”.


NGUYÊN ANH
Ý kiến của bạn