(Lê Công Vinh - Kiên Giang)
Đến nay bệnh viêm khớp vảy nến dù được xếp loại nhưng nguyên nhân gây bệnh vẫn chưa được xác định. Người ta chỉ ghi nhận được các yếu tố có liên quan đến cơ chế bệnh sinh. Do người có cha hoặc mẹ bị bệnh viêm khớp vảy nến sẽ có nguy cơ bị bệnh gấp 50 lần người bình thường nên có người cho rằng đây là do các yếu tố về gen. Chẳng hạn gen HLA-Cw6, HLA-B27, HLA-B16, HLA-DR4 có liên quan mật thiết với viêm khớp vảy nến.
Bên cạnh đó, các nhà lâm sàng cũng nhận thấy việc nhiễm khuẩn hay chấn thương cơ học có thể làm khởi phát viêm khớp vảy nến. Các nhà miễn dịch thì phát hiện các tổn thương tế bào học ở da và khớp tương tự nhau: có sự thâm nhập của tế bào viêm, tăng sinh mạch máu… Bệnh viêm khớp vảy nến có biểu hiện lâm sàng rất đa dạng, gồm triệu chứng tại khớp và triệu chứng ngoài khớp (nổi bậc là tổn thương da). Người ta ghi nhận: 70% số bệnh nhân bị vảy nến sẽ xuất hiện viêm khớp sau biểu hiện da nhiều năm, chỉ có 15% tổn thương khớp và da cùng lúc và 15% còn lại là tổn thương khớp xuất hiện trước tổn thương da.
Trong thực tế lâm sàng, do hai tổn thương này không xuất hiện cùng lúc (thậm chí cùng lúc) nên bệnh nhân được chẩn đoán là hai bệnh riêng biệt nhau. Có đến 2/3 số bệnh nhân viêm khớp vảy nến biểu hiện là thể viêm một khớp hoặc vài khớp ở ngoại biên không có tính chất đối xứng, hay gặp là viêm khớp lớn như khớp gối cùng với vài khớp ngón tay hoặc ngón chân, có thể viêm khớp này xảy ra sau chấn thương nên được chẩn đoán là viêm khớp chấn thương. Đôi khi cũng gặp thể viêm nhiều khớp có tính chất đối xứng khiến lầm với các bệnh khớp khác. Thể hủy khớp cũng có thể gặp nhưng hiếm (khoảng 5%), biểu hiện bởi hủy xương ở các xương đốt ngón, bàn tay, bàn chân.