Nguyên nhân của viêm tụy cấp
Nguyên nhân viêm tụy cấp có nhiều trong đó thường gặp là: Bệnh đường mật do sỏi hoặc giun (chiếm 40-50%); Do rượu (chiếm 20 – 30%).
Các nguyên nhân ít gặp hơn có thể do: Chấn thương vùng bụng hoặc các bệnh lý gây tổn thương mạch máu nhỏ như bệnh tiểu đường, bệnh Lupus ban đỏ.
Các bệnh có tăng lipid máu hoặc nhóm các bệnh rối loạn chuyển hóa lipid máu cũng có thể gây viêm tụy cấp.
Các rối loạn chuyển hoá: Tăng calci huyết như cường tuyến cận giáp; Nhiễm virus (quai bị, CMV, EBV); Tác dụng phụ của thuốc: Azathioprin, 6-MP, Cimetidine, Estrogenes, Furosemide, Methyl-dopa, Tetracycline...; Do dị ứng...
Trên thực tế có khoảng 20-25% trường hợp không thể xác định nguyên nhân.
Các ghi nhận cho thấy, yếu tố thuận lợi cho sự khởi phát viêm tụy cấp là do tình trạng tắc ống dẫn chung hoặc tắc cơ vòng Oddi do sỏi hoặc giun; Tình trạng dập nát mô tụy do chấn thương từ bên ngoài hoặc do phẫu thuật; Tình trạng rối loạn vận mạch do viêm tắc tĩnh mạch, do dị ứng làm co thắt các mạch máu nhỏ kéo dài gây nhồi máu ở mô tụy dẫn đến thiếu oxy và làm tổn thương các tế bào đưa đến việc giải phóng các men tế bào. Các men tế bào sẽ hoạt hóa trypsinogen ngay trong mô tụy và gây viêm tụy cấp.Biểu hiện viêm tụy cấp
Triệu chứng lâm sàng hay gặp ở bệnh nhân viêm tụy cấp là tình trạng đau bụng do căng tuyến tuỵ, do thoát dịch sau phúc mạc hay do viêm phúc mạc. Các cơn đau thường khởi phát đột ngột, sau 1 bữa ăn no, nhiều mỡ, sau 1 bữa tiệc. Đau thường có tính chất cấp tính, dữ dội. Đau vùng trên rốn, bên trái, lan ra lưng trái.
Triệu chứng tiếp theo hay gặp là biểu hiện buồn nôn và nôn với các tính chất: Nôn nhiều và liên tục. Sau nôn không đỡ đau.
Các triệu chứng khác ít gặp hơn là: Sốt, nếu xuất hiện sớm trong 2 – 3 ngày đầu. Vàng da nếu vàng da nhẹ, kín đáo thường do phù nề ống dẫn chung. Nếu vàng da rõ thường do bệnh đường mật đi kèm do sỏi hoặc do giun. Rối loạn nhu động ruột thường có tình trạng liệt ruột và chướng hơi trong ổ bụng. Tràn dịch ổ bụng thường gặp ở những ca nặng, có khi dịch cổ trướng có máu. Tràn dịch màng phổi trái ít gặp hơn và cũng có tiên lượng nặng.
Các phương pháp điều trị viêm tụy cấp
Tùy từng cá nhân mà các bác sĩ sẽ chỉ định phù hợp. Nguyên tắc là giảm đau, bù dịch. Bệnh nhân cần theo dõi sát lượng nước tiểu, sinh hiệu, nồng độ ure máu, dung tích hồng cầu để xác định chính xác lượng dịch truyền cần thiết cho mỗi bệnh nhân giảm đau tích cực với các thuốc giảm đau như paracetamol, NSAIDs, Opioids hay thậm chí các thuốc giảm đau trung ương.
Bệnh nhân cần nhịn ăn trong vòng 12 giờ đầu nhập viện cho đến khi tình trạng đau bụng, buồn nôn, nôn được cải thiện. Người bệnh có thể ăn lại sau 24-72 giờ nhập viện với thức ăn lỏng, mềm, ít cặn, ít chất béo, tùy theo mức độ nặng và nguy cơ biến chứng. Trong trường hợp viêm tụy nặng hoặc không dung nạp được lượng thức ăn qua đường miệng, người bệnh có thể được cho ăn bằng ống thông mũi - dạ dày, hoặc nuôi ăn tĩnh mạch nếu thông mũi - dạ dày không dung nạp hoặc không đủ.
Với các trường hợp viêm tụy cấp có dấu hiệu nhiễm trùng, người bệnh cần được điều trị bằng kháng sinh để ngăn nhiễm trùng lan rộng.Ngoài ra, việc xử trí viêm tụy cấp còn tùy thuộc vào căn nguyên gây bệnh như: Viêm tụy cấp do sỏi mật, viêm tụy cấp do tăng triglyceride máu...
Tóm lại: Viêm tụy cấp là tình trạng viêm nhiễm cấp tính của nhu mô tụy bao gồm cả các thương tổn kèm theo ở nhiều mức độ khác nhau của cơ quan lân cận cũng như các biến chứng toàn thân.
Để dự phòng viêm tụy cấp cần hạn chế uống rượu, bia. Phát hiện và điều trị sỏi mật, sỏi tụy. Người bệnh tăng triglyceride cần điều trị thường xuyên và kiểm soát chế độ ăn hợp lý.