Hà Nội

Nguyên nhân và nhận biết viêm cơ tim

01-08-2021 15:36 | Y học 360

SKĐS - Viêm cơ tim là tình trạng viêm toàn bộ hoặc một phần khối cơ tim, là hậu quả của một bệnh nhiễm trùng khác gây nên. Bệnh nếu không được phát hiện chữa kịp thời có thể có nguy cơ tử vong rất cao đến 70%.

Viêm cơ tim cần được phát hiện sớm

Bệnh viêm cơ tim có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng gặp nhiều hơn ở người trẻ tuổi (20 – 40), gặp ở nam nhiều hơn nữ, biểu hiện phong phú có thể từ nhẹ đến nặng. Người bị suy giảm hệ miễn dịch, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thường có nguy cơ mắc bệnh viêm cơ tim nhiều hơn.

Nguyên nhân gây bệnh viêm cơ tim

Viêm cơ tim do virus

Một số loại cúm thông thường cũng có thể là nguyên nhân gây viêm cơ tim. Bên cạnh đó, các loại virus viêm gan B, C, virus herpes, tình trạng nhiễm trùng đường tiêu hóa, tăng bạch cầu đơn nhân hoặc Rubella...

Viêm cơ tim do vi khuẩn

Những vi khuẩn như tụ cầu (staphylococcus), liên cầu (streptococcus), trực khuẩn gây bệnh bạch hầu; do ký sinh trùng như Trypanosoma cruzi và toxoplasma, bao gồm một số loài truyền qua côn trùng…

Viêm cơ tim do nấm

Nấm Candida, aspergillus và một số loại nấm được tìm thấy trong phân chim có thể kể đến như Histoplasma được cho là liên quan đến bệnh viêm cơ tim. Những người có hệ miễn dịch yếu sẽ nhiễm một trong các loại nấm này thì nguy cơ bị bệnh sẽ cao hơn.

Ngoài ra, bệnh nhân phải sử dụng một số loại thuốc điều trị đặc hiệu có thể gặp tình trạng phản ứng dị ứng thuốc hoặc một số tác dụng phụ không mong muốn, như các thuốc được sử dụng để điều trị ung thư; thuốc kháng sinh (như thuốc penicillin và sulfonamid); một số loại thuốc chống động kinh và một số chất cấm như cocaine; Tiếp xúc với môi trường độc hại, với nhiều loại hóa chất thì nguy cơ mắc cũng cao hơn so với những người khác.

Nguyên nhân và nhận biết viêm cơ tim - Ảnh 2.

Đau tức ngực, dấu hiệu bị viêm cơ tim.

Các dấu hiệu thường gặp trong bệnh viêm cơ tim

Viêm cơ tim nhẹ thường không có triệu chứng gì đáng chú ý. Người bệnh có thể cảm thấy ốm yếu, mệt mỏi và có các triệu chứng chung của cơ thể khi nhiễm virus, sau đó tự khỏi mà không hề nhận biết được mình đã bị viêm cơ tim.

‎Trong những trường hợp viêm nặng, người bệnh có thể gặp nhiều triệu chứng và dấu hiệu khác nhau tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh, bao gồm: Tức ngực; Nhịp tim nhanh bất thường; Khó thở ngay cả khi đang ngồi nghỉ ngơi hoặc trong quá trình vận động; Phù nề (tích nước) ở chân, sưng mắt cá chân và bàn chân; Cảm giác mệt mỏi; Dấu hiệu và triệu chứng khác như đau đầu, đau nhức cơ thể, đau khớp, sốt, đau họng và tiêu chảy.

Viêm cơ tim ở trẻ em thường là cấp tính với các triệu chứng tiến triển nhanh và rõ rệt hơn bao gồm: Sốt, ngất xỉu, khó thở, nhịp thở nhanh và nhịp tim nhanh bất thường.

Có chữa được bệnh viêm cơ tim không?

Nguyên nhân và nhận biết viêm cơ tim - Ảnh 3.

Trường hợp viêm cơ tim nhẹ có thể điều trị nội khoa.

Điều trị viêm cơ tim có thể chỉ điều trị nội khoa nhưng cũng có thể phải hỗ trợ tuần hoàn ngoài cơ thể trong những trường hợp sốc tim. Trong những trường hợp này, tỉ lệ tử vong rất cao, chi phí điều trị lớn.

Điều trị nội khoa: trong giai đoạn cấp không có thuốc điều trị đặc hiệu, chủ yếu điều trị triệu chứng. Đa phần viêm cơ tim cấp có thể phục hồi, ít ảnh hưởng chức năng tim. Tuy nhiên, cũng có một tỉ lệ gây suy tim hoặc bệnh cơ tim giãn. Những trường hợp nặng có thể cần dùng các thuốc vận mạch hỗ trợ, nhưng thường phải cần đến hỗ trợ tuần hoàn ngoài cơ thể (ECMO). Viêm cơ tim cấp có thể ảnh hưởng đến bộ máy dẫn truyền nhịp gây ra các rối loạn nhịp tim nguy hiểm như nhịp nhanh thất, hoặc block nhĩ thất. Những trường hợp này cần đặt máy tạo nhịp tạm thời kết hợp.

Phòng bệnh viêm cơ tim thế nào?

Phòng ngừa bệnh viêm cơ tim cần hạn chế tiếp xúc với những người nhiễm virus, nhiễm cúm, hoặc có phương tiện bảo vệ khi tiếp xúc; Vệ sinh tai mũi họng, tay sạch sẽ và thường xuyên; Tiêm một số vacxin phòng cúm, viêm gan B,…


BS. Việt Thanh
Ý kiến của bạn