Nguyên nhân gây khô mắt
- Do quá trình lão hóa của mắt: Thoái hóa mắt trong thời gian dài dẫn đến các tình trạng như khô mắt. Khi đó các protein tham gia cấu tạo nên màng nước mắt suy giảm và lượng nước mắt được tiết ra ngày một ít đi.
- Sự thay đổi hoóc-môn: Khô mắt có thể diễn ra khi dùng biện pháp tránh thai bằng hoóc-môn, trong khi mang thai và trong thời kỳ mãn kinh. Khô mắt có thể là tác dụng phụ khi dùng các biện pháp làm thay đổi hoóc-môn này.
- Khi mắc các bệnh toàn thân như đái tháo đường và bệnh tự miễn. Ngoài ra, bệnh đái tháo đường có thể gây ra thay đổi trong các mô thần kinh. Các hoạt động tiết nước mắt bị gián đoạn khi xảy ra tổn thương thần kinh liên quan đến bệnh đái tháo đường khiến cho mắt bị khô, đặc biệt khi nồng độ đường huyết của bệnh nhân nằm ngoài mức kiểm soát. Các bệnh rối loạn tự miễn, như hội chứng Sjögren, lupus và viêm khớp dạng thấp gây ra viêm cũng có thể làm cho mắt bị khô.
- Khi dùng các loại thuốc như: thuốc kháng histamine, thuốc trị nghẹt mũi, thuốc chống trầm cảm, thuốc tránh thai, thuốc để làm giảm các triệu chứng mãn kinh, thuốc điều trị lo âu, bệnh Parkinson và huyết áp cao... cũng có thể gây ra tình trạng khô mắt.
- Do yếu tố môi trường: Khô mắt cũng có thể do nhìn lâu vào màn hình, không có thói quen chớp mắt. Hoặc làm việc sinh sống ở nơi nhiều gió, khói hoặc khô sẽ đẩy nhanh tốc độ bốc hơi nước mắt làm khô mắt. Việc phẫu thuật tật khúc xạ mắt bằng laser (LASIK) cũng có thể khiến cho tình trạng khô mắt trở nên trầm trọng hơn.
Các biểu hiện điển hình
Khi mắt bị khô ta sẽ có cảm giác khô rát, cộm như có sạn ở trong mắt; Mắt bị nóng, đỏ; Hay bị chảy nước mắt và giảm thị lực do bị khô mắt nặng. Điều này dẫn đến tổn thương ở bề mặt nhãn cầu.
Điều trị khô mắt như thế nào?
Khô mắt là một bệnh mạn tính không dễ gì chữa khỏi nên việc điều trị hiện nay chỉ để giảm các triệu chứng và làm dễ chịu để duy trì thị lực.
Hiện nay điều trị khô mắt là: bổ sung thêm nước mắt nhân tạo, duy trì phim nước mắt trên bề mắt nhãn cầu, làm tăng tiết nước mắt, điều trị viêm của mi mắt và bề mặt nhãn cầu.
Cần bổ sung nước mắt nhân tạo: Trong các trường hợp khô mắt nhẹ thông thường có thể điều trị bằng cách tra nước mắt nhân tạo. Nên sử dụng các loại nước mắt nhân tạo không có chất bảo quản vì chất bảo quản sẽ gây độc cho mắt khi sử dụng trong thời gian dài. Tuy nhiên ở nhiều trường hợp khô mắt nặng, việc nhỏ nước mắt nhân tạo là không đủ và cần có phương pháp khác bổ sung thêm.
Cần duy trì phim nước mắt: giữ nước mắt tự nhiên ở lâu trong mắt để làm giảm các triệu chứng khó chịu của khô mắt. Điều này có thể thực hiện bằng cách ngăn không cho nước mắt chảy qua đường lệ: Phẫu thuật đóng điểm lệ vĩnh viễn; Nút điểm lệ bằng nút Silicon.
Các bác sĩ có thể kê các thuốc tra mắt để tăng tiết nước mắt. Nên sử dụng Omega – 3 tự nhiên.
Nên điều trị sớm và triệt để viêm của mi mắt và bề mặt nhãn cầu bằng cách sử dụng các thuốc nước hoặc mỡ để tra mắt theo đơn của bác sỹ nhãn khoa. Cần chườm ấm, massage mi mắt, rửa sạch mi mắt để làm giảm viêm nhiễm vùng mắt.
Các mẹo để giảm các triệu chứng khô mắt
- Luôn nháy và chớp mắt thường xuyên khi đọc sách hoặc sử dụng máy tính;
- Cần làm tăng độ ẩm không khí tại nhà và nơi làm việc;
- Nên sử dụng kính bảo hộ khi đi ra ngoài để tránh nắng và gió có thể gây hại cho mắt;
- Bổ sung các vitamin tự nhiên có thể làm giảm các triệu chứng của bệnh khô mắt;
- Uống nhiều nước mỗi ngày.
- Hạn chế để mắt tiếp xúc trực tiếp với khói bụi và ánh sáng chói;
- Không nên để gió như máy sấy, quạt... thổi trực tiếp vào mắt;
- Dùng nước mắt nhân tạo khi mắt mới có biểu hiện bị khô;
- Ngủ đủ 7-8 tiếng mỗi ngày giúp mắt có thời gian nghỉ ngơi;
- Không hút thuốc và hạn chế không để khói bay trực tiếp vào mắt;
- Có một chế độ dinh dưỡng hợp lý, thường xuyên bổ sung thức ăn chứa Omega-3 có nhiều trong cá và Beta-Carotene có trong các loại rau củ màu vàng, đỏ..
Xem video được quan tâm:
Thông điệp 5T: Pháo đài chống dịch COVID-19 trong tăng cường giãn cách xã hội