Hiện tượng khóc đêm ở trẻ không phải là hiếm gặp, đôi khi vì không thể xác định được nguyên nhân mà làm cho các bậc cha mẹ phải rất khó khăn khi dỗ dành trẻ.
Việc khóc đêm kéo dài còn ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ và cả người chăm sóc trẻ.Có rất nhiều nguyên nhân gây trẻ khó chịu và quấy khóc về đêm rất phổ biến mà các bậc phụ huynh nên tham khảo và áp dụng vào việc quan sát những biểu hiện trẻ để chủ động hạn chế trẻ hay khóc về đêm.
Bị đau và khó chịu khi mọc răng
Khi trẻ được 5 tháng tuổi, trẻ bắt đầu mọc răng và đến giai đoạn được hai tuổi răng sẽ mọc đủ. Trẻ khóc đêm có thể do cảm giác bị đau hay khó chịu khi mọc răng mà quấy khóc. Hãy để ý đến phần gò má, cằm, nướu nếu thấy bị sưng đỏ hay có sốt nhẹ… lúc đó nên nghĩ ngay nguyên nhân mọc răng mà gây đau cho trẻ. Các bác sĩ kiến nghị nên dùng biện pháp chườm lạnh cục bộ để giảm bớt sự khó chịu cho trẻ, khi răng trẻ mọc dài ra thì giấc ngủ trẻ sẽ về trạng thái cũ.
Mọc răng có thể là nguyên nhân làm trẻ khóc đêm
Quấy khóc do tiểu dầm
Khi tã lót ướt sũng vì nước tiểu, trẻ sẽ ngủ không ngon giấc, lăn qua lăn lại, quấy khóc… Do đó, cần thay tã cho trẻ kịp thời, trước khi ngủ khoảng nửa tiếng đồng hồ không nên cho trẻ uống quá nhiều nước, nếu không sau khi ngủ khoảng từ nửa tiếng đến 2 tiếng đồng hồ sau trẻ sẽ đi tiểu từ 3 - 4 lần. Ngoài ra, nếu bạn đã nắm rõ quy luật tiểu đêm của trẻ, bạn cũng có thể chủ động trong việc thay trước tã cho bé, điều này vừa tránh cho bé khó chịu dẫn đến quấy khóc mà cũng vừa bảo đảm giấc ngủ cho cả người lớn.
Bé bị nghẹt mũi
Nhiều bà mẹ có kinh nghiệm cho biết, khi trẻ bú sữa mũi thường bị nghẹt đặc biệt là những trẻ vừa mới sinh chưa bao lâu hoặc những trẻ bị cảm thì trong xoang mũi có rất nhiều vảy mũi, làm cho bé khó thở bằng mũi, có khi trẻ phải dùng miệng để thở. Không khí khô bên ngoài tác động vào cổ họng làm cho trẻ bị khô họng dẫn đến ho khan và gây cảm giác rất khó chịu. Lúc này, các bậc phụ huynh nên dùng các loại thuốc rửa mũi sinh lý để làm sạch mũi trẻ, làm mềm vảy mũi, làm sạch bộ phận xoang mũi, từ đó trẻ mới hít thở được dễ dàng và tiếp tục ngủ ngon giấc.
Chú ý nhiệt độ phòng ngủ
Nhiệt độ phòng ngủ của bé phải được điều chỉnh sao cho thích hợp, không nên nóng quá hay lạnh quá, nên mặc áo ấm hơn là đắp mền cho bé vì bé hay đạp bỏ mền khi ngủ sẽ dễ bị cảm lạnh.
Những tác nhân gây dị ứng cho bé
Những tác nhân này có thể làm đường hô hấp của bé bị kích ứng dẫn đến quấy khóc. Những tác nhân gây kích ứng này có nguồn gốc từ khói thuốc, phấn rôm, thuốc xịt côn trùng, mùi nước sơn… Do đó cần phải đảm bảo phòng ngủ bé được thoáng mát, không khí được lưu thông, hạn chế tối đa các tác nhân gây kích ứng như trên, giữ cho phòng óc được sạch sẽ và không khí trong phòng được trong lành.
Tiếng ồn
Tiếng ồn hay âm thanh bất ngờ phát ra khi trẻ đang ngủ có thể đánh thức trẻ, làm trẻ bị giật mình và quấy khóc. Do đó nên cố gắng giữ phòng ngủ được yên tĩnh, hạn chế tiếng ồn hay âm thanh lớn hay khi lựa chọn phòng ngủ cho bé nên chọn vị trí yên tĩnh để trẻ được ngủ giấc ngủ sâu.
Bé bị cảm sốt
Khi bé bị cảm, bé dễ thức đêm quấy khóc do hô hấp của bé gặp khó khăn, phải kịp thời rút ngắn thời gian của bệnh, giảm nhẹ triệu chứng bệnh… nên cho trẻ uống nhiều nước ấm, uống các loại nước ép trái cây, dùng các loại thuốc nhỏ mũi chống nghẹt mũi dưới sự chỉ định của bác sĩ. Ngoài ra, sốt cũng là triệu chứng thường đi kèm khi bé bị cảm, các bậc phụ huynh nên áp dụng các biện pháp hạ sốt an toàn, càng sớm càng tốt, tránh tình trạng để trẻ bị sốt quá cao gây giật rất nguy hiểm cho trẻ.
Tiêu hóa không tốt
Bước vào mùa hè, do trẻ ăn các loại thức ăn dễ bị dị ứng hay khó tiêu, trẻ sẽ khó chịu và quấy khóc. Lúc này chúng ta nên để ý bụng của trẻ có bị phình to hay thường đánh rắm mà vẫn không đi tiêu được hay không. Nếu có phải đưa trẻ đến bác sĩ để được hướng dẫn cho trẻ dùng các loại thuốc hỗ trợ tiêu hóa và quan trọng hơn là chú ý đến loại thức ăn cho trẻ ăn là những loại dễ tiêu và thức ăn thức uống phải cho trè dùng ngay khi vừa chế biến xong.
Rời mẹ một cách đột ngột
Do mẹ hay người giữ trẻ đột ngột xa nhà hoặc thay đổi bảo mẫu làm bé cảm giác bất an, lo lắng cũng gây ra tình trạng khóc đêm. Người thân của bé nên vỗ về, an ủi một cách nhẹ nhàng giúp bé nhanh chóng thích ứng với hoàn cảnh mới.
Những biến đổi trong tâm trạng của người lớn
Nếu như người thân yêu, gần gũi nhất của trẻ, đặc biệt là mẹ có tâm trạng bất ổn, như tức giận, buồn phiền, mất ngủ, lo lắng... cũng rất dễ lây sang trẻ; nếu mối quan hệ gia đình bị xáo trộn, xung đột gia đình hoặc việc chuyển nhà đi nơi khác... cũng làm trẻ có cảm giác lo lắng, quấy khóc. Do đó, người lớn không nên vì tâm trạng không vui của mình làm ảnh hưởng xấu đến giấc ngủ của trẻ và điều này cũng ảnh hưởng đến sự phát triển về mặt tâm lý của trẻ về sau.
Hoạt động quá mức
Do hệ thống thần kinh của trẻ phát triển chưa hoàn thiện, khả năng ức chế còn kém, do đó nếu ban ngày có những hoạt động quá sức có thể làm cho não bộ trẻ vẫn còn trong trạng thái hưng phấn làm cho trẻ đột nhiên la khóc khi đang ngủ, hiện tượng này xảy ra giống như trẻ gặp phải ác mộng vậy.Vì thế, ban ngày không nên để trẻ hoạt động vui chơi quá mức làm não bộ đạt mức hưng phấn cực độ nhằm bảo đảm giấc ngủ trẻ được an lành.
Ngoài những nguyên nhân bệnh lý phải cần đến sự can thiệp của bác sĩ việc quấy khóc của trẻ do các nguyên nhân khách quan khác có thể áp dụng các cách như sau:
Đặt bé nằm trên ngực của mẹ, hai tay choàng lấy người bé, vỗ về nhẹ nhàng giúp bé bình tĩnh lại; hoặc dỗ trẻ bằng cách cho trẻ bú mẹ, nút bình sữa; bế trẻ ở tư thế đứng, cho toàn thân người trẻ áp vào vai và ngực mình; đặt bé nằm xuống nôi, đưa nhẹ nhàng có thể kết hợp hát ru để dỗ bé ngủ trở lại.
LÊ THỊ PHÚC HẬU