Hà Nội

Nguyên nhân phổ biến khiến quý ông bị đau tinh hoàn và cách phòng ngừa hiệu quả

15-12-2022 06:42 | Sức khỏe sinh sản
google news

SKĐS - Mặc dù đau tinh hoàn thường không đáng lo ngại, nhưng điều quan trọng là bạn phải biết các triệu chứng trong trường hợp đó là dấu hiệu của một bệnh lý nghiêm trọng.

1. Đau tinh hoàn là gì?

Tinh hoàn là một phần của hệ thống sinh sản nam giới và chúng nằm bên trong cấu trúc giống như túi được gọi là 'bìu', nằm giữa dương vật và hậu môn. Đau tinh hoàn là cảm giác đau hoặc khó chịu ở một hoặc cả hai tinh hoàn, có thể cấp tính hoặc mạn tính; cảm giác đau có thể liên tục hoặc không liên tục.

Theo BS. Nguyễn Hữu Cường - BV đa khoa Xanh Pôn, chứng đau tinh hoàn gây cho nam giới những bực bội, nhu cầu tình dục có thể giảm sút, thậm chí ngại gần gũi và sợ "chuyện ấy". Điều này làm ảnh hưởng không nhỏ tới sinh hoạt, cuộc sống và quan hệ tình dục của các cặp đôi.

Khi bị đau tinh hoàn, nam giới có thể cảm thấy đau trong chính tinh hoàn hoặc xung quanh các mô hỗ trợ neo tinh hoàn (mào tinh hoàn). Nam giới phải thường xuyên kiểm tra tinh hoàn của mình và nói chuyện với bác sĩ nếu nhận thấy bất kỳ cơn đau nào gây khó chịu.

2. Các nguyên nhân phổ biến gây đau tinh hoàn

Có rất nhiều nguyên nhân gây đau tinh hoàn, và tùy thuộc vào nguyên nhân gây đau tinh hoàn, bạn có thể gặp tác dụng phụ hoặc biến chứng sau đó. Dưới đây là 8 nguyên nhân phổ biến gây đau tinh hoàn và một số cách đơn giản khắc phục cơn đau:

2.1 Chấn thương tinh hoàn

Chấn thương do va đập vào tinh hoàn chẳng hạn như khi chơi thể thao hoặc do tai nạn là nguyên nhân phổ biến nhất gây đau tinh hoàn và thường đi kèm với bầm tím và sưng tấy. Nếu chấn thương nghiêm trọng, hãy tìm kiếm sự chăm sóc y tế ngay lập tức. Nếu chỉ bị va đập nhẹ, cần theo dõi và chăm sóc vết thương tại nhà. Bạn có thể thấy hữu ích khi dùng thuốc giảm đau không kê đơn để giảm đau.

Nguyên nhân phổ biến khiến quý ông bị đau tinh hoàn và cách phòng ngừa hiệu quả - Ảnh 2.

Đau tinh hoàn có thể do nhiều nguyên nhân từ chấn thương bên ngoài đến viêm nhiễm bên trong.

2.2 Viêm mào tinh hoàn

Mào tinh hoàn là một ống cuộn nằm ở mặt sau của tinh hoàn và lưu trữ tinh trùng được giải phóng trong quá trình xuất tinh. Mào tinh hoàn có thể bị sưng và đau khi bị viêm do nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (STI) hoặc nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI) gây ra và có thể ảnh hưởng đồng thời đến một hoặc cả hai tinh hoàn. Khi bị nhiễm trùng do vi khuẩn thường được điều trị tốt bằng kháng sinh theo sự chỉ định của bác sĩ.

2.3 Viêm tinh hoàn

Tiếp xúc với nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc virus chẳng hạn như virus gây bệnh quai bị có thể gây viêm tinh hoàn, dẫn đến đau và viêm tinh hoàn có thể trở nên nghiêm trọng.

Thuốc corticosteroid có thể được kê toa để điều trị viêm kết hợp với viêm tinh hoàn do quai bị. Viêm mào tinh hoàn và viêm tinh hoàn có thể xảy ra cùng một lúc, được gọi là viêm mào tinh hoàn.

2.4 Giãn tĩnh mạch thừng tinh

Giãn tĩnh mạch thừng tinh là một nhóm tĩnh mạch lớn bất thường ở tinh hoàn. Có đến 90% trong số chúng xảy ra ở tinh hoàn bên trái. Đôi khi tình trạng này không có triệu chứng, nhưng khi có triệu chứng, nó được đặc trưng bởi cơn đau tinh hoàn trầm trọng hơn trong ngày hoặc trong khi tập luyện.

2.5 Tràn dịch màng tinh hoàn

Khi một lớp chất lỏng tích tụ trong túi xung quanh tinh hoàn, nó được gọi là tràn dịch tinh mạc hay tràn dịch màng tinh hoàn. Có tới 10% trẻ sơ sinh nam được sinh ra với tràn dịch tinh mạc, và thường tự khỏi mà không cần điều trị khi trẻ được 1 tuổi.

Ở trẻ em và người lớn, tràn dịch màng tinh hoàn hình thành do viêm hoặc chấn thương tinh hoàn. Chúng thường xuất hiện và biến mất một cách tự nhiên, và có thể gây đau hoặc không. Tràn dịch màng tinh hoàn có thể được dẫn lưu và loại bỏ túi dịch.

2.6 Thoát vị bẹn

Thoát vị bẹn xảy ra khi một phần tạng trong ổ bụng chui qua thành bụng và vào bìu, dẫn đến đau và sưng tinh hoàn. Các triệu chứng phổ biến khác bao gồm một chỗ phình có thể nhìn thấy ở bìu, trở nên rõ rệt hơn khi ho hoặc căng thẳng, và cảm giác đau âm ỉ hoặc nóng rát.

2.7 U tinh hoàn

Khi một khối u hình thành, nó có thể gây đau và sưng tinh hoàn. Các triệu chứng giống với một số tình trạng khác, như thoát vị bẹn và viêm mào tinh hoàn, vì vậy tốt nhất bạn nên đi kiểm tra để được chẩn đoán chính xác.

2.8 Xoắn tinh hoàn

Xoắn tinh hoàn là một tình trạng nghiêm trọng xảy ra khi thừng tinh bị xoắn, cản trở lưu lượng máu đến tinh hoàn. Điều này dẫn đến đau tinh hoàn đột ngột và dữ dội, cùng với các triệu chứng như: sưng tấy, đau bụng, nôn mửa,... Xoắn tinh hoàn có thể được giải quyết thông qua phẫu thuật, nếu tiến hành sớm trong vòng 6 giờ.

3. Khi nào cần đi khám bác sĩ vì đau tinh hoàn?

BS. Nguyễn Hữu Cường cho biết, nam giới thường chủ quan nên hay bỏ qua những triệu chứng thoáng qua. Khi đau tinh hoàn kết hợp với một trong những yếu tố sau đây, bạn hãy đến gặp ngay bác sĩ chuyên môn để được tư vấn, điều trị:

  • Sốt.
  • Đau bìu, da bìu nóng, đỏ có cảm giác rát.
  • Phát hiện khối u bất thường xuất hiện trên bìu.
  • Cơn đau đột ngột, bất thình lình và ngày càng nghiêm trọng hơn.
  • Đau vùng tinh hoàn.
Nguyên nhân phổ biến khiến quý ông bị đau tinh hoàn và cách phòng ngừa hiệu quả - Ảnh 4.

Cần theo dõi các dấu hiệu của đau tinh hoàn và đi khám ngay khi thấy những bất thường.

Nếu cơn đau tinh hoàn của bạn đột ngột và nghiêm trọng thì cần được chăm sóc y tế khẩn cấp. Bạn nên nói chuyện với bác sĩ nếu cơn đau tinh hoàn của bạn kéo dài hơn một vài ngày, có một khối u hoặc sưng trong hoặc xung quanh tinh hoàn, hoặc bạn bị sốt liên tục hoặc buồn nôn.

4. Cách phòng ngừa đau tinh hoàn

Mặc dù không thể ngăn ngừa các nguyên nhân gây đau tinh hoàn, nhưng bạn có thể làm một số việc để chăm sóc tinh hoàn của mình:

Quan hệ tình dục an toàn: Sử dụng bao cao su sẽ giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục. Hãy đến phòng khám sức khỏe tình dục để kiểm tra sàng lọc nếu bạn quan hệ tình dục không an toàn và cả khi thay đổi bạn tình.

Kiểm tra bản thân: Tập thói quen tự kiểm tra tinh hoàn mỗi tháng một lần. Nếu bạn làm điều đó thường xuyên, bạn sẽ có thể dễ dàng phát hiện ra những thay đổi hoặc bất thường dù nhỏ ở tinh hoàn.

Bảo vệ tinh hoàn của bạn, phòng tránh chấn thương khi chơi các môn thể thao có rủi ro cao bằng cách đeo bộ phận bảo vệ háng.

Hãy hành động: Nếu bạn phát hiện ra bất kỳ thay đổi nào hoặc bị đau đột ngột và dữ dội ở một hoặc cả hai tinh hoàn, hãy đến gặp bác sĩ chuyên khoa ngay.

Giải đáp những câu hỏi thường gặp về tinh hoàn ẩn ở trẻ mới sinhGiải đáp những câu hỏi thường gặp về tinh hoàn ẩn ở trẻ mới sinh

SKĐS - Ở một số bé trai, đặc biệt là những trẻ sinh non, một hoặc cả hai tinh hoàn không xuống bìu trước khi sinh, thường được gọi là tinh hoàn ẩn.

Xem thêm video đang được quan tâm

Cẩn trọng với 5 bệnh mùa Đông - Xuân ai cũng có thể mắc phải.


Thiên Châu
Ý kiến của bạn