Có nhiều nguyên nhân gây ra đau vú nhưng y văn thường nói đến sự dao động hormone diễn ra trong chu kỳ kinh nguyệt hay khi mang thai. Một chút cương đau trước kỳ kinh là bình thường nhưng làm sao đánh giá được sức chịu đựng rất khác nhau của mỗi người.
Không thể xác định được nguyên nhân đích thực trong phần lớn trường hợp mặc dù đã có nhiều giả thuyết.
Đau vú theo chu kỳ có vai trò của hormon dựa trên nhận xét sự giảm đau hay biến mất liên quan đến thai nghén hay mãn kinh; tuy nhiên, hormon bất thường đến mức độ thì gây ra đau vú vẫn không thể xác định được.
Đau vú không có chu kỳ không mấy khi kết hợp với một bệnh chính rõ rệt mà vì lý do giải phẫu nhiều hơn là lý do hormon, có thể do nang vú, chấn thương vú hay các yếu tố khác khu trú tại vú gây ra. Cũng có khi đau vú có nguồn gốc bên ngoài vú như ở thành ngực, cơ, khớp hay tim và lan đến vú.
Một số thuốc cũng có thể góp phần gây đau vú, như thuốc hormon dùng trong điều trị hiếm muộn và thuốc uống tránh thai. Vú cương đau có thể là do tác dụng của hormon liệu pháp với estrogen và progesteron, vì thế, một số phụ nữ vẫn bị đau vú cả khi đã mãn kinh.
ảnh minh họa.
Những phụ nữ có cặp vú đồ sộ có thể bị đau vú không theo chu kỳ chủ yếu do kích cỡ vú quá khổ, thường kết hợp với đau ở cổ, vai và lưng. Phẫu thuật giảm kích thước vú cũng là nguyên nhân gây đau vú vì sau khi vết mổ đã lành sẹo mà cảm giác đau vẫn tồn tại.
Những đặc điểm của đau vú có chu kỳ khác với đau vú không có chu kỳ
Đau vú có chu kỳ: Thường ở cả bên vú và ở toàn bộ vú, nhất là phần trên và phía ngoài của vú, lan ra nách. Có thể cảm thấy đau rất nhạy cảm, sưng hay có đám cứng ở vú đi kèm với đau. Phụ nữ thường mô tả cảm giác đau của mình là âm ỉ, nặng nề, nhiều nhất vào 1-2 tuần trước khi ra kinh, sau đó dễ chịu dần. Đau vú theo chu kỳ thường gặp nhất, có tỷ lệ khoảng 2/3 số trường hợp đau vú và hay gặp ở phụ nữ ở độ tuổi 30-40.
Đau vú không có chu kỳ: Thường chỉ đau một bên vú và thường khu trú ở một vùng nhất định. Một số khác bị đau vú có tính chất lan tỏa và lan ra nách. Kiểu đau không theo chu kỳ này thường được mô tả dữ dội hơn, có tính chất nhức nhối, buốt nhói và thường gặp ở độ tuổi 40-50 hay sau mãn kinh.
Khi nào cần tới bác sĩ
Đau vú đơn thuần, không kèm triệu chứng gì khác hiếm khi báo hiệu ung thư vú. Tuy nhiên, bị đau vú không rõ nguyên nhân gây khó chịu hay lo lắng nhiều thì cũng nên gặp thầy thuốc để được kiểm tra.
Cần gặp bác sĩ chuyên khoa khi có các dấu hiệu và triệu chứng sau: tiết dịch ở đầu vú, nhất là khi có máu có mủ – sau đẻ 1 tuần mà vú sưng đau hay có mật độ cứng rắn – có dấu hiệu vú bị nhiễm khuẩn, kể cả chỉ sưng đỏ một vùng, có mủ hay sốt – xuất hiện cục cứng mới kèm đau và không mất đi sau khi đã hành kinh - đau ở vú kéo dài và không rõ nguyên nhân.
Phòng bệnh:
- Mang áo nâng vú hợp với kích cỡ, nhất là với người có vú to.
- Cần biết cách tự khám vú để cảm nhận được những thay đổi dù nhỏ, nên tự khám vú hàng tháng vào thời điểm từ 3 – 5 ngày sau hành kinh khi vú ít đau nhất.