Hà Nội

Nguyên nhân nào khiến Hà Nội cứ mưa lớn là ngập?

01-08-2024 18:11 | Xã hội
google news

SKĐS- Mỗi khi mưa lớn, kéo dài, nhiều tuyến phố Hà Nội ngập sâu. Chuyên gia quy hoạch phát triển đô thị đã đi tìm câu trả lời.

Trạm bơm thoát nước ở đâu?

Việc ngập úng tại nhiều tuyến đường khiến giao thông và sinh hoạt của người dân gặp rất nhiều khó khăn.

Có người đã phải qua nhiều "cửa ải" lội nước ngập đến ngang gối mới về được đến nhà sau giờ tan sở. Từ nơi làm việc trở về nhà bình thường 30 phút gặp trời mưa  thành 3 giờ đồng hồ. Cũng có người đã phải xin nghỉ làm vì xung quanh nhà các ngả đều thấy ngập, giao thông ách tắc, không thể di chuyển.

Theo đại diện Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội, những điểm ngập úng thường có cốt nền trũng, xa nguồn xả nên chỉ chịu được lượng mưa có cường độ vừa. Khi mưa lớn, nước chảy theo mặt đường dồn về nhanh gây ra úng ngập cục bộ.

Mặt khác, do hệ thống thoát nước vận hành theo nguyên lý tự chảy nhưng các trạm bơm đầu mối hiện nay chưa được xây dựng hoàn thiện đồng bộ theo quy hoạch nên việc tiêu thoát nước ra nguồn xả còn hạn chế.

Nguyên nhân nào khiến Hà Nội cứ mưa lớn là ngập?- Ảnh 1.

Hà Nội ngập úng sau mưa lớn. Ảnh: Quỳnh Mai.

Cũng bàn về vấn đề này, trao đổi với PV Báo Sức khỏe và Đời sống, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho biết, nguyên nhân khiến Thủ đô cứ mưa là ngập là do hệ thống cống và mương thoát nước còn nhiều hạn chế.

Cụ thể, Hà Nội chia ra 3 vùng để thoát nước, vùng Bắc Hà Nội, vùng Tả Sông Đáy và vùng Hữu Sông Đáy. Nhưng hiện các trạm bơm để hút nước cục bộ, trạm trung gian để chuyển ra trạm cuối nguồn chưa làm được. Ngoài ra, các trạm bơm cuối nguồn cũng chưa đảm bảo có đủ công suất lớn để hút hết nước. Mặt khác còn nhiều trạm bơm chưa được xây dựng cũng khiến việc thoát nước càng trở nên khó khăn hơn.

"Theo kinh nghiệm của các nước trên thế giới trong công tác phòng, chống ngập úng, phải có từ 3-5% mặt đất làm hồ điều hòa nước, nhưng Hà Nội hiện chỉ có khoảng 2%, tương đương với 6.000 ha hồ. Hà Nội có nhiều hệ thống mương, nhưng bị lấp nhiều và chưa khai thác được hết tiềm năng của hệ thống mương này", KTS Đào Ngọc Nghiêm nói.

KTS Đào Ngọc Nghiêm cũng cho hay, việc ngập úng ở Hà Nội sau mỗi trận mưa do chưa điều tiết được dòng chảy tại sông Hồng, sông Đáy, sông Lừ, sông Nhuệ... Các hệ thống dòng sông chưa đảm bảo được việc lưu thông thoát nước.

Giải bài toán "mưa là ngập" ở Hà Nội?

Theo KTS Đào Ngọc Nghiêm, để giải bài toán "cứ mưa là ngập" của Hà Nội, cách tốt nhất là phải sớm điều chỉnh lại các dự án thoát nước. Ngoài ra, cần duy tu, bảo dưỡng thường xuyên hệ thống kênh, mương, cống... Đặc biệt, cần có chính sách nghiên cứu tổng thể hệ thống sông chảy qua Hà Nội.

"Hiện Hà Nội đang triển khai một số dự án, như hệ thống thoát nước, hồ điều hòa, nâng cấp xây dựng các trạm bơm, cải thiện hệ thống tiêu nước khu vực phía Tây… Cùng với đó, hàng loạt dự án đang được chuẩn bị đầu tư như hệ thống thoát nước mưa lưu vực tả sông Nhuệ, hệ thống thoát nước quận Hà Đông thuộc lưu vực hữu Nhuệ,…

Ngoài ra, 3 dự án thoát nước do UBND quận Long Biên làm chủ đầu tư đều đã được UBND thành phố phê duyệt chủ trương đầu tư và đốc thúc tiến độ thực hiện", Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm cho hay.

Theo Sở GTVT Hà Nội, hiện trên địa bàn thành phố tồn tại 30 "điểm đen" mưa là ngập. Theo đó, các điểm ngập úng là phố Nguyễn Khuyến (khu vực trước cổng trường Lý Thường Kiệt), phố Hoa Bằng, ngã tư Phan Bội Châu - Lý Thường Kiệt, phố Minh Khai (đoạn chân cầu Vĩnh Tuy), đại lộ Thăng Long (ngã ba đường Lê Trọng Tấn, hầm chui số 3, 5, 6 km9+656, nút giao An Khánh)…

Miền Bắc tiếp tục mưa lớn, nhiều nơi ngập úng, nguy cơ cao sạt lởMiền Bắc tiếp tục mưa lớn, nhiều nơi ngập úng, nguy cơ cao sạt lở

SKĐS - Ngày 31/7, miền Bắc tiếp tục mưa dông. Khu vực vùng núi và trung du Bắc Bộ, Quảng Ninh có mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 20-50mm, cục bộ có nơi trên 100mm.


Quỳnh Mai
Ý kiến của bạn