Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2023 của Tổng Cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4/2023 giảm 0,34% so với tháng trước. So với tháng 12/2022 CPI tăng 0,39% và so với cùng kỳ năm trước tăng 2,81%.
Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 7 nhóm hàng giảm giá so với tháng trước; 4 nhóm hàng tăng giá.
Các nhóm hàng giảm giá so với tháng trước bao gồm: hàng ăn và dịch vụ ăn uống (giảm 0,38%); thực phẩm (giảm 0,71%); may mặc, mũ nón và giày dép (giảm 0,08%); nhà ở và vật liệu xây dựng (giảm 0,83%); thiết bị và đồ dùng gia đình (giảm 0,08%); văn hóa, giải trí và du lịch (giảm 0,45%) và giáo dục (giảm 1,3%).

Chỉ số giá nhóm giáo dục tháng 4/2023 giảm 1,3% so với tháng trước, tác động CPI chung giảm 0,08 điểm phần trăm. Nguyên nhân chủ yếu do ngày 20/12/2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 165/NQ-CP, trong đó yêu cầu các địa phương giữ ổn định mức thu học phí năm học 2022-2023 như năm học 2021-2022 để tiếp tục hỗ trợ cho người dân nên một số địa phương đã điều chỉnh giảm mức học phí sau khi đã thu theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ.
Bên cạnh nhóm hàng tăng giá là giao thông (tăng 0,43%); giá vàng tăng (2,04%); hàng hóa và dịch vụ khác (tăng 0,35%) thì nhóm thuốc và dịch vụ y tế (tăng 0,02%).
Chỉ số giá thuốc và dịch vụ y tế tháng tư tăng nhẹ 0,02% so với tháng trước, nguyên nhân chủ yếu do thời tiết giao mùa, các loại vi rút gây bệnh sinh sôi, số ca nhiễm COVID-19 tăng nhanh nên người dân tập trung mua các loại thuốc tăng cường hệ miễn dịch.
Trong đó, giá nhóm thuốc vitamin, khoáng chất tăng 0,33%; nhóm thuốc giảm đau, hạ sốt, chống viêm tăng 0,19%; nhóm thuốc tim mạch tăng 0,11%; giá nhóm thuốc về đường tiêu hóa tăng 0,06%.

Bình quân 4 tháng đầu năm 2023, CPI tăng 3,84% so với cùng kỳ năm trước.
Lạm phát cơ bản tháng 4/2023 tăng 0,13% so với tháng trước, tăng 4,56% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 4 tháng đầu năm 2023, lạm phát cơ bản tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2022, cao hơn mức CPI bình quân chung (tăng 3,84%).
Nguyên nhân chủ yếu do bình quân giá xăng dầu trong nước 4 tháng đầu năm 2023 giảm 12,22% so với cùng kỳ năm trước, giá gas giảm 6,73% là yếu tố kiềm chế tốc độ tăng của CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.