Thai chết lưu là thuật ngữ y học chỉ thai nhi tử vong trong bụng mẹ, từ sau tuần thứ 20 của thai kỳ. Thai chết lưu khác với sảy thai xảy ra trước tuần thứ 20 của thai kỳ.
1. Các loại thai chết lưu
Thai lưu được phân thành 3 loại dựa theo số tuần mang thai:
- Thai chết lưu sớm: Xảy ra từ tuần thứ 20 đến tuần thứ 27 của thai kỳ.
- Thai chết lưu muộn: Xảy ra từ tuần thứ 28 đến tuần thứ 36 của thai kỳ.
- Thai chết lưu đủ tháng: Xảy ra vào lúc hoặc sau tuần thứ 37 của thai kỳ.
Thai chết lưu có nhiều nguyên nhân, chẳng hạn như nhiễm trùng, các vấn đề về dây rốn và/hoặc nhau thai và các biến chứng tổng thể khi chuyển dạ. Điều quan trọng cần lưu ý là một số trường hợp thai chết lưu có thể không có bất kỳ nguyên nhân rõ ràng nào.
Thai chết lưu có thể xảy ra với bất cứ thai nhi nào. Tuy nhiên, một số trường hợp thai chết lưu có thể là do thai phụ không được theo dõi chặt chẽ và chăm sóc trước sinh vì nhiều lý do khác nhau.
2. Nguyên nhân thai chết lưu
Đôi khi khó xác định chính xác nguyên nhân khiến thai nhi chết lưu. Tuy nhiên, có một số nguyên nhân có thể dẫn đến thai chết lưu, bao gồm:
- Dị tật bẩm sinh (bất thường bẩm sinh của thai nhi) như não úng thủy, phù thai rau, thai già tháng hoặc mang đa thai.
- Bất đồng nhóm máu Rh giữa mẹ và con.
- Nhiễm trùng bào thai rối loạn di truyền của thai nhi.
- Nhiễm trùng mẹ.
- Vấn đề về dây rốn: dây rốn thắt nút, dây rốn xoắn quá mức, dây rốn ngắn tuyệt đối, dây rốn bị chèn ép, dây rốn quấn cổ, quấn thân, quấn chi, bánh rau xơ hóa, rau bong non, u mạch máu màng đệm của bánh rau.
- Thiểu ối, đa ối, cạn ối...
- Nhau thai kém phát triển hoặc bị tổn thương (rối loạn chức năng nhau thai).
Có một số vấn đề không thể phòng ngừa được hoàn toàn. Tuy nhiên, bác sĩ sản khoa có thể theo dõi các tình trạng nguy hiểm có nguy cơ xảy ra và thực hiện các biện pháp phòng ngừa cần thiết. Các bác sĩ có thể xác định các yếu tố nguy cơ khiến thai nhi chết lưu để thai phụ được theo dõi, chẩn đoán và điều trị đúng cách đối với bất kỳ biến chứng nào.
3. Yếu tố nguy cơ thai chết lưu
Có một số yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến các biến chứng dẫn đến thai chết lưu trong tử cung. Những yếu tố nguy cơ này có thể khác nhau tùy thuộc vào việc chúng ảnh hưởng trực tiếp đến thai nhi hay người mẹ.
Các yếu tố nguy cơ gây tử vong thai nhi trong tử cung bao gồm:
- Đái tháo đường thai kỳ.
- Huyết áp cao (tăng huyết áp).
- Tuổi mẹ cao từ 35 tuổi trở lên.
- Đa thai.
- Béo phì.
- Đã từng có thai chết lưu hoặc sảy thai.
- Sử dụng rượu, hút thuốc lá khi mang thai.
Mặc dù một số trường hợp thai chết lưu không thể ngăn ngừa được và không giải thích được nhưng một số yếu tố nguy cơ nói trên có thể được kiểm soát hoặc theo dõi. Do đó, điều rất quan trọng là mẹ bầu phải đi khám thai định kỳ theo hẹn của bác sĩ để theo dõi sự phát triển của em bé, nhất là những trường hợp được coi là mang thai có nguy cơ cao.
4. Triệu chứng thai chết lưu
Các triệu chứng thai chết lưu thường gặp có thể bao gồm:
- Chuột rút.
- Sốt.
- Không cảm nhận được thai nhi cử động hoặc đạp trong bụng mẹ.
- Đau bụng.
- Khó chịu tổng thể.
- Chảy máu âm đạo.
Nhiều phụ nữ mang thai lần đầu tiên nhận thấy thai nhi không cử động hoặc đạp nhiều như bình thường. Ở tuần thứ 28 của thai kỳ, các bác sĩ thường khuyên mẹ bầu nên đếm tần suất thai máy, chuyển động của thai nhi trong bụng mẹ. Tần suất chuyển động của thai nhi có thể phụ thuộc vào tuổi thai.
5. Chẩn đoán và xử lý
Cách duy nhất để xác nhận chẩn đoán thai chết lưu là đến bệnh viện. Bác sĩ sẽ kiểm tra các triệu chứng của mẹ bầu và thực hiện các xét nghiệm để kiểm tra các dấu hiệu sự sống của thai nhi trong bụng mẹ. Bác sĩ hoặc nữ hộ sinh có thể nghi ngờ thai chết lưu khi không tìm thấy nhịp tim khi khám thai.
Sau khi chẩn đoán thai chết lưu, bác sĩ sẽ thông báo cho mẹ bầu và người nhà để thảo luận về các lựa chọn chấm dứt thai kỳ. Có rất nhiều biến chứng mà người mẹ có thể gặp phải nếu thai nhi không được lấy ra khỏi tử cung như bị đông máu, nhiễm trùng, đau, sốt, nôn mửa, tiêu chảy và chảy máu nhiều nếu thai nhi vẫn còn trong cơ thể.
Các lựa chọn để sinh thai chết lưu:
Nong và nạo, hút thai: Nếu đang ở trong ba tháng giữa thai kỳ, có thể chọn thực hiện nong và hút thai. Bác sĩ sẽ làm giãn hoặc mở cổ tử cung của mẹ, lỗ mở giữa ống âm đạo và tử cung, sau đó dùng lực hút nhẹ nhàng để loại bỏ mô thai ra khỏi tử cung.
Kích thích chuyển dạ: Nếu thai chết lưu xảy ra vào cuối giai đoạn giữa hoặc trong ba tháng cuối thai kỳ, có thể chọn kích thích bằng thuốc. Bác sĩ sẽ làm vỡ nước ối để sinh thai chết lưu qua đường âm đạo.
Chuyển dạ tự nhiên: Trong một số trường hợp, có thể đợi cho đến khi bắt đầu chuyển dạ tự nhiên. Hầu hết sẽ chuyển dạ trong vòng 2 tuần sau khi thai lưu.
Sinh mổ: Sinh mổ cũng là một lựa chọn nhưng về nguyên tắc, bác sĩ sẽ cố gắng để người mẹ sinh thường, hiếm khi chọn cách mổ lấy thai trừ trường hợp đặc biệt có thể gây nguy hiểm tới tính mạng sản phụ như thai quá to, mẹ bị suy tim nặng, có sẹo mổ trên tử cung nhiều lần.
Việc theo dõi thai kỳ và quản lý thai ở các cơ sở y tế có chuyên khoa sản là rất cần thiết nhằm phát hiện những bất thường của sản phụ cũng như thai nhi, qua đó các bác sĩ chuyên khoa sẽ tư vấn và có lời khuyên thích hợp. Thai phụ cần đi khám thai định kỳ hoặc theo lịch hẹn của bác sĩ và đi khám ngay khi có những dấu hiệu bất thường.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Nữ hộ sinh quỳ gối giữ dây rốn cứu thai nhi.