Khi nói về các bệnh nhiễm, chúng ta có một lập luận: một vi khuẩn = một bệnh! Trong trường hợp bệnh động mạch vành, nhiều yếu tố phối hợp lại làm hư hại các động mạch của bạn.
Các yếu tố nguy cơ
Yếu tố nguy cơ tim mạch:
Yếu tố nguy cơ tim mạch đơn giản là một đặc điểm cá nhân khiến cho một ngày nào đó bạn dễ bị một tai biến tim mạch hơn.
Các yếu tố nguy cơ đã được nhận diện bởi các nghiên cứu dịch tễ. Các nghiên cứu này tìm hiểu lối sống (hút thuốc lá, thể thao, chế độ ăn…) và tình trạng sức khỏe (cân nặng, huyết áp, cholesterol) của rất nhiều người dựa vào bảng câu hỏi phỏng vấn và các khám nghiệm y khoa. Những người này sau đó được theo dõi trong nhiều năm để ghi nhận xem có điều gì xảy ra với họ.
Nhánh động mạch vành trái bị tắc nghẽn
Kết quả của các nghiên cứu dịch tễ là thông tin chi tiết về tình trạng sức khỏe và lối sống của những người bị tai biến tim mạch. Người ta cũng tiến hành so sánh điều gì xảy ra cho những người hút thuốc so với những người không hút thuốc, cho người quá cân so với người mảnh mai…
Xét nghiệm lipid máu bao gồm nồng độ trong máu của 4 loại chất béo: cholesterol LDL (còn được biết dưới tên gọi là “cholesterol xấu”), cholesterol HDL (còn được biết dưới tên gọi là “cholesterol tốt”), cholesterol toàn phần và triglyceride. Khi nồng độ trong máu của các chất béo này bất thường, bác sĩ sẽ điều chỉnh chế độ ăn của bệnh nhân và cho bệnh nhân dùng thuốc, thường là sự giúp đỡ của một chuyên viên tiết thực.
Mảng xơ vữa:
Mảng xơ vữa là mảng lắng đọng chất béo (cholesterol). Đặc trưng của xơ vữa động mạch là sự kết hợp mảng vữa với sự xơ hóa.
Kết quả của sự kết hợp cholesterol, các tế bào và canxi là sự hình thành mảng xơ vữa động mạch ở thành động mạch. Các mảng này làm giảm thiết diện của các động mạch và làm cho các động mạch bị hẹp dần.
Mảng xơ vữa động mạch không phải bao giờ cũng phát triển từ từ, đôi khi nó có thể vỡ một cách đột ngột. Khi mảng xơ vữa ra quá trình động máu bị hoạt hóa. Quá trình này khởi đầu với sự tích tụ của các tiểu cầu là những tế bào máu đặc biệt nay tại chỗ vỡ.
Sau đó, các tiểu cầu và thành phần chất béo từ mảng xơ vữa có thể bị bong ra và gây tắc một động mạch có đường kính nhỏ hơn, tai biến này gọi là thuyên tắc mạch. Hoặc một cục máu đông có thể được tạo thành ngay chỗ mảng xơ vữa và đột ngột làm tắc nghẽn động mạch, tai biến này gọi là huyết khối. Sự hình thành các mảng xơ vữa động mạch là kết hợp mảng vữa với sự xơ hóa.
Các mảng xơ vữa động mạch, nhất là khi chúng bị vỡ, gây ra hầu hết các tai biến tim mạch, hoặc do hiện tượng tắc nghẽn động mạch nơi có mảng vữa hoặc do hiện tượng thuyên tắc một động mạch nhỏ hơn ở hạ lưu dòng máu. Tai biến có thể xảy ra ở một động mạch vành (hội chứng động mạch vành cấp), ở một động mạch não (tai biến mạch máu não dạng thiếu máu cục bộ) hoặc ở một động mạch chi (thiếu máu cục bộ cấp của chi).
Ai có khả năng bị bệnh mạch vành?
Hút thuốc lá: làm tăng đáng kể nguy cơ của bạn (không chỉ là nguy cơ bị một tai biến tim mạch mà cả nguy cơ bị ung thư phổi, ung thư miệng hoặc hầu, ung thư cổ tử cung hoặc ung thư bọng đái…).
Lối sống ít vận động thể lực: những người không vận động thể lực thường xuyên, ví dụ đi bộ nhanh ít nhất một lần mỗi tuần, có tuổi thọ ngắn hơn những người thường xuyên vận động thể lực.
Tăng cholesterol máu: nghiên cứu dịch tễ đã chứng minh một cách thuyết phục tác động có hại của cholesterol. Nguy cơ bị các tai biến tim mạch tăng khi mức cholesterol trong máu cao hơn 1,8 - 2g/l.
Ở người lớn, nếu mức cholesterol trong máu cao hơn 10% trị số bình thường nguy cơ bị một tai biến tim mạch tăng 30%. Đôi khi cần phải làm một xét nghiệm lipid máu chi tiết chứ không dừng ở việc đo nồng độ cholesterol toàn phần. Việc diễn giải kết quả lipid máu chi tiết là một công việc phức tạp.
Ngoài ra, những người béo phì, cao huyết áp, đái tháo đường… cũng có nguy cơ bệnh mạch vành.
Làm thế nào để phát hiện bệnh mạch vành?
Để biết cơn đau ngực của bạn có phải do bệnh động mạch vành hay không bác sĩ của bạn có thể làm thêm một số khám nghiệm bổ sung. Các khám nghiệm đơn giản nhất sẽ kiểm tra xem dấu hiệu thiếu máu cục bộ có lộ rõ hay không khi tim của bạn phải đáp ứng với một sự gắng sức thể lực.
Điện tim:
Nếu trước đây bệnh nhân chưa từng bị nhồi máu cơ tim, điện tim ghi ngoài cơn đau ngực thường là bình thường. Chỉ có trên điện tim ghi trong cơn đau ngực người bác sĩ tim mạch mới có thể thấy được những bất thường chứng tỏ sự hiện diện của thiếu máu cục bộ và vị trí thiếu máu cục bộ.
Nghiệm pháp gắng sức:
Nội dung của nghiệm pháp gắng sức là ghi điện tim khi đang gắng sức. Nghiệm pháp này được thực hiện trên một chiếc xe đạp gọi là xe đạp “đo năng lượng” (giống như một chiếc xe đạp luyện tập thể lực) hoặc trên một tấm thảm lăn có vận tốc lăn và độ dốc có thể điều chỉnh được. Cường độ gắng sức được tăng dần cho đến khi tần số tim của bạn đạt mức độ tối đa hoặc cho đến khi xuất hiện đau nhực hoặc xuất hiện các bất thường trên điện tim.
PGS.TS. BS. NGUYỄN HOÀI NAM