Nguyên nhân mày đay mạn tính và các yếu tố khởi phát

09-11-2022 14:01 | Bệnh thường gặp

SKĐS - Mày đay là một trong những biểu hiện hay gặp nhất của các bệnh cảnh dị ứng. Mặc dù không ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng nhưng mày đay lại gây phiền toái rất nhiều cho người bệnh, làm suy giảm chất lượng cuộc sống.

1. Nguyên nhân gây bệnh mày đay mạn tính

Mày đay mạn tính là sự xuất hiện triệu chứng mỗi ngày và hầu như ngày nào cũng có sang thương nổi trên da trong vòng 6 tuần hay dài hơn.

Hiện chưa có nguyên nhân rõ ràng về mày đay mạn tính và khoảng 20% số người bệnh tìm được nguyên nhân, các ghi nhận thường là do các yếu tố ngoại cảnh gây ra.

Các nhà nghiên cứu cho thấy có rất nhiều yếu tố gây bệnh khiến tình trạng mày đay trở nên mạn tính, trong đó mày đay do nhiệt độ có thể do nóng hoặc lạnh; do áp lực; do ánh nắng mặt trời, do thay đổi cảm xúc, khi tập thể thao, khi tắm; do rung lắc; do tiếp xúc; nước.

Khoảng 80% số trường hợp mắc mày đay mạn tính còn lại không có nguyên nhân rõ ràng gây bệnh, gọi là mày đay mạn tính tự phát. Nhưng theo các nghiên cứu cho thấy nhiều người bệnh có các bệnh lý tiềm ẩn như: nhiễm Helicobacter pylori, nhiễm trùng mạn tính, nhiễm ký sinh trùng, các bệnh tự miễn trong đó có bệnh tuyến có thể là nguyên nhân gây ra loại mày đay này.

2. Biểu hiện bệnh mày đay mạn tính

Mày đay dai dẳng hơn 6 tuần sẽ gọi là mày đay mạn tính và thường gặp nhiều hơn ở phụ nữ. Triệu chứng của bệnh rất đa dạng và phong phú, phần lớn người bệnh có biểu hiện ban đỏ gọi là sẩn phù màu hồng nhạt, trên mặt da nổi gồ, ở giữa trung tâm nhạt màu. Thương tổn da là các ban có kích thước đa dạng từ vài mm đến vài cm hoặc liên kết thành mày đay lớn.

Tình trạng ban đỏ hoặc sẩn phù xuất hiện ở nhiều vị trí trên cơ thể, chính vì lẽ đó nên người bệnh có cảm giác ngứa, càng gãi ban đỏ càng lan rộng. Trong một số trường hợp có thể bị phù ở môi, mi mắt, hoặc ở những vùng da lỏng lẻo hay còn gọi là mày đay phối hợp với phù Quincke hay còn gọi là phù mạch.

Trên thực tế tổn thương mày đay thường tồn tại vài giờ những cũng có thể tự nhiên biến mất hoặc do điều trị.

Đôi khi, mày đay có thể là một triệu chứng của phản ứng phản vệ, hoặc sốc phản vệ, gây nguy hiểm đến tính mạng. Còn lại đa số mề đay mạn tính gây khó chịu rất nhiều cho người bệnh ảnh hưởng đến giấc ngủ và làm cho chất lượng cuộc sống giảm đi rất nhiều.

Nguyên nhân mày đay mạn tính và lưu ý cần theo dõi yếu tố khởi phát - Ảnh 2.

Triệu chứng của mày đay rất đa dạng và phong phú, phần lớn người bệnh có biểu hiện ban đỏ gọi là sẩn phù màu hồng nhạt.

3. Các yếu tố khởi phát khi mắc mày đay mạn tính?

Do mày đay không rõ được nguyên nhân nên người bệnh phải lưu ý theo dõi yếu tố khởi phát bệnh để từ đó có các giải pháp giảm thiểu được các đợt bùng phát bệnh. Các yếu tố khởi phát và tình trạng nổi mày đay cần được lưu ý trong đó cụ thể là:

- Đối với yếu tố thức ăn: Có rất nhiều loại có thể gây mày đay, bao gồm các loại hạt, đậu phộng, trứng, động vật có vỏ cứng… Thời điểm xuất hiện mày đay thông thường sẽ là khoảng 1h sau ăn. Nếu thức ăn như chuối, hạt dẻ, kiwi, xoài và dị ứng cao su thì bệnh mày đay xuất hiện khoảng 12-24h sau ăn.

- Đối với yếu tố phụ gia: Trên thực tế, các chất tạo màu và chất bảo quản, vitamin và khoáng chất, gia vị, mỹ phẩm, sản phẩm chăm sóc da, kem đánh răng… đều có thể gây mày đay mạn tính và biểu hiện sẽ xuất hiện từ sau đó 12-24h.

- Đối với yếu tố thuốc: Có rất nhiều loại thuốc có thể gây mày đay bao gồm kháng sinh, aspirin và ibuprofen. Thời điểm xuất hiện mày đay có thể ngay hoặc vài ngày, vài tuần sau khi bắt đầu dùng thuốc.

- Đối với yếu tố môi trường lạnh: Mày đay hoặc nổi mẩn ngứa có thể xuất hiện khi cơ thể bắt đầu ấm lên sau khi ở trong nước lạnh hoặc khi ra ngoài trời lạnh. Thời điểm xuất hiện mày đay có thể xuất hiện ngay khi tiếp xúc với môi trường lạnh như: máy lạnh hoặc đi bộ gần khu vực đông lạnh.

- Đối với yếu tố môi trường nóng: Mày đay xuất hiện chỉ trong vài phút khi tiếp xúc với môi trường nóng.

- Đối với yếu tố áp lực trên da: Các yếu tố mặc quần áo bó sát, tì đè khi ngồi hay dây đeo túi xách tì đè trên cơ thể cũng có thể tạo áp lực trên da đủ để gây mày đay: Thời điểm xuất hiện mày đay có thể ngay khi có áp lực hay từ 4-24h sau đó.

- Đối với yếu tố tiếp xúc cây cối, động vật hay hóa chất: Một số loại như: cây tầm ma, sứa biển, quế, acid sorbic, nhựa cao su,... là những nguyên nhân rất phổ biến. Thời điểm xuất hiện mày đay xuất hiện chỉ trong vài phút, thỉnh thoảng xuất hiện kèm khó thở.

Tóm lại: Có rất nhiều nguyên nhân gây mày đay, nếu người bệnh lưu ý theo dõi các nguyên nhân khởi phát tình trạng bệnh và từ đó sẽ giảm thiểu những đợt bùng phát bệnh.

Bệnh không chỉ ảnh hưởng đến công việc, học tập, giấc ngủ, còn ảnh hưởng đến tâm lý rất nhiều. Vì vậy, khi có biểu hiện bệnh cần đến cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám và được tiến hành các xét nghiệm cần thiết để sàng lọc và tìm ra nguyên nhân.

Nếu có thể tìm được những nguyên nhân gây ra tình trạng mày đay thì sẽ có phương án điều trị phù hợp hoặc bác sĩ sẽ hướng dẫn người bệnh tự theo dõi căn bệnh của mình.

Mời độc giả xem thêm video:

Bài tập 'là phẳng' vùng bụng.



BS. Nguyễn Phương Nhung
Ý kiến của bạn