Sau khi nhiễm HPV cơ thể cần thời gian dài để thải loại virus. Trong trường hợp chưa được thải trừ hết ra khỏi cơ thể thì HPV sẽ tồn tại trong đường niêm mạc của tế bào sinh dục. Nếu cư trú trong cổ tử cung, virus có thể tồn tại và tăng sinh ở đó, làm thay đổi cấu trúc tế bào và có khả năng dẫn đến ung thư.
Mặt khác, dù đã nhiễm HPV thì trong cuộc đời việc quan hệ tình dục sẽ diễn ra rất nhiều lần sau đó. Tiêm phòng không có tác dụng cho những lần quan hệ trước đó, nhưng sẽ phòng bệnh cho những lần sau.
Do đó, không nên nghĩ rằng đã quan hệ tình dục và có nguy cơ nhiễm HPV rồi thì không cần tiêm ngừa nữa, bởi tiêm vaccine là để phòng những chủng khác mà chúng ta chưa mắc.
Các chủng loại virus HPV phổ biến gây bệnh ở người
HPV là bệnh lây qua đường tình dục (Sexually transmitted infection – STI) phổ biến nhất. Đây là loại siêu vi khác với HIV và HSV (bệnh mụn rộp). Gần như tất cả người có quan hệ tình dục đều bị bệnh này tại một thời điểm nào đó trong đời.
Có khoảng hơn 100 loại HPV khác nhau và có tới hơn 40 loại gây bệnh ở cơ quan sinh dục của con người. Một số loại có thể gây ra các bệnh như mụn sinh dục và ung thư. Nhưng có những loại vaccine có thể ngăn chặn các vấn đề về sức khỏe này.
Quan điểm virus HPV chỉ gây bệnh ung thư cổ tử cung ở phụ nữ là hoàn toàn sai. Virus HPV có thể tấn công bất kì ai khi cơ thể không tự chống lại. Chúng có thể gây ra mụn cóc ở bộ phận sinh dục và hậu môn (khoảng 90%), gây ung thư hậu môn cho cả nam và nữ. Ở nhóm nguy cơ cao (khoảng 70%) lại có thể gây ung thư cổ tử cung ở nữ giới.
HPV16 và HPV18 là 2 tuýp có khả năng nhiễm sâu vào cổ tử cung phụ nữ. Sau đó làm thay đổi mô tử cung và gây bệnh ung thư cổ tử cung. Ngoài ra HPV là một trong những tác nhân gây ra ung thư âm đạo, hậu môn, dương vật…
Loại ít độc hơn là HPV6 và HPV11, có thể gây ra bệnh sùi mào gà (mụn cóc sinh dục). Loại nhẹ có thể gây chứng mụn cóc ở tay là HPV2 và bàn chân là HPV1.
Virus HPV lây lan khi quan hệ tình dục qua đường miệng, âm đạo hoặc hậu môn với người bị nhiễm virus. Nó còn có thể bị lây lan ngay cả khi người bệnh không có dấu hiệu hay triệu chứng gì.
Bất cứ ai có quan hệ tình dục đều có thể bị HPV và cũng có thể bị những triệu chứng nhiều năm sau khi quan hệ tình dục với người bị nhiễm bệnh. Do đó rất khó để biết bạn bị nhiễm bệnh lần đầu vào lúc nào.
Làm thế nào để biết mình có nhiễm virus HPV hay không?
Không có xét nghiệm nào xác định mức độ nhiễm HPV của người nhiễm, mà chỉ có xét nghiệm HPV tầm soát ung thư cổ tử cung. Xét nghiệm chỉ nên thực hiện ở nữ giới trên 30 tuổi. Phụ nữ có thể biết bệnh nếu có kết quả xét nghiệm Pap bất thường. Nhiều người chỉ biết khi có các triệu chứng nghiêm trọng xảy ra.
Tiêm vaccine phòng HPV để chủ động phòng ngừa
HPV có nhiều chủng và không có khả năng một người nhiễm hết tất cả các chủng này. Không có khuyến cáo tầm soát HPV trước khi tiêm vaccine phòng HPV. Do vậy, nếu một người đã nhiễm một chủng HPV thì vẫn nên tiêm ngừa những chủng còn lại.
Do đó, cách tốt nhất để phòng ngừa virus HPV là luôn sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục và tiêm vaccine phòng HPV. Thường xuyên vệ sinh sạch sẽ bộ phận sinh dục của mình. Điều này giúp giảm thiểu việc lây nhiễm HPV, đồng thời có được thiện cảm với người bạn tình của mình. Thêm nữa nên duy trì mối quan hệ một vợ một chồng từ hai phía. Nghĩa là chỉ quan hệ tình dục với người chỉ quan hệ tình dục với bạn.
Tuy nhiên, HPV có thể gây nhiễm trùng ở những chỗ bao cao su không che được. Vì vậy tiêm vaccine HPV là cách hiệu quả nhất để giảm nguy cơ bị nhiễm HPV.
Tóm lại: Virus HPV rất khó để kiểm soát bởi có nhiều con đường lây nhiễm HPV và thời gian ủ bệnh tương đối dài. Theo các chuyên gia thì nguyên nhân nhiễm HPV xảy ra khi virus xâm nhập vào cơ thể, khi da tiếp xúc với da, tiếp xúc qua vết thương hở hay từ mẹ qua con. Vì vậy, việc chủ động phòng ngừa là vô cùng quan trọng.