Lãnh đạo Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Quảng Trị cho biết, liên quan đến tình trạng sụt lún đất xảy ra trên địa bàn thời gian qua, Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Trị đã có báo cáo UBND tỉnh.
Theo đó, vào năm 2006, sụt lún đất xảy ra tại thôn Tân Hiệp (xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ) làm nứt, vỡ hơn 60 nhà dân và một số công trình xây dựng. Qua kiểm tra xác định được 52 hố sụt đất lớn nhỏ, phân bố thành một dải có chiều rộng 150-200m, chiều dài 300m, đường kính hố sụt lớn nhất 25m, nhỏ nhất 0,2m, độ sâu trung bình 4-5m.
Từ năm 2007 đến năm 2018 hiện tượng sụt lún đất vẫn tiếp tục diễn ra tại một số khu vực thuộc phía Tây thôn Tân Mỹ và phía Đông thôn Tân Mỹ (xã Cam Thành, huyện Cam Lộ), các hố sụt có đường kính từ 2-4m, độ sâu 5-7m.
Tiếp đó, từ ngày 4/4/2019, tại khu vực Cơn Đèn (giữa ruộng lúa) thuộc thôn Quật Xá, xã Cam Thành xảy ra sụt lún đất tạo thành 1 hố đường kính rộng 5m, sâu 4m. Bên cạnh đó, hiện tượng sạt lở bờ sông đang tiếp tục diễn ra tại một số khu vực dọc 2 bờ sông Hiếu đoạn qua các xã Cam Tuyền, Cam Hiếu, Cam Thủy và thị trấn Cam Lộ.
Mới đây nhất, tháng 10/2023, điểm sụt lún với miệng hố đường kính khoảng 2m, phạm vi lan rộng khoảng 5m, chiều sâu 5m xuất hiện tại vườn nhà bà Phan Thị Hạnh (ở thôn Quật Xá, xã Cam Thành), vị trí sụt lún cách nhà ở của bà Hạnh khoảng 4m.
Lãnh đạo Sở NN&PTNT Quảng Trị cho hay, hiện tượng sụt lún đất trên địa bàn huyện Cam Lộ từ năm 2006 đến nay gây ra một số thiệt hại về tài sản, đất sản xuất, công trình xây dựng, đe dọa đến an toàn tính mạng của người dân. Đồng thời gây tâm lý hoang mang, bất ổn trong cộng đồng, khó khăn trong vấn đề ổn định đời sống lâu dài, phát triển sản xuất và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trong khu vực.
Năm 2006, sau khi xảy ra hiện tượng sụt lún đất nghiêm trọng tại thôn Tân Hiệp, Sở TN&MT phối hợp với Liên đoàn Địa chất Bắc Trung Bộ và Liên đoàn Vật lý địa chất tổ chức thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, khảo sát, đo đạc.
Trong các nguyên nhân gây ra sụt lún đất do Liên đoàn Địa chất Bắc Trung Bộ và Liên đoàn Vật lý địa chất chỉ ra có cả yếu tố khách quan như địa chất, địa hình, thủy văn, thời tiết bất thường và yếu tố chủ quan như hoạt động xây dựng công trình, khai thác cát, sỏi, khai thác nước mặt, nước ngầm...
Theo Sở NN&PTNT Quảng Trị, hiện tượng sụt lún đất đã và đang tiếp tục diễn ra trên địa bàn huyện Cam Lộ với tính chất, quy mô phức tạp, khó lường, mức độ ảnh hưởng ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, qua thời gian thực hiện khá dài, đến nay thực tiễn cũng như một số cơ sở dữ liệu liên quan trong báo cáo do Liên đoàn Địa chất Bắc Trung Bộ và Liên đoàn Vật lý Địa chất khảo sát, nghiên cứu từ năm 2006 đã có nhiều thay đổi.
Lãnh đạo Sở NN&PTNT Quảng Trị thông tin, để khắc phục, chủ động ứng phó với tình trạng sụt lún đất, đơn vị đề xuất UBND tỉnh trước mắt, chỉ đạo chính quyền địa phương kịp thời khoanh vùng, đặt biển báo, cảnh báo các khu vực sụt lún nguy hiểm, nguy cơ gây mất an toàn về người và tài sản...
Sở NN&PTNT cũng đề nghị UBND tỉnh Quảng Trị thống nhất chủ trương triển khai nhiệm vụ nghiên cứu bổ sung và xây dựng giải pháp tổng thể ứng phó với tình trạng sụt lún đất trên địa bàn huyện Cam Lộ nhằm đảm bảo an toàn cho tính mạng, tài sản và ổn định tâm lý người dân sinh sống trong khu vực.