Tại họp báo chuyên đề giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động thông quan hàng hóa tại cửa khẩu biên giới phía Bắc chiều 21/12, ông Âu Anh Tuấn - Quyền cục trưởng Cục giám sát quản lý về hải quan cho biết tính đến ngày 21/12, tổng lượng hàng hóa tồn tại các cửa khẩu khoảng 6.200 xe, tương đương khoảng 12.000 người (gồm lái xe chính và lái xe phụ) đang tập trung tại các khu vực cửa khẩu. Riêng tại các cửa khẩu ở Lạng Sơn là hơn 4.400 xe.
Hiện nay, do cửa khẩu Chi Ma, Tân Thanh đã tạm dừng thông quan nên năng lực thông quan hàng hóa ở Lạng Sơn chỉ khoảng 100 xe/ngày tại cửa khẩu Hữu Nghị.
"Tình trạng này gây ra nhiều vấn đề hệ lụy đến an ninh xã hội, cũng như vệ sinh an toàn phòng, chống dịch COVID-19. Đặc biệt, các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là nông sản, thủy hải sản, nếu để lâu sẽ dẫn đến hư hỏng gây thiệt hại cho doanh nghiệp", ông Tuấn nhìn nhận.
Đặc biệt, mới đây phía cửa khẩu Đông Hưng, Trung Quốc thông báo dừng thông quan cho người, hàng hóa từ 0h ngày 21/12 đến khi có thông báo mới. Ông Tuấn đánh giá nếu áp dụng biện pháp này trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc thông quan hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Về nguyên nhân ùn tắc hàng hóa nghiêm trọng tại các cửa khẩu nhiều ngày qua, ông Tuấn cho rằng do Trung Quốc tiếp tục áp dụng các biện pháp phòng chống COVID-19 khiến việc thông quan bị giảm mạnh, nhiều cửa khẩu chỉ đáp ứng 20-25% so với ngày thường. Một số cửa khẩu yêu cầu thay đổi phương thức giao nhận hàng hóa, yêu cầu lái xe phải đi về trong ngày, niêm phong cabin xe.
"Để tập trung chống dịch, phía Trung Quốc chuyển một số cán bộ kiểm dịch hải quan sang hỗ trợ công tác kiểm soát người Trung Quốc nhập cảnh về nước ăn Tết nên lực lượng hải quan giải quyết thủ tục hàng hóa hiện nay rất mỏng. Ngoài ra, công tác thông tin về tình trạng ùn tắc hàng hóa tại các khu vực biên giới đến doanh nghiệp xuất khẩu, thương lái không được đầy đủ, chi tiết dẫn đến hàng hóa vẫn tiếp tục được đưa lên cửa khẩu với số lượng lớn, không được điều tiết theo diễn biến tình hình thực tế", Quyền cục trưởng Cục giám sát quản lý về hải quan chia sẻ.
Trong khi đó, tại buổi làm việc giữa Bộ NN&PTNT và UBND tỉnh Lạng Sơn, ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết: Trước mắt, Bộ chỉ đạo tổ chức sản xuất gắn chặt với nhu cầu thị trường, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn các hộ nông dân sản xuất nông sản về các tiêu chuẩn, quy định của nước nhập khẩu; tiếp tục chỉ đạo các địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp bảo đảm không đứt gãy chuỗi sản xuất nông nghiệp; đồng thời rà soát, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cho vụ sản xuất tiếp theo.
"Rất mong các địa phương giao nhiệm vụ cụ thể cho đơn vị chức năng, như Sở NN&PTNT, Sở Công Thương để kết nối với Tổ công tác của Lạng Sơn, để có thông tin kịp thời", Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề nghị.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam cũng nhấn mạnh, việc quy định về số lượng xe lên cửa khẩu mỗi ngày là không khả thi vào thời điểm này. Bởi nông sản có tính mùa vụ và có thời gian bảo quản cố định. Bên cạnh đó, mỗi đơn vị sản xuất, kinh doanh đã ký hợp đồng với phía Trung Quốc, trong đó có quy định cụ thể về thời gian giao, nhận hàng tại cửa khẩu.
Để tháo gỡ khó khăn trên, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu nhấn mạnh, từ nay đến trước Tết Nguyên đán, một mặt vẫn phải tăng cường khuyến cáo các doanh nghiệp có kế hoạch để tiêu thụ nông sản trong nội địa hoặc chuyển đi đến các cửa khẩu khác. Đồng thời, kiến nghị không tiếp tục đưa hàng hóa lên cửa khẩu dẫn đến gia tăng việc ùn ứ.
Lạng Sơn sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các chủ hàng và lái xe bảo quản hàng hóa để sau Tết tiếp tục thông quan, cùng với đó tích cực hội đàm trao đổi với các lực lượng chức năng chính quyền Quảng Tây, Trung Quốc tháo gỡ khó khăn. Quan trọng nhất hiện nay là công tác phòng, chống dịch bệnh của hai bên phải làm thật tốt và tạo dựng được lòng tin mới giúp thông quan hàng hóa nhanh hơn.