Nguyên nhân gây viêm tụy mạn tính
Có nhiều nguyên nhân gây viêm tụy mạn tính, trong đó phải kể đến nguyên nhân viêm tụy mạn là do viêm tụy cấp không điều trị dứt điểm với các lý do như: Người bệnh tự điều trị, đổi và ngừng thuốc, điều trị dở dang, không đúng phương pháp điều trị...
Ngoài ra, viêm tụy mạn tính còn do các nguyên nhân khác như:
- Do nghiện rượu: Đây là một trong những nguyên nhân chính gây viêm tụy, chiếm khoảng 80 - 90% các trường hợp. Rượu làm tổn thương các tế bào tụy, gây xơ hóa dẫn đến viêm tụy mạn tính;
- Do sỏi tụy: Người ta tìm thấy người bệnh bị sỏi tụy sẽ gây viêm tụy mạn tính. Nguyên nhân này cũng chiếm khoảng 80 - 90% các trường hợp dẫn đến viêm tụy mạn tính;
- Do rối loạn chuyển hóa: Viêm tụy mạn tính có thể do rối loạn chuyển hóa, nhất là thiếu hụt α1 Antitrypsin, gây ứ trệ, nhiễm trùng... dẫn đến sự tự tiêu hủy của tụy, nên bị viêm tụy mãn tính;
- Do suy dinh dưỡng: Bệnh gặp ở những người suy dinh dưỡng, một số bệnh tự miễn hoặc có thể gặp ở bệnh nhân tăng mỡ máu (loại Triglycerid máu) gây nên viêm tụy mạn.
Ngoài ra, còn có một số nguyên nhân khác như: Do một số loại thuốc, tiếp xúc với một số hóa chất, tổn thương do tai nạn xe hoặc chấn thương vùng bụng, những bệnh lý di truyền, một số thủ thuật ngoại khoa, bệnh nhiễm trùng, dị dạng tụy hay ruột...
Biểu hiện của viêm tụy mạn tính
Viêm tụy mạn thường gây ra những cơn đau bụng vùng thượng vị dai dẳng không dứt, lan ra sau lưng đặc biệt là phía bên trái. Cơn đau thường tăng lên rõ rệt vào mỗi bữa ăn hoặc khi có uống rượu. Ngoài ra, người bệnh có thể bắt gặp thêm một số triệu chứng về tiêu hóa như: Chán ăn, buồn, nôn, táo bón, đầy hơi, sụt cân… do các chức năng của tụy bị suy giảm.
Những cơn đau có thể kéo dài từ vài giờ đồng hồ đến vài tuần. Ở giai đoạn nặng của bệnh, các cơn đau thường xuyên và kéo dài không dứt. Người bệnh đi ngoài ra phân mỡ…
Biến chứng viêm tụy mạn tính
Bệnh viêm tụy mạn là sự phá hủy, xơ hóa nhu mô tụy, tổn thương lan tỏa hoặc khu trú thành từng ổ. Có thể gây canxi hóa lan tỏa hoặc canxi hóa khu trú ở ống tụy, làm hẹp lòng ống tụy và suy giảm chức năng nội tiết và ngoại tiết của tụy.
Do đó, khi bị tổn thương viêm tụy mạn, chức năng không còn được đảm bảo, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình chuyển hóa các chất trong cơ thể, gây ra các biến chứng nguy hiểm.
Biến chứng nguy hiểm của viêm tụy mạn phải kể đến đầu tiên đó là đái tháo đường. Người bệnh không sử dụng được phân tử đường trong chuyển hóa tế bào nên bị tăng đường huyết. Bên cạnh đó, các chất dinh dưỡng từ thức ăn cũng không được phân giải và hấp thụ, nên bệnh nhân nhanh chóng sụt cân, suy kiệt.
Ngoài ra, viêm tụy mạn còn có thể gây ra các biến chứng như nang giả tụy kích thước lớn, không tự thoái lui. Khi bị rò dịch tụy có thể gây ra báng bụng, dễ tạo thành huyết khối trong tĩnh mạch, lách…
Đặc biệt, khi viêm tụy mạn kéo dài còn có nguy cơ gây ung thư tuyến tụy, đe dọa đến tính mạng của người bệnh.
Lời khuyên thầy thuốc để phòng tránh viêm tụy mạn tính
Để phòng tránh viêm tụy mạn tính thì việc điều trị dứt điểm viêm tụy cấp tính là vô cùng quan trọng. Người bệnh viêm tụy cần thực hiện nghiêm túc chỉ định của bác sĩ. Việc dùng thuốc, chế độ ăn uống cũng như sinh hoạt cần phải lưu ý.
Ngoài ra, cần kiêng tuyệt đối rượu bia, đồ uống có cồn với người bị viêm tụy mạn, điều này để giảm nguy cơ bị những cơn viêm tụy cấp tái phát, ngăn không cho tụy bị viêm nặng hơn và ngăn biến chứng, thậm chí gây nguy cơ tử vong.
Hạn chế đến mức tối đa ăn mỡ động vật, chất béo, thức ăn nên chọn loại dễ tiêu, hàng ngày cần ăn nhiều rau, ăn thêm trái cây và uống đủ lượng nước cần thiết. Do đó, thay vì câu hỏi bị viêm tụy sống được bao lâu mà nhiều người vẫn hay thắc mắc thì người bệnh hãy lựa chọn chế độ ăn uống, tập luyện tốt, đồng thời có thể khám tổng quát định kỳ để sớm phát hiện và ngăn ngừa.
Mời độc giả xem thêm video:
Cẩn trọng với 5 bệnh mùa Đông - Xuân ai cũng có thể mắc phải.