(Hứa Ngọc Hà - Tiền Giang)
Bệnh viêm thực quản là tình trạng viêm của lớp niêm mạc lót bên trong lòng của thực quản do rất nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân do trào ngược dạ dày - thực quản nên nhiều người lầm tưởng hai bệnh này là một.
Viêm thực quản do trào ngược dạ dày - thực quản là một lý do hay gặp nên nhiều người lầm đây là một bệnh vì hiện tượng trào ngược axít từ dạ dày lên thực quản sẽ gây ra tình trạng viêm niêm mạc thực quản. Bình thường thức ăn từ thực quản được nhu động đẩy vào dạ dày và dịch từ dạ dày bị ngăn cản bởi cơ vòng thực quản không đi ngược lên trên được. Khi cơ vòng bị yếu, các dịch axít từ dạ dày đi ngược lên thực quản gây ra tình trạng viêm mãn tính. Yếu tố nguy cơ gây trào ngược dạ dày - thực quản là béo phì, hút thuốc lá, có thai, thoát vị hoành hoặc các loại thức ăn: cà chua, trái cây chua, caffein, rượu bia, thức ăn cay, tỏi, hành, sô cô la …
Viêm thực quản do dị ứng: xảy ra khi có tình trạng tập trung nhiều bạch cầu eosinophil ở thực quản (đáp ứng với tình trạng dị ứng với kháng nguyên) gây ra tình trạng viêm. Trong thực tiễn, có nhiều loại thức ăn có thể gây viêm thực quản dị ứng như sữa, trứng, lúa mì, đậu nành, lúa mạch, đậu phộng và thịt bò. Thậm chí có trường hợp hít phấn hoa gây dị ứng viêm thực quản ở một số trường hợp. Viêm thực quản do thuốc: nhiều loại thuốc uống gây ra tình trạng tổn thương niêm mạc thực quản do sự tiếp xúc trong thời gian dài, chẳng hạn như việc uống thuốc với quá ít nước hoặc không dùng nước.
Các nhóm thuốc có thể gây viêm thực quản: thuốc kháng viêm-giảm đau (aspirin, ibuprofen, naproxen), thuốc kháng sinh (tetracyclin, doxyciclin), kali, bisphosphonate (điều trị loãng xương). Yếu tố nguy cơ: uống thuốc ít nước hoặc không nước, uống thuốc ở tư thế nằm, uống thuốc ngay trước khi ngủ, tuổi cao, viên thuốc quá lớn …
Viêm thực quản do nhiễm trùng: gồm nhiễm vi khuẩn, virút, vi nấm hoặc ký sinh trùng. Thường tình trạng nhiễm trùng xảy ra ở những bệnh nhân suy giảm miễn dịch (AIDS), ung thư.