Bệnh không quá nguy hiểm đến tính mạng nhưng các cơn đau kéo dài dẫn đến ăn uống kém khiến người bệnh mệt mỏi, mất ngủ, kiệt sức ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu xuất công việc và chất lượng cuộc sống.
Khớp thái dương hàm là một thành phần của bộ máy nhai gồm có các răng, hệ thống các cơ nhai và khớp thái dương hàm. Ba thành phần này có quan hệ khăng khít với nhau, mất ổn định của một trong ba thành phần này có thể dẫn tới rối loạn hoạt động hài hòa của bộ máy nhai, dẫn tới hậu quả rối loạn chức năng thái dương hàm.
Nguyên nhân gây viêm khớp thái dương hàm
Khớp thái dương hàm kết nối xương hàm dưới đến xương của hộp sọ ở mỗi bên, là khớp có cấu tạo rất phức tạp, di chuyển 3 chiều. Chỏm lồi cầu xương hàm dưới và xương thái dương khớp với nhau như là quả bóng nằm trong hốc với đĩa khớp ở giữa, các cơ vùng má và thái dương mỗi bên mặt giúp vận động xương hàm dưới.
Bất kỳ thành phần nào của khớp thái dương hàm như xương, sụn khớp, dây chằng đều có thể trở thành nguyên nhân gây ra viêm khớp thái dương hàm.
Các ghi nhận cho thấy nguyên nhân gây bệnh viêm khớp thái dương hàm có rất nhiều như:
- Sau chấn thương vùng hàm mặt.
- Thói quen há miệng quá lớn (khi ăn nhai, ngáp…)
- Bệnh thoái hóa xương khớp, viêm khớp dạng thấp.
- Nhai cắn 1 bên khiến hàm bị lệch.
- Khớp cắn lệch răng mọc không đều.
Biểu hiện viêm khớp thái dương hàm
Khị bị viêm khớp thái dương hàm bệnh nhân thường có các biểu hiện đau ở vùng trước nắp tai, đau vùng má, thái dương, đau đầu, khó há miệng, tiếng lục cục khớp khi há miệng hoặc thậm chí không há miệng được do trật khớp.
Một số bệnh nhân có thể có các dấu hiệu đau vai gáy, đau tai, đau mắt và có thể đi khám nhầm ở các chuyên khoa này. Các triệu chứng này gặp với các mức độ đau khác nhau, ở các mức độ đau vừa và nặng sẽ ảnh hưởng nhiều tới chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.
Vì vậy, khi bệnh nhân có các triệu chứng nghi ngờ cảnh báo như:
- Mỏi cơ khi ăn nhai há miệng;
- Đau vùng góc hàm, thái dương, vùng dưới hàm;
- Đau có thể lan sang gáy, cổ, hay xuống dưới cánh tay;
- Đau trước tai, trong tai;
- Há miệng có tiếng khớp kêu lục cục hoặc không há được, ăn nhai khó khăn, có thể đau các răng… cần đến ngay cơ sở y tế khám để được tư vấn và điều trị.
Điều trị viêm khớp thái dương hàm
Điều trị viêm khớp thái dương hàm cần được thực hiện ở bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh có bác sĩ chuyên sâu về bệnh lý này. Việc điều trị bao gồm nhiều bước, tùy thuộc vào chẩn đoán thể bệnh và mức độ nặng của rối loạn chức năng của bệnh nhân mà có phương pháp điều trị cụ thể cho từng nguyên nhân: giảm đau cơ khớp, giãn cơ, tập vật lý trị liệu như xoa bóp, chiếu tia hồng ngoại, tập vận động dưới hàm, đeo máng nhai. Kết hợp với hướng dẫn bệnh nhân các biện pháp đơn giản tại nhà như:
- Chế độ ăn mềm: các món canh ninh hầm, cháo sữa, sinh tố... trong 2 đến 4 tuần đầu.
- Tránh cử động mạnh như ngáp quá to, nhai kẹo cao su, cấm đưa hàm sang 2 bên, không ăn quá cứng, quá to, quá dai, quá nhiều.
Điều quan trọng nhất khi tập các bài tập ở nhà không được làm tổn thương thêm các cơ hàm. Khi có dấu hiệu đau tăng phải đi khám chuyên khoa càng nhanh càng tốt.
Cùng với việc áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh, xây dựng thói quen sinh hoạt khoa học hàng ngày sẽ giúp hạn chế sự phát triển của bệnh và ngăn ngừa các biến chứng có thể xảy ra.
Lời khuyên thầy thuốc
Viêm khớp thái dương hàm gây ảnh hưởng đến chức năng ăn nhai và đời sống bình thường của người bệnh. Để phòng bệnh viêm khớp thái dương hàm tuyệt đối không cắn chặt răng, nghiến răng khi ngủ. Từ bỏ thói quen cắn móng tay.
Vệ sinh răng miệng thường xuyên. Không ăn thức ăn quá cứng, quá dai. Nếu có bệnh lý về răng hãy đi khám chuyên khoa để được điều trị kịp thời.
Hạn chế mở miệng đột ngột hoặc quá rộng nhất là khi ăn hoặc ngáp. Và điều cuối cùng khi có dấu hiệu của đau khớp thái dương hàm, hãy đến ngay cơ sở y tế khám và được hướng dẫn điều trị.