Nguyên nhân gây nhược thị ở trẻ em

08-12-2024 07:46 | Phòng mạch online
google news

SKĐS - Nhược thị là một bệnh về mắt thường gặp ở trẻ và cũng là một trong những nguyên nhân gây giảm thị lực. Nếu không được điều trị sớm trẻ có thể bị giảm thị lực vĩnh viễn.

Hỏi: Làm thế nào để biết con tôi có bị nhược thị hay không? Nếu con tôi bị nhược thị thì cần phải làm gì? (Triệu Thảo C - Hòa Bình).

Nhược thị là gì?

Theo TS.BS Nguyễn Xuân Tịnh – Giám đốc bệnh viện Mắt Hà Nội, nhược thị là một trong những nguyên nhân gây giảm thị lực ở trẻ em và rất hay gặp. Nhược thị là tình trạng thị lực của trẻ bị giảm và sau khi chỉnh kính tối đa 20/30 (otương đương < 8/10) nhưng thị lực không lên và không kèm theo các nguyên nhân gây giảm thị lực khác như bị đục thủy tinh thể hay sẹo giác mạc hoặc các bệnh lý ở võng mạc. Bệnh nhân có thể có tật khúc xạ nhưng khi chỉnh kính tối đa thị lực không lên, lúc này cần nghĩ đến nguy cơ nhược thị.

TS.BS Nguyễn Xuân Tịnh giải đáp về một số nguyên nhân gây nhược thị ở trẻ.

Để phát hiện nhược thị, trẻ cần được thăm khám bởi các bác sĩ chuyên khoa mắt một cách toàn diện thông qua đo mắt, đánh giá và tìm nguyên nhân.

Nguyên nhân gây nhược thị

Nếu nhược thị không được điều trị sẽ khiến trẻ giảm thị lực vĩnh viễn và gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống rất nhiều.

Nhược thị do tật khúc xạ

Có rất nhiều nguyên nhân gây ra nhược thị trong đó thường gặp nhất là trường hợp có tật khúc xạ nhưng không được chỉnh kính sớm. Có thể trẻ bị viễn thị cao, loạn thị cao không được chỉnh kính sớm khiến chức năng thị giác không phát triển được. Lúc này hình ảnh từ bên ngoài vào võng mạc bị mờ từ đó dẫn đến các thông tin từ mắt đưa lên não không được đầy đủ và không kích thích trung tâm thần kinh thị giác ở não phát triển bình thường.

Với những nguyên nhân nhược thị do tật khúc xạ, trẻ cần được chỉnh kính sớm. Do vậy, một trong những khuyến cáo để tránh tình trạng nhược thị để giúp trẻ phát hiện và điều trị sớm là trước tuổi đi học trẻ em cần được khám sáng lọc để phát hiện tật khúc xạ và chỉnh kính sớm. Nếu trẻ trước tuổi đi học phát hiện được các nguyên nhân gây ra nhược thị để điều trị sớm sẽ có khả năng phục hồi tốt. Chỉ cần đeo kính sớm, đúng số là trẻ có thể phục hồi được chức năng thị giác và thị lực sẽ tăng, giải quyết được tình trạng nhược thị.

Nguyên nhân gây nhược thị ở trẻ em- Ảnh 1.

Trẻ em nên được khám mắt trước tuổi đến trường để phát hiện sớm các vấn đề về mắt trong đó có nhược thị.

Với trường hợp lệch khúc xạ tức một mắt thị lực tốt một mắt thị lực kém. Sau khi chỉnh kính xong có thể điều trị nhược thị cho trẻ bằng cách cho đeo kính thường xuyên và áp dụng bịt bên mắt bình thường để tập trung, tập luyện mắt nhược thị. Sau một thời gian mắt nhược thị sẽ được phục hồi.

Nhược thị lác

Một hình thái nhược thị hay gặp là nhược thị ở bệnh nhân bị lác. Thông thường bệnh nhân bị lác luân phiên 2 mắt (lúc lác mắt trái lúc lác mắt phải) thì gọi là lác luân phiên thì nhược thị rất nhẹ hoặc không có nhược thị. Còn với trường hợp bệnh nhân bị lác một bên mắt thì mắt bên lác thường bị nhược thị nặng.

Nguyên nhân gây nhược thị ở trẻ em- Ảnh 2.

Có rất nhiều nguyên nhân gây nhược và bác sĩ cần tùy theo bệnh lý phối hợp để có phương án điều trị tốt nhất.

Với những trường hợp lác chỉ ở một mắt và bị nhược thị ở bên mắt lác sẽ cần điều trị nhược thị cho bệnh nhân sớm. Nếu bên mắt lác kèm nhược thị có thể không kèm nguyên nhân thực thể mà chỉ có tật khúc xạ thì cần chỉnh kính và điều trị nhược thị.

Cũng có những trường hợp bệnh nhân lác kèm theo đục thủy tinh thể. Lúc này người bệnh cần điều trị đục thủy tinh thể sau đó điều trị nhược thị. Sau khi điều trị nhược thị tốt rồi mới điều trị lác.

Ngoài ra còn có hình thái nhược thị do nguyên nhân thực thể, ví dụ như trẻ bị đục thủy tinh thể ngăn cản sự phát triển chức năng thị giác. Sau khi trẻ đã được điều trị đục thủy tinh trẻ nhìn vẫn kém đó là nhược thị do nguyên nhân thực thể, trước hết phải giải quyết nguyên nhân. Sau khi giải quyết tình trạng đục thủy tinh thể thì cần chỉnh kính và điều trị nhược thị cho trẻ.

Có rất nhiều nguyên nhân gây nhược và bác sĩ cần tùy theo bệnh lý phối hợp để có phương án điều trị tốt nhất. Thông thường trước hết là điều trị nguyên nhân sau đó đến phục hồi chức năng và điều trị lác.

Xem thêm video được quan tâm:

Đục thủy tinh thể bẩm sinh: căn bệnh “cướp đi” ánh sáng đầu đời của trẻ | SKĐS


TS.BS Nguyễn Xuân Tịnh
Giám đốc bệnh viện Mắt Hà Nội
Ý kiến của bạn