Tôi thường hay bị nấc cụt, khiến khó chịu trong sinh hoạt, gây trở ngại trong công việc và khi giao tiếp. Vậy xin bác sĩ tư vấn nguyên nhân do đâu.
Nguyễn Văn Đức (Hà Giang)
Nấc là sự co thắt đột ngột, vô thức của cơ hoành, làm cho thanh thiệt bị đóng mạnh và nhanh, gây ra một tiếng động đặc biệt. Nấc chỉ là một chứng đơn độc, nhưng cũng có khi là một dấu hiệu lâm sàng của một số bệnh nguy hiểm do nhiều nguyên nhân.
Nguyên nhân gây nấc là do sự kích động dây thần kinh cơ hoành - một cơ rộng ngăn cách khoang bụng và ngực. Cơ hoành là bộ phận quan trọng tham gia trong quá trình nấc. Thần kinh cơ hoành có hai phần: phần trung tâm nằm trên não, phần ngoại biên là hai dây thần kinh đi từ cổ xuống ngực.
Thông thường, nấc do ăn không nhai kỹ và nuốt nhanh, vì vậy chỉ cần ăn chậm, nhai kỹ, triệu chứng nấc cụt sẽ chấm dứt. Nếu là trẻ nhũ nhi và trẻ nhỏ thì do bú quá nhanh và nhiều, cần giảm số lượng bú, thời gian bú thưa hơn. Nên bế bé ở tư thế đầu hơi cao hơn thân mình. Hoặc cũng có thể nấc do tâm lý thường gặp ở những người cười nhiều, người bị stress, thần kinh căng thẳng hoặc cảm xúc quá mạnh. Nhưng đôi khi nấc có thể là trọng bệnh như: các bệnh trong lồng ngực (tim, phổi, trung thất); các bệnh ở ổ bụng như bộ máy tiêu hóa, gan, thận; viêm màng phổi thể khu trú ở cơ hoành, viêm mủ hoặc tràn dịch màng phổi hoặc bệnh ở các cơ quan trong ổ bụng như: viêm dạ dày, thực quản có khi gây nấc, thường đau vùng thượng vị, ợ hơi, ợ chua, nhất là lúc ăn chua, uống bia rượu; viêm màng bụng do tạp khuẩn, do lao cũng gây nấc.
Nấc còn gặp ở phụ nữ có thai, người bị mổ vùng bụng, người uống rượu nhiều, người ăn thức ăn cay, uống nước giải khát có nhiều ga...
Vì vậy, trường hợp của bạn không thể xác định được cụ thể nguyên nhân nhưng nếu như nấc kéo dài kèm theo các biểu hiện bất thường, cần đi khám để được tham vấn, chẩn đoán chính xác nguyên nhân và điều trị kịp thời.
BS. Nguyễn Văn Hà