1. Nguyên nhân gây lão hóa sớm
Lão hóa da bắt đầu từ sau tuổi 25. Lúc này quá trình sản sinh collagen và elastin giảm so với quá trình collagen mất đi. Do đó, tình trạng lão hóa da bắt đầu từ lúc này nhưng chưa có các biểu hiện bên ngoài.
Phải sau 35 tuổi thì nếp nhăn mới bắt đầu xuất hiện. Sau đó là các dấu hiệu da không đều màu, xuất hiện nám, đồi mồi… Nếu trên da xuất hiện các dấu hiệu trên trước 35, thậm chí là 30, thì đó là tình trạng lão hóa da sớm.
Lão hóa da sớm có nhiều nguyên nhân, trong đó có 2 nguyên nhân chính:
- Yếu tố nội sinh: Là do di truyền, khi mắc các bệnh lý dẫn đến lão hóa sớm mặc dù hiếm gặp, như: Hội chứng Hutchinson-Gilford và Hội chứng Werner. Hội chứng này diễn ra ở cả trẻ nhỏ và trẻ ở lứa tuổi dậy thì, gây ra tình trạng teo da, nhăn nheo, chân tay gầy gò, nổi các khớp gân…
Ngoài ra sự thay đổi đột ngột hormone nội tiết cũng khiến tình trạng da lão hóa sớm xuất hiện.
- Yếu tố ngoại sinh: Là do da tiếp xúc với môi trường độc hại. Da là cơ quan có diện tích lớn nhất cơ thể, tiếp xúc trực tiếp với môi trường xung quanh. Môi trường khói bụi nhiều sẽ khiến hàng rào bảo vệ da bị nhiễm các chất độc hại dẫn đến các nếp nhăn, nám da hình thành sớm hơn, nghiêm trọng hơn.
Khi da tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời mà không được bảo vệ và chăm sóc cũng dẫn đến tình trạng lão hóa sớm. Các thói quen xấu trong sinh hoạt hằng ngày như hít khói thuốc lá trực tiếp hoặc gián tiếp; thói quen đi ngủ muộn, ngủ ít hoặc nhiều; sử dụng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc (kem trộn, kem tẩy trắng…). Chế độ ăn thiếu khoa học, kém dinh dưỡng, ăn nhiều nhiều đường và giàu carbohydrate trong thời gian dài. Bên cạnh đó, lão hóa da sớm còn do lạm dụng rượu bia, cafein, stresss…
2. Cách nhận biết và xử trí lão hóa da sớm
Nếu chưa tới 35 tuổi mà đã xuất hiện nhiều nếp nhăn rõ, các đốm nám, tàn nhang, đồi mồi cũng theo đó xuất hiện và đậm màu dần, thì đó chính là dấu hiệu của lão hóa sớm.
Bạn nên tiến hành ngay các bước sau để kịp thời trẻ hóa làn da:
2.1. Chăm sóc, bảo vệ da
Đối với tình trạng lão hóa da do yếu tố nội sinh thì rất khó can thiệp, nhưng với yếu tố ngoại sinh, chúng ta có thể can thiệp bằng cách từ bỏ các thói quen xấu và có các biện pháp bảo vệ, chăm sóc da ngay từ sớm.
Trước hết cần vệ sinh da sạch sẽ hằng ngày theo các bước:
- Buổi tối: Tẩy trang - sữa mặt - toner - kem dưỡng ẩm dùng cho ban đêm.
- Buổi sáng: Sữa rửa mặt - kem dưỡng ẩm dùng cho ban ngày - kem chống nắng.
Nên dùng kem chống nắng có chỉ số SPF 30 trở lên để bảo vệ làn da trước tia UV. Hạn chế để da tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời bằng quần áo dài, mũ, kính râm, đeo khẩu trang… khi đi ra ngoài trời. Mỗi tuần nên tẩy da chết cho da mặt và da chết toàn thân 2 lần.
2.2. Ngừa lão hóa da sớm
Từ sau 25 tuổi, nên lưu ý sử dụng các sản phẩm chăm sóc ngừa lão hóa da sớm:
- AHA: Đây là một nhóm acid được sử dụng trong rất nhiều sản phẩm chăm sóc da (serum, toner, kem dưỡng, tẩy da chết)... Trong đó, AHA chiết xuất từ đường mía (glycolic acid) ít gây kích ứng, có trong các sản phẩm chăm sóc da thông thường, có tác dụng cấp ẩm, làm mềm, mịn, căng da. AHA chiết xuất từ sữa ong chúa (hydroxycaproic acid) có tính chất tẩy mạnh, có khả năng loại bỏ tế bào chết ở biểu bì, nhưng cũng dễ gây kích ứng hơn. Dòng AHA này thường dùng khi có đơn hướng dẫn của bác sĩ. Nhờ tính chất loại bỏ tế bào chết, dày sừng trên da mà dòng AHA này giúp lộ làn da mềm mịn, căng mướt và cũng có khả năng cấp ẩm nhẹ cho da.
- Retinol: Là một dẫn xuất của vitamin A, có tác dụng giúp da kích thích tăng sinh collagen, giúp da dày hơn, giảm nếp nhăn, làm mờ vết nám, vết thâm… Từ đó có tác dụng chống lão hóa hiệu quả. Retinol còn có tác dụng se khít lỗ chân lông, điều trị mụn trứng cá, giúp làn da nhỏ, mịn màng hơn.
Đây là sản phẩm khá phổ biến trong điều trị các tình trạng da lão hóa, nhưng nó có nhiều nồng độ và cũng dễ gây kích ứng cho da. Khi mới sử dụng để làm chậm quá trình lão hóa, nên chọn nồng độ thấp, không cần kê đơn từ 0.3 - 1%, mỗi tuần 2-3 lần. Để đạt được hiệu quả tối đa của sản phẩm và chế các tác dụng phụ, chỉ nên thoa retinol sau khi được bác sĩ tư vấn và hướng dẫn.
Ngoài ra, retinol cũng làm da nhạy cảm hơn với ánh nắng mặt trời, do đó trong khi sử dụng sản phẩm này cần bảo đảm da được bảo vệ khỏi ánh nắng mặt trời tốt hơn vào ban ngày.
- Niacinamide: Đây là sản phẩm dẫn xuất của vitamin B3, có mặt trong các sản phẩm sữa rửa mặt, kem dưỡng, lotion, serum. Vitamin này có tác dụng dưỡng da khi da như da khô, thâm mụn, xuất hiện nếp nhăn, làm se khít lỗ chân lông, khóa ẩm cho da… từ đó giúp da trẻ hóa, sáng mịn, đều màu…
- HA (hyaluronic acid): Là một glycosaminoglycan trong da và là thành phần chính tạo nên cấu trúc da, giúp cho da căng và mịn. Khi quá trình lão hóa xuất hiện, cùng với sự mất đi của collagen, thì glycosaminoglycan cũng giảm dần khiến da chảy xệ, nhiều nếp nhăn. Do đó bổ sung HA từ bên ngoài cấp ẩm đầy đủ, tăng độ đàn hồi và cải thiện nếp nhăn cho làn da.
- Vitamin C: Là chất chống oxy hóa mạnh, giúp tăng quá trình tổng hợp collagen và giúp sáng da và làm mờ các đốm sắc tố. Vitamin C đóng vai trò quan trọng trong điều chỉnh quá trình tổng hợp các protein collagen… Từ đó, lớp biểu bì được duy trì và tăng cường tính đàn hồi, giúp phòng ngừa nếp nhăn, làm mờ nám.
Ngoài việc chăm sóc da mặt, chị em nên chú ý chăm sóc các phần da khác trên cơ thể cũng dễ bị lão hóa như da cổ, da mặt.
Bên cạnh đó, đôi bàn tay cũng là nơi tiếp xúc trực tiếp với môi trường nhiều nhất, đồng thời cũng sớm bị lão hóa do quá trình lao động, tiếp xúc với các hóa chất (như nước rửa bát, xà phòng, dầu gội…). Nếu da tay không được chăm sóc sẽ trở nên khô, cứng, nhăn, xuất hiện đồi mồi sớm hoặc tình trạng da mỏng, nổi rõ mạch máu… sẽ khiến đôi tay nhìn già và mất thẩm mỹ.
Do đó, cần bảo vệ da tay bằng cách tránh tiếp xúc trực tiếp với các yếu tố làm tăng quá trình lão hóa, sử dụng kem chống nắng đầy đủ và dùng kem dưỡng ẩm, dưỡng da chuyên biệt cho da tay.
Mời độc giả xem thêm video:
Những sai lầm khiến chị em chăm sóc da kỹ nhưng da vẫn xỉn màu | SKĐS