Hà Nội

Nguyên nhân gây khàn tiếng

06-05-2019 09:51 | Đời sống
google news

SKĐS - Thỉnh thoảng tôi lại bị khàn tiếng vài ngày. Mong bác sĩ cho biết nguyên nhân của tình trạng này.

Lê Thị Thu (Hà Nội)

Khàn tiếng hay đôi khi mất tiếng thực chất là sự tổn thương của thanh quản: thanh quản bị sưng, phù nề,... dẫn đến âm thanh phát ra thay đổi. Khàn tiếng có thể do các yếu tố sau: Thời tiết thay đổi thất thường, nhất là khi chuyển sang lạnh gây ra các bệnh cảm cúm, sổ mũi, viêm họng,... đôi khi kèm theo việc khản tiếng. Nghề phải nói nhiều: ca sĩ, diễn viên, giáo viên, nghệ sĩ kịch, cải lương, kinh doanh, marketing... nếu nói quá mức sẽ gây ra tổn thương dây thanh quản dẫn đến tình trạng khàn tiếng, mất tiếng, viêm họng,... Những người sử dụng nhiều chất kích thích như: rượu bia, thuốc lá,... Người mắc các bệnh về đường hô hấp kéo dài như: viêm xoang, viêm amidan, làm cho dây thanh bị viêm nề, sung huyết gây khàn tiếng. Còn có nguyên do từ bệnh lý ở thanh quản như: Viêm thanh quản cấp tính: viêm thanh quản do virut, vi khuẩn, viêm nắp thanh quản cấp tính, viêm phế quản do vi khuẩn, viêm thanh quản mạn tính; hoặc có bệnh lý thực thể tại dây thanh như: hạt xơ, polyp, u nang, rãnh dây thanh... Những người bị viêm dạ dày tá tràng, trào ngược dạ dày thực quản... cũng thường hay bị khàn tiếng do dịch acid trào ngược làm viêm nề, sung huyết thanh quản gây ra khàn tiếng.

Khàn tiếng có thể là một tình huống cấp tính của tắc nghẽn thanh quản, gây nguy hiểm tức thời đòi hỏi phải giải quyết cấp cứu như sốc phản vệ, bỏng đường hô hấp, dị vật, bệnh bạch hầu thanh quản... Khi thấy có dấu hiệu khác thường, người bệnh nên đi khám để điều trị kịp thời.

BS. Minh Hùng


Ý kiến của bạn