Nguyễn Thị Hoài (Hà Nội)
Có vài nguyên nhân khiến trẻ bị đổ mồ hôi trộm:
Đổ mồ hôi trộm do sinh lý: Trẻ đổ mồ hôi trộm do hệ thần kinh đại não của trẻ chưa phát triển hoàn thiện, đặc biệt là trẻ nhỏ đang trong thời kỳ tăng trưởng, quá trình trao đổi chất ở trẻ diễn ra mạnh hơn so với người lớn; Đổ mồ hôi trộm cũng là cách để trẻ cân bằng nhiệt độ cơ thể do hệ thống điều chỉnh nhiệt độ của trẻ vẫn còn non nớt; Bên cạnh đó, trẻ nhỏ cũng có tỷ lệ số lượng tuyến mồ hôi so với kích thước cơ thể khá cao nên khiến bé ra nhiều mồ hôi hơn. Đổ mồ hôi trộm sinh lý thường không ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.
Đổ mồ hôi trộm do bệnh lý: Những trẻ bị mắc bệnh còi xương, lao sơ nhiễm sẽ có biểu hiện đổ mồ hôi trộm ở đầu, nhất là khi bú mẹ hoặc sau khi ngủ, mồ hôi ra nhiều nhưng không phải do thời tiết; Đi kèm với triệu chứng đổ mồ hôi trộm, trẻ còn có những dấu hiệu khác của bệnh còi xương như thóp chậm liền, xương đầu to, ngực nhô mình gà, chân vòng kiềng; với bệnh lao sơ nhiễm, trẻ sẽ có biểu hiện như ho kéo dài, ăn uống kém, chụp Xquang phổi thấy tổn thương lao sơ nhiễm. Để hạn chế tình trạng đổ mồ hôi trộm ở trẻ, cha mẹ nên giữ nhiệt độ phòng thoáng mát; tránh mặc quá nhiều quần áo hoặc đắp quá nhiều chăn cho bé khi ngủ để trẻ có thể ngủ ngon giấc hơn. Trẻ đổ mồ hôi trộm là một hiện tượng sinh lý bình thường. Nếu bé chỉ ra nhiều mồ hôi ở đầu, không bị rụng tóc vành khăn, không kém ăn lười bú... và vẫn tăng cân bình thường thì cha mẹ không cần lo lắng.