(SKDS) - Đau vùng tiểu khung là khi bị đau ở khu vực dưới rốn của bụng. Kiểu đau này có thể đi kèm với nhiều bệnh khác nhau, có thể là dấu hiệu vô hại, có thể là bệnh đường tiêu hóa hoặc cũng có thể là dấu hiệu của một bệnh nguy hiểm đe dọa đến sinh mạng.
Viêm ruột thừa
Các triệu chứng bao gồm đau ở vùng hố chậu phải (phần dưới bụng, bên phải), nôn, sốt. Nếu có những triệu chứng đó, cần gặp bác sĩ ngay. Ruột thừa bị viêm phải được can thiệp ngoại khoa, nếu chậm trễ sẽ bị vỡ và nhiễm khuẩn sẽ lan tràn khắp ổ bụng dẫn đến viêm phúc mạc. Biến chứng này đe dọa tính mạng.
Hội chứng ruột dễ bị kích thích
Là một rối loạn ở đường tiêu hóa mạn tính gây đau bụng tái diễn, cơn đau quặn ruột, trướng bụng, tiêu chảy hay táo bón. Nguyên nhân còn chưa rõ ràng nhưng có nhiều cách để kiểm soát các triệu chứng như thay đổi chế độ ăn, kiểm soát các stress trong đời sống, dùng thuốc để chữa tiêu chảy hay táo bón.
Viêm ruột thừa gây đau vùng hố chậu phải. |
Cơn đau bụng kinh
Hàng tháng, ở tử cung có lớp nội mạc mới mọc lên để phôi có thể làm tổ và phát triển. Khi không có thai, lớp nội mạc đó bong ra khi người phụ nữ hành kinh. Cơn đau quặn bụng xảy ra khi tử cung co bóp để đẩy máu kinh ra ngoài. Cơn đau bụng kinh thường ở vùng bụng dưới hay vùng thắt lưng và chỉ kéo dài từ 1-3 ngày. Đôi khi chỉ cần chườm nóng và dùng các thuốc giảm đau thông thường.
Lạc nội mạc tử cung
Ở một số phụ nữ, mô nội mạc tử cung phát triển ra ngoài tử cung. Có thể phát triển trên buồng trứng, vòi trứng, bàng quang và các bộ phận khác của cơ thể. Mỗi khi hành kinh, những mô lạc này vỡ nhưng không mất đi, hiếm khi nguy hiểm nhưng có thể gây đau và tạo thành mô sẹo gây khó có thai. Có nhiều cách để chữa lạc nội mạc tử cung theo sự đánh giá của thầy thuốc.
Bệnh lây truyền qua đường tình dục
Đau vùng tiểu khung là dấu hiệu cảnh báo bị một bệnh lây truyền qua đường tình dục nào đó. Hai bệnh hay gặp nhất là bệnh do Chlamydia và bệnh lậu, thường phối hợp cả hai. Các bệnh lây truyền qua đường tình dục không phải bao giờ cũng bộc lộ triệu chứng nhưng nếu có thì có thể gây đau vùng tiểu khung, tiểu buốt, ra máu giữa 2 kỳ kinh và xuất tiết âm đạo bất thường. Cần điều trị để phòng ngừa các biến chứng nghiêm trọng và tránh lây bệnh cho bạn tình.
Hội chứng sung huyết vùng tiểu khung
Giãn tĩnh mạch thường xảy ra ở cẳng chân, đôi khi có thể giãn cả tĩnh mạch vùng tiểu khung. Máu bị dồn về các tĩnh mạch tiểu khung, gây sưng nề và đau. Như thế gọi là hội chứng sung huyết tiểu khung. Đau có xu hướng nặng hơn khi ngồi hoặc đứng, nằm thì giảm bớt. Ít có can thiệp lớn nào đối với hội chứng này.
Ảnh minh họa (nguồn Internet) |
Đau mạn tính vùng tiểu khung
Khi đau ở vùng dưới rốn và kéo dài ít nhất 6 tháng. Có thể đau nặng đến mức ảnh hưởng đến giấc ngủ, công việc hay các mối quan hệ. Phần lớn các bệnh đã bàn ở trên có thể giúp vào việc điều trị. Đôi khi kể cả đã làm nhiều test thăm dò, nguyên nhân đau vùng tiểu khung vẫn là một bí ẩn nhưng thầy thuốc vẫn có thể tìm ra giải pháp để đỡ đau.
Mô sẹo sau mổ ổ bụng
Nếu đã từng bị can thiệp ngoại khoa ở vùng tiểu khung hay bụng dưới như mổ viêm ruột thừa, mổ lấy thai hay nhiễm khuẩn khu vực thì có thể bị đau do mô bị sẹo hóa. Dính là kiểu sẹo hóa mô bên trong làm cho các cơ quan hoặc các cấu trúc dính với nhau. Dính trong ổ bụng có thể gây đau và nhiều vấn đề khác, phụ thuộc vào vị trí dính, một số trường hợp phải can thiệp ngoại khoa để gỡ dính.
Ngoài ra, chứng đau tiểu khung còn gặp trong nhiễm khuẩn đường tiết niệu, viêm bàng quang cấp và mạn tính.
BS. Trần Ngọc Lân