1. Nguyên nhân gây đau mắt đỏ?
Đau mắt đỏ (viêm kết mạc) là tình trạng viêm do nhiễm trùng hoặc dị ứng, xảy ra ở một hoặc cả hai mắt. Một số loại đau mắt đỏ rất dễ lây lan từ người này sang người khác, nhưng nhiều loại khác thì không. Bệnh có thể gặp ở mọi đối tượng và khoảng thời gian dễ mắc bệnh là từ đầu hè đến cuối thu.
Viêm kết mạc có thể do virus, vi khuẩn hoặc dị ứng gây ra. Đau mắt đỏ có thể gây các biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách…
2. Lựa chọn các thuốc điều trị đau mắt đỏ
2.1. Đau mắt đỏ do virus
Đau mắt đỏ chủ yếu do virus Adeno, Entero, ít phổ biến hơn là do virus Herpes simplex hoặc virus Zoster. Đây là loại viêm kết mạc phổ biến nhất. Bệnh thường gây bỏng rát, đỏ mắt với chảy nước mắt. Đau mắt đỏ do virus thường do cùng một loại virus gây sổ mũi và đau họng ở những người bị cảm lạnh thông thường.
Đaum ắt đỏ do virus rất dễ lây lan từ người này sang người khác. Hầu hết các trường hợp đau mắt đỏ do virus đều nhẹ. Nhiễm trùng thường sẽ hết sau 7 đến 10 ngày mà không cần điều trị và không có bất kỳ hậu quả lâu dài nào. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, có thể mất từ 2 đến 3 tuần hoặc hơn để khỏi.
Bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng virus acyclovir để điều trị các dạng viêm kết mạc nghiêm trọng hơn. Thuốc kháng sinh sẽ không cải thiện tình trạng đau mắt đỏ do virus.
2.2. Đau mắt đỏ do vi khuẩn
Đau mắt đỏ do vi khuẩn thường do vi khuẩn lậu cầu (Neisseria Gonorrhoeae), vi khuẩn bạch hầu (C. Dipptheria), liên cầu (Streptococcus Pyogene), phế cầu, hiếm gặp do não cầu (Neisseria Menigitidis),…
Người bệnh thường có các triệu chứng như đau mắt, đỏ mắt với nhiều mủ dính trong mắt, màu vàng xanh, kéo dài cả ngày. Tuy nhiên, một số bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn có thể gây ra ít hoặc không tiết dịch.
Đau mắt đỏ do vi khuẩn nhẹ có thể khỏi mà không cần điều trị bằng kháng sinh và không gây ra bất kỳ biến chứng nào. Cần 2-5 ngày mà không cần điều trị nhưng có thể mất 2 tuần để khỏi hoàn toàn.
Thuốc điều trị tại chỗ
- Thuốc kháng sinh: Thường được dùng tại chỗ dưới dạng thuốc nhỏ mắt hoặc thuốc mỡ giúp rút ngắn thời gian nhiễm trùng, giảm biến chứng và giảm lây lan sang người khác. Thuốc kháng sinh có thể cần thiết trong các trường hợp tiết dịch mủ, viêm kết mạc xảy ra ở những người có hệ thống miễn dịch suy giảm, khi nghi ngờ nguyên nhân do một số vi khuẩn.
Trong những ngày đầu bệnh diễn biến nhanh, có thể dùng các thuốc aminoglycoside (tobramycin, neomycin,…), fluoroquinolone (ofloxacin, ciprofloxacin, levofloxacin, moxifloxacin). Ngoài ra có thể dùng các thuốc phối hợp nhiều loại kháng sinh như gramicidin/neomycin sulfat/polymyxin B sulfat…
Thuốc kháng sinh dùng cho đau mắt đỏ có thể gây châm chích trong mắt, ngứa, đỏ, nóng mắt. Những tác dụng phụ này xảy ra giống như các triệu chứng đau mắt đỏ, vì vậy có thể khiến bạn nghĩ triệu chứng dường như trở nên tồi tệ hơn ngay sau khi bạn bắt đầu sử dụng kháng sinh. Kiên trì điều trị trong tối đa 2 ngày để xem các triệu chứng có cải thiện không và tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ.
- Corticosteroid tại chỗ: Thuốc có thể giúp giảm bớt các triệu chứng và giảm sẹo trong viêm kết mạc nhiễm trùng. Tuy nhiên cần thận trọng khi dùng prednisolon acetat, fluorometholon... vì các thuốc này có thể gây tăng nhãn áp, đau mắt, giảm thị lực, nhiễm trùng mắt. Nếu tình trạng mắt không cải thiện sau 5-7 ngày hoặc nếu trở nên tồi tệ hơn, hãy đến bác sĩ kiểm tra. Khi bệnh thuyên giảm có thể giảm số lần tra mắt.
Các thuốc điều trị toàn thân
Chỉ dùng khi bệnh tiến triển nặng (thường do lậu cầu, bạch hầu). Các thuốc có thể dùng là cephalosporin thế hệ 3 (ceftriaxon, ceftazidime), fluroquinolon uống. Chống chỉ định dùng fluroquinolon ở trẻ dưới 16 tuổi.
Ngoài ra có thể dùng các thuốc nâng cao thể trạng như: Vitamin C, B1, B12,…
2.3. Viêm kết mạc dị ứng
Viêm kết mạc dị ứng thường là do phản ứng dị ứng với phấn hoa, lông động vật, khói thuốc lá, clo khử khuẩn hồ bơi, khói xe… thường có các triệu chứng như: Rất ngứa, đỏ và chảy nước mắt, mí mắt có thể bị sưng húp. Bệnh phổ biến hơn ở những người mắc các bệnh dị ứng khác, chẳng hạn như sốt cỏ khô hoặc hen suyễn.
Bệnh thường cải thiện bằng cách loại bỏ chất gây dị ứng khỏi môi trường. Thuốc dị ứng và một số loại thuốc nhỏ mắt có thể giúp giảm viêm kết mạc dị ứng.
Thuốc điều trị tại chỗ: Dùng corticosteroid như prednisolon acetate 1%, fluorometholone 0,1%; 6-8 lần/ngày, trong vài ngày đầu, sau đó bệnh giảm có thể tra rút xuống 3-4 lần/ngày và dừng khi các triệu chứng khỏi hẳn.
Nếu da mi phù, đỏ ngứa: Bôi da mi mỡ có corticoid như mỡ hydrocortison 1%… bôi da mi 3 lần/ ngày.
Thuốc uống: Thuốc kháng histamin, có thể dùng 1 trong các loại thuốc chống dị ứng như loratadine, fexofenadine hydrochloride...
3. Lưu ý khi điều trị đau mắt đỏ
Để giúp giảm bớt một số tình trạng viêm và khô do đau mắt đỏ, có thể sử dụng gạc lạnh và nước mắt nhân tạo. Ngoài ra, rửa mắt liên tục bằng nước muối sinh lý 0,9 % để loại trừ mủ và tiết tố.
- Làm sạch hoặc thay thế kính áp tròng đúng cách và đúng thời gian khuyến nghị. Ngừng đeo kính áp tròng cho đến khi không còn triệu chứng đau mắt đỏ nữa.
- Sử dụng khăn giấy sạch mỗi khi bạn lau mặt và mắt.
- Rửa tay thường xuyên, trước và sau khi ăn, khi đi vệ sinh hoặc sau khi hắt hơi hoặc ho.
- Không chạm tay vào mắt.
- Vi khuẩn có thể sống trong đồ trang điểm và có thể gây đau mắt đỏ và thậm chí là nhiễm trùng giác mạc nguy hiểm. Không trang điểm mắt khi mắt đang bị nhiễm trùng, thay đồ trang điểm nếu bị nhiễm trùng mắt. Và không dùng chung đồ trang điểm mắt với người khác.
- Luôn nâng cao thể trạng.
- Cần điều trị tích cực tránh lây lan thành dịch.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Nắng nóng khiến nhiều người bị nhiễm nấm, vêm da.