1. Chóng mặt khi mang thai giai đoạn đầu
1.1 Chóng mặt do thay đổi nội tiết tố và giảm huyết áp
Ngay sau khi mang thai, lượng hormone của phụ nữ thay đổi để giúp tăng lưu lượng máu trong cơ thể. Điều này giúp thai nhi phát triển trong tử cung.
Lưu lượng máu tăng lên có thể khiến huyết áp của thai phụ thay đổi. Thông thường, huyết áp của thai phụ sẽ giảm xuống khi mang thai, còn được gọi là tụt huyết áp hoặc huyết áp thấp.
Huyết áp thấp có thể khiến thai phụ cảm thấy chóng mặt, đặc biệt là khi chuyển từ tư thế nằm hoặc ngồi sang đứng. Khi đi khám, bác sĩ sẽ kiểm tra huyết áp để theo dõi huyết áp của thai phụ. Tuy nhiên, huyết áp giảm không phải là nguyên nhân đáng lo ngại và huyết áp sẽ trở lại mức bình thường sau khi mang thai.
1.2 Chóng mặt do chứng nôn nghén
Chóng mặt có thể xảy ra nếu phụ nữ mang thai bị buồn nôn và nôn quá mức trong thai kỳ, được gọi là chứng buồn nôn và nôn. Điều này thường xảy ra sớm trong thai kỳ do lượng hormone thay đổi của thai phụ.
Nếu phụ nữ mang thai bị tình trạng này, có thể không ăn được thức ăn hoặc nước uống, dẫn đến chóng mặt và sụt cân. Để điều trị tình trạng này, thai phụ sẽ được xây dựng một chế độ ăn uống phù hợp, hoặc có thể được truyền chất dinh dưỡng cần thiết để nuôi dưỡng thai nhi hoặc có thể phải dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Chứng nôn nghén này có thể thuyên giảm trong tam cá nguyệt thứ hai ( 3 tháng giữa thai kỳ) hoặc gặp phải các triệu chứng trong suốt thai kỳ.
1.3 Chóng mặt do mang thai ngoài tử cung
Chóng mặt có thể do mang thai ngoài tử cung, điều này xảy ra khi trứng đã thụ tinh tự làm tổ trong hệ thống sinh sản của phụ nữ bên ngoài tử cung. Khi tình trạng này xảy ra rất nguy hiểm cho thai phụ gây chóng mặt, đau bụng và chảy máu âm đạo. Bác sĩ sẽ phải tiến hành thủ thuật hoặc kê đơn thuốc để loại bỏ trứng đã thụ tinh, bắt buộc phải chấm dứt thai kỳ.
2. Chóng mặt trong tam cá nguyệt thứ hai
Một số lý do khiến thai phụ bị chóng mặt trong tam cá nguyệt đầu tiên có thể chuyển sang tam cá nguyệt thứ hai, như huyết áp thấp hoặc chứng buồn nôn. Có những điều kiện khác có thể phát sinh khi thai kỳ của bạn tiến triển.
2.1 Áp lực lên tử cung
Phụ nữ mang thai có thể bị chóng mặt nếu áp lực từ tử cung ngày càng lớn đè lên các mạch máu. Điều này có thể xảy ra trong tam cá nguyệt thứ hai hoặc tam cá nguyệt thứ ba (3 tháng cuối thai kỳ) và phổ biến hơn khi thai nhi lớn.
Phụ nữ mang thai nằm ngửa cũng có thể gây chóng mặt, bởi vì nằm ngửa khi mang thai có thể khiến tử cung đang giãn nở làm cản trở lưu lượng máu từ chi dưới đến tim. Điều này có thể gây ra chóng mặt cũng như các triệu chứng liên quan khác. Tốt nhất, thai phụ nên ngủ và nằm nghiêng để ngăn chặn sự tắc nghẽn này xảy ra.
2.2 Đái tháo đường thai kỳ
Thai phụ có thể bị chóng mặt khi mắc bệnh đái tháo đường thai kỳ nếu lượng đường trong máu quá thấp. Đái tháo đường thai kỳ xảy ra khi nội tiết tố của thai phụ ảnh hưởng đến cách cơ thể sản xuất insulin.
Thai phụ có thể phải xét nghiệm bệnh đái tháo đường thai kỳ giữa tuần 24 và 28 của thai kỳ. Nếu được chẩn đoán mắc bệnh, thai phụ phải theo dõi lượng đường trong máu của mình thường xuyên, đồng thời tuân thủ một chế độ ăn kiêng và kế hoạch vận động phù hợp một cách nghiêm ngặt.
Chóng mặt, cùng với các triệu chứng khác như đổ mồ hôi, run rẩy và đau đầu, có thể cho thấy lượng đường trong máu của thai phụ thấp. Để tăng cường sức khỏe, thai phụ nên ăn một miếng trái cây hoặc một viên kẹo cứng và kiểm tra lượng đường sau vài phút để đảm bảo rằng chúng ở trong mức bình thường.
3. Chóng mặt trong tam cá nguyệt thứ ba
Nhiều nguyên nhân gây chóng mặt trong tam cá nguyệt thứ nhất và thứ hai có thể gây ra triệu chứng tương tự sau này trong thai kỳ của phụ nữ. Điều quan trọng là cần phải đi khám bác sĩ thường xuyên trong tam cá nguyệt thứ ba để theo dõi các tình trạng nguy hiểm có thể gây chóng mặt.
Để ý các dấu hiệu ngất xỉu để tránh bị ngã, đặc biệt là trong tam cá nguyệt thứ ba. Không đứng lên đột ngột mà từ từ đứng lên và với tay để được hỗ trợ để tránh bị choáng, đồng thời đảm bảo ngồi thường xuyên, tránh đứng trong thời gian dài.
4. Chóng mặt trong suốt thai kỳ
Có một số nguyên nhân có thể khiến thai phụ bị chóng mặt bất cứ lúc nào trong thai kỳ. Những điều kiện này không liên quan đến giai đoạn mang thai cụ thể nào.
4.1 Thiếu máu
Thai phụ có thể bị giảm số lượng tế bào hồng cầu khỏe mạnh khi mang thai, gây thiếu máu. Điều này xảy ra khi thai phụ không có đủ sắt và axit folic trong cơ thể.
Ngoài chóng mặt, thiếu máu có thể khiến phụ nữ mang thai cảm thấy mệt mỏi, xanh xao hoặc cảm thấy khó thở.
Thai phụ có thể bị thiếu máu bất cứ lúc nào trong thai kỳ, nếu bị xác định thiếu máu, thai phụ có thể xét nghiệm máu trong suốt thai kỳ để đo nồng độ sắt và theo dõi tình trạng bệnh, uống bổ sung sắt hoặc axit folic.
4.2 Mất nước cũng gây chóng mặt khi mang thai
Tình trạng mất nước có thể xảy ra ở bất kỳ thời điểm nào trong thai kỳ. Thai phụ có thể gặp phải tình trạng này trong tam cá nguyệt đầu tiên nếu buồn nôn hoặc nôn. Và có thể gặp phải tình trạng mất nước sau này trong thai kỳ vì cơ thể thai phụ cần nhiều nước hơn.
Phụ nữ mang thai nên uống ít nhất 8 đến 10 cốc nước mỗi ngày trong giai đoạn đầu của thai kỳ và tăng lượng nước đó khi thai phụ bổ sung nhiều calo hơn vào chế độ ăn uống của mình trong tam cá nguyệt thứ hai và thứ ba.
5. Kiểm soát chóng mặt trong thai kỳ
- Có một số cách thai phụ có thể tránh hoặc giảm bớt chóng mặt khi mang thai như hạn chế đứng lâu, đảm bảo tiếp tục di chuyển khi bạn đang đứng để tăng lưu thông, chú ý đứng dậy từ tư thế ngồi hoặc nằm xuống, tránh nằm ngửa trong tam cá nguyệt thứ hai và thứ ba.
- Thường xuyên ăn thức ăn lành mạnh để tránh lượng đường trong máu thấp.
- Uống nhiều nước để tránh mất nước.
- Mặc quần áo thoáng khí, thoải mái.
- Uống thuốc bổ sung và thuốc theo khuyến cáo của bác sĩ để điều trị các tình trạng gây chóng mặt.
6. Khi nào cần liên hệ với bác sĩ?
Thai phụ luôn thông báo cho bác sĩ sản phụ khoa biết về bất kỳ cơn chóng mặt nào mà mình gặp phải khi mang thai. Bằng cách đó, bác sĩ có thể thực hiện các bước cần thiết để chẩn đoán bất kỳ điều kiện nào gây ra triệu chứng.
Nếu chóng mặt đột ngột hoặc dữ dội, hoặc nếu gặp các triệu chứng khác kèm theo chóng mặt, thai phụ cần đến bệnh viện hay cơ sở y tế chuyên khoa ngay lập tức.
Các triệu chứng khi mang thai cần đi khám ngay lập tức khi bị chảy máu âm đạo, đau bụng, sưng tấy nghiêm trọng, tim đập nhanh, đau ngực, ngất xỉu, khó thở, đau đầu dữ dội và các vấn đề về thị lực như mờ mắt, hoa mắt…
Chóng mặt là một triệu chứng phổ biến của thai kỳ và nhiều yếu tố khác nhau có thể gây ra. Để đảm bảo rằng thai phụ và thai nhi đều khỏe mạnh, thai phụ cần phải cho bác sĩ biết nếu đang bị chóng mặt để được xét nghiệm và theo dõi.
Bác sĩ cũng có thể giúp thai phụ giảm triệu chứng, tùy thuộc vào nguyên nhân cơ bản, thai phụ tránh đứng lâu hoặc nằm nghiêng trong thời gian dài và giữ cho cơ thể được nuôi dưỡng bằng thực phẩm lành mạnh và uống nhiều nước có thể giúp bạn giảm bớt tình trạng chóng mặt.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Mất cân bằng giới tính khi sinh