Nguyên nhân gây chán ăn ở người bệnh ung thư, cần làm gì để ăn ngon miệng?

TS.BS. Nguyễn Minh Đức

TS.BS. Nguyễn Minh Đức

20-04-2024 14:51 | Dinh dưỡng

SKĐS - Phần lớn người bệnh ung thư thường có biểu hiện chán ăn, bỏ ăn dẫn đến hao mòn, suy kiệt sức khỏe. Cần làm gì để người bệnh ăn uống ngon miệng, bồi bổ sức khoẻ chống lại bệnh tật?

TS.BS. Nguyễn Minh Đức - bác sĩ chẩn đoán hình ảnh tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cho biết, thông thường khi thấy người thân mắc ung thư người nhà thường cố gắng mua rất nhiều thứ bổ dưỡng như yến sào, nhân sâm, đông trùng hạ thảo, … để bồi bổ nhưng bệnh nhân gần như vẫn chán ăn và không còn tha thiết trước bất kỳ món ngon, độc, lạ, bổ dưỡng xung quanh.

Giải thích lý do này, BS Đức cho rằng nguyên nhân của chán ăn trong ung thư phức tạp hơn chúng ta nghĩ vì bệnh nhân ung thư đang bị các yếu tố sau đây gây ra chán ăn:

  • Lo âu, suy sụp tinh thần, mất ngủ, trầm cảm khi đối diện với ung thư trước bệnh cảnh hiểm nghèo
  • Độc tố do khối u chế tiết ra
  • Di căn não làm bệnh nhân buồn nôn đặc biệt khi ăn.
  • Cơn đau đặc biệt là di căn xương
  • Mệt mỏi – uể oải, thụ động, nằm nhiều
  • Tác động của các thuốc đích, hóa chất hoặc xạ trị làm suy yếu chức năng gan. Đặc biệt sau khi hóa trị thì chưa ăn chỉ cần ngửi mùi đồ ăn là đã buồn nôn và ói dữ dội.
  • Sử dụng nhiều và lâu dài thuốc giảm đau, thuốc gây nghiện, thuốc kháng viêm làm dạ dày bị viêm.
  • Sử dụng quá nhiều thuốc trong đó có thuốc kháng sinh dẫn đến hệ khuẩn ruột bị tiêu diệt và suy yếu.
  • Một số thuốc điều trị ung thư gây tiêu chảy rất nặng.
  • Hệ miễn dịch bị suy yếu do viêm mạn tính.
Nguyên nhân gây chán ăn ở người bệnh ung thư, cần làm gì để ăn ngon miệng?- Ảnh 1.

Chán ăn là dấu hiệu thường gặp ở bệnh nhân ung thư hoặc bệnh nhân đang điều trị ung thư

9 cách khắc phục chán ăn ở người bệnh ung thư

Để khắc phục chứng chán ăn, hao mòn sức khỏe ở người bệnh ung thư, theo BS Đức người bệnh cần thực hiện các điều sau:

  • Tuân thủ điều trị từ các bác sĩ và luôn sống lạc quan, vui vẻ. Cần phơi nắng buổi sớm mai, tập thể dục vừa sức, tập thêm thiền định dịu nhẹ tâm hồn vào buổi sáng và trước khi đi ngủ. Khi muốn đi nằm nhưng không phải giờ nằm hãy cố gắng tập ngồi thiền điều này sẽ giúp tĩnh tại có nguồn năng lượng hơn.
  • Tránh xa các tác nhân gây hại như thuốc lá, rượu, bia. Tránh xa tiếng ồn, vì nếu quá ồn ào cũng làm bạn có cảm giác rất căng thẳng, lóa mắt, choáng váng.
  • Khi thấy có biểu hiện ăn vào là nôn thì nên đi tái khám và nếu cần thì phải chụp cộng hưởng từ (MRI) sọ não để xem có di căn não, màng não không.
  • Khi thấy tình trạng chán ăn kéo dài 2 tuần, tiêu chảy hoặc chán ăn sau khi điều trị hóa chất và xạ trị người bệnh cần cho khám thêm cả chuyên khoa gan mật – tiêu hóa vì rất có thể gan và hệ lợi khuẩn đã bị tổn thương đáng kể. Có thể người bệnh sẽ cần những xét nghiệm chuyên sâu về tiêu hóa và gan mật.
  • Trong thời gian hóa trị, xạ trị cần phải cho người bệnh ăn rất thanh đạm, dịu nhẹ, ăn nhỏ và nhiều bữa, các bữa ăn cần nguội không mùi hương, không bốc khói. Không ăn cá đang bốc khói, có mùi tanh, không cho bệnh nhân ở gần khu nhà bếp. Khi nấu ăn cho bệnh nhân ra xa đặc biệt đừng để bệnh nhân ngửi phải mùi phi hành tỏi, chiên cá, ... Tuyệt đối không ép ăn trở lại khi vừa ói.
Nguyên nhân gây chán ăn ở người bệnh ung thư, cần làm gì để ăn ngon miệng?- Ảnh 2.

Chọn loại thức ăn có vị đậm đà khi cảm thấy nhạt miệng, có thể thêm tỏi, nước chanh, các loại rau mùi, các loại nước sốt, rau mùi, chanh,..

  • Có thể dùng thêm mật ong, yaourt, sô cô la đắng, men uống vi sinh hàng ngày.
  • Ăn bữa ăn vừa sức, thanh đạm, đủ chất nhưng không phải là ăn nhiều, ăn nhiều chất cực bổ, ăn quá no, ăn cố, vì nghĩ là ăn vậy sẽ thắng bệnh ung thư.

Có thể chia nhỏ bữa ăn, 5-6 lần/ngày mỗi bữa cách 2-3 giờ, thay vì tập trung vào 3 bữa chính trong ngày, dùng các loại thức ăn giàu dinh dưỡng và để nơi dễ lấy. Trong bữa ăn cần tránh ăn thịt đỏ, ăn nhiều chất rau xanh đậm, uống thêm trà xanh, nước ép trái lựu. 

Chọn loại thức ăn có vị đậm đà khi bạn cảm thấy nhạt miệng, có thể thêm tỏi, nước chanh, các loại rau mùi, các loại nước sốt, rau mùi, chanh, gừng, tỏi, đậu nành...Điều quan trọng là phải ăn đủ calo. Lựa chọn thực phẩm giàu calo có thể hữu ích, ví dụ: mì ống, gạo, bánh mì, khoai tây, dầu, quả hạch, hạt hạnh nhân, chuối…

  • Người bệnh ung thư cần giữ ấm cơ thể, cần đi tiêm ngừa cúm và phế cầu đầy đủ và lặp lại theo chỉ dẫn của bác sĩ lâm sàng.
  • Có thể người bệnh ung thư cần sự tư vấn tâm lý hoặc được khám chuyên khoa thần kinh nhằm có biện pháp điều trị tình trạng đau, mất ngủ, lo âu – trầm cảm.

Ngoài ra, người thân khi vừa đi chốn đông người như chợ, siêu thị, trường học, công ty, bệnh viện nên rửa tay và tắm sạch trước khi tiếp xúc, xà vào ôm và thể hiện yêu thương với người bệnh ung thư. Vì lúc này hệ vi khuẩn trên người mạnh rất khác với hệ vi khuẩn của người ung thư.

Tóm lại: Chán ăn ở bệnh nhân ung thư không chỉ là một triệu chứng đơn lẻ mà là hậu quả của một vòng lẩn quẩn, mệt mỏi, khô miệng, lở miệng, nhiễm trùng – buồn nôn, nôn – tiêu chảy/ táo bón – chán ăn. 

Chăm sóc bệnh nhân ung thư cần có một sự chu đáo tinh tế để nhận ra các dấu hiệu bất thường cần chăm sóc y tế để cải thiện thể trạng chung của bệnh nhân và không ảnh hưởng đến điều trị ung thư.

Cuối cùng, điều quan trọng nhất chính là bệnh nhân nên chia sẻ những khó khăn của mình trong quá trình điều trị với bác sĩ điều trị để được có lời khuyên cụ thể cho từng giai đoạn của điều trị.

Đau xương khớp kéo dài, cảnh giác với ung thư phổi di cănĐau xương khớp kéo dài, cảnh giác với ung thư phổi di căn

SKĐS - Theo các bác sĩ Bệnh viện K, mọi người không nên chủ quan với biểu hiện đau xương khớp, đau cột sống nhất là khi dùng thuốc giảm đau không đỡ hoặc kèm theo tê bì, yếu chi thì nên cảnh giác hơn về bệnh lý nghiêm trọng chứ không phải thoái hóa.

Khánh Mai (Thực hiện)
Ý kiến của bạn
Tags: