Nguyên nhân gây bệnh gan mạn tính ở trẻ em

30-04-2022 09:55 | Bệnh trẻ em
google news

SKĐS - Nhờ có tiêm phòng viêm gan B ở trẻ nhỏ mà tỷ lệ nhiễm HBV đã giảm trong những năm vừa qua. Tuy nhiên, một số lượng đáng kể ở trẻ vẫn còn bị nhiễm. Người mang HBV mạn tính có nguy cơ phát triển ung thư biểu mô tế bào gan đến 25% và tỷ lệ xơ gan là 2 - 3% mỗi năm.

Bệnh gan ở trẻ em: Nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng bệnhBệnh gan ở trẻ em: Nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng bệnh

SKĐS - Bệnh gan thường gặp ở người lớn, tuy nhiên ở trẻ cũng gặp phải thường do các bệnh bẩm sinh hoặc rối loạn chuyển hóa. Trẻ mắc phải căn bệnh này ngày một nhiều hơn và đang là nỗi lo lắng cho cả giới y khoa. Chính vì vậy, hiểu về viêm gan ở trẻ em có thể phòng tránh được những hệ lụy sau này.

1. Nguyên nhân dẫn đến bệnh gan mạn tính ở trẻ

Bệnh gan mạn tính ở trẻ em đa dạng và khác người lớn. Trong đó, các căn nguyên gây bệnh gan mạn tính do rối loạn chuyển hóa di truyền và bệnh đường mật bẩm sinh chiếm đa số. Phát hiện sớm trẻ mắc bệnh gan mạn tính sẽ giúp nâng cao hiệu quả điều trị và hạn chế các biến chứng của bệnh.

Một số nguyên nhân gây bệnh gan mạn tính ở trẻ: 

- Viêm gan mạn do virus: Ở trẻ em viêm gan do các loại virus, trong đó có viêm gan B, virus viêm gan C, virus viêm gan D, viêm gan do các virus thuộc nhóm TORCH như Cytomegalovirus, Rubella...

- Viêm gan tự miễn: Giống như viêm gan tự miễn ở người trưởng thành, viêm gan tự miễn ở trẻ em là một bệnh tự miễn, trong đó hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công vào tế bào gan. Tuy nhiên, đối với trẻ em thường gặp các thể viêm gan tự miễn Type 1, Type 2.

- Viêm gan mạn do thuốc và nhiễm độc: Nếu trẻ mắc bệnh phải điều trị, dùng thuốc kéo dài và nhiễm độc có thể là nguyên nhân dẫn đến bệnh gan mạn tính. Các thuốc điều trị ung thư, thuốc kháng động kinh, thuốc chống lao… có thể có nguy cơ dẫn đến bệnh gan mạn tính. Nếu trẻ tiếp xúc môi trường nhiễm độc các kim loại nặng: Đồng, chì, thủy ngân, asen; chất phóng xạ… cũng có thể dẫn đến bệnh gan mạn tính.

- Các bệnh rối loạn chuyển hóa di truyền: Một số các bệnh rối loạn chuyển hoá di truyền có thể gây tổn thương gan mạn tính kéo dài như Wilson, bệnh xơ nang, Galactosemia…

Ngoài ra, nghiên cứu còn thấy vàng da ứ mật tiến triển có tính chất gia đình chiếm tỷ lệ 2% ở trẻ mắc bệnh gan mạn tính. Bệnh có thể diễn biến từng đợt, một số trường hợp có chỉ định ghép gan do các biến chứng của tình trạng tổn thương gan mạn tính.

Nguyên nhân gây bệnh gan mạn tính ở trẻ em - Ảnh 2.

Căn nguyên gây bệnh gan mạn tính là do rối loạn chuyển hóa di truyền và bệnh đường mật bẩm sinh.

2. Dấu hiệu nhận biết bệnh gan mạn tính ở trẻ em

Bệnh gan mạn tính ở trẻ thường diễn biến âm thầm, viêm gan mạn tính thể tồn tại thường chỉ phát hiện được bằng xét nghiệm cận lâm sàng. Triệu chứng lâm sàng như vàng da, sốt…chỉ gặp trong đợt cấp hoặc viêm gan mạn tính thể tấn công.

Gan to chắc hoặc gan teo. Lách to kèm theo các triệu chứng tăng áp lực tĩnh mạch cửa.

Triệu chứng ngoài gan: Đau khớp, viêm đa khớp, giãn mạch hình sao, lòng bàn tay son (là sự đỏ lên đối xứng của mặt gan bàn tay, đặc biệt ở mô ngón cái và ngón út. Có thể biểu hiện lốm đốm hay mất đi khi ấn vào. Không đau, ngứa hay bong tróc da. Có thể thấy ở mặt gan các ngón tay và các đốt ngón gần). Ngoài ra, các biểu hiện khác như: Sạm da, viêm cầu thận, viêm nút quanh động mạch, các bất thường vận động ngoại tháp ở các bệnh nhân Wilson...

3. Chẩn đoán bệnh gan mạn tính ở trẻ

Khi có biểu hiện nghi ngờ, các bác sĩ sẽ chỉ định chẩn đoán và làm các xét nghiệm chuyên biệt. Chẩn đoán giai đoạn và thể viêm gan mạn dựa vào diễn biến lâm sàng, cận lâm sàng và đặc điểm mô bệnh học. Chẩn đoán nguyên nhân gây bệnh dựa vào các xét nghiệm sinh hoá, di truyền phân tử và mô bệnh học.

Ngày nay, nhờ các tiến bộ của y học đã có thể tiếp cận chẩn đoán các căn nguyên gây bệnh do bất thường chuyển hoá di truyền và các bất thường về giải phẫu. Tuy nhiên, do biểu hiện âm thầm nên nhiều bệnh nhân mắc bệnh gan mạn ở trẻ được chẩn đoán và phát hiện bệnh khi đã có các triệu chứng hoặc biến chứng của xơ gan.

Nguyên nhân gây bệnh gan mạn tính ở trẻ em - Ảnh 4.

Bệnh gan mạn tính ở trẻ thường diễn biến âm thầm.

4. Điều trị bệnh gan mạn tính ở trẻ em

Tùy theo từng cá nhân, giai đoạn bệnh, mức độ tổn thương gan mà các bác sĩ sẽ chỉ định điều trị cho phù hợp. Tuy nhiên, nguyên tắc điều trị là điều trị nguyên nhân gây viêm gan mạn tính, hạn chế các biến chứng của viêm gan mạnh. Điều trị hỗ trợ, nâng cao thể trạng… Cụ thể:

- Nếu viêm gan mạn do virus:

Điều trị viêm gan mạn virus làm dừng sự nhân lên của virus, hạn chế các tổn thương sinh học và mô học, giảm thiểu các biến chứng. Sử dụng thuốc kháng virus khi đủ tiêu chuẩn điều trị. Lựa chọn các thuốc cho bệnh nhân viêm gan B mạn tính tiến triển tuỳ độ tuổi, thể bệnh được sử dụng cho các trường hợp viêm gan mạn tính do tác dụng ức chế RNA của virus, tăng hoạt tính kháng virus và gia tăng đáp ứng miễn dịch tế bào và kích thích hoạt động của Lympho T.

- Nếu là viêm gan tự miễn:

Việc sử dụng các loại thuốc nhằm hạn chế sự hủy hoại tế bào gan, thuyên giảm các triệu chứng trên lâm sàng, ổn định các xét nghiệm sinh hóa và mô học. Mục tiêu cuối cùng là duy trì sự ổn định của bệnh và không cần điều trị bằng thuốc.

- Nếu là viêm gan mạn do các bệnh rối loạn chuyển hóa :

Việc điều trị thích hợp là vô cùng quan trọng. Viêm gan mạn trong Wilson ngoài việc sử dụng thuốc trong điều trị, hạn chế sử dụng các thức ăn có chứa nhiều đồng và điều trị triệu chứng.

- Điều trị viêm gan mạn do thuốc, độc tố:

Giảm tối đa việc tiếp xúc với các nguy cơ gây độc tố, dùng thuốc theo đúng chỉ định của các bác sĩ.

Nguyên nhân gây bệnh gan mạn tính ở trẻ em - Ảnh 5.

Để phòng tránh bệnh gan mạn ở trẻ cần tiêm chủng đầy đủ viêm gan B cho trẻ sơ sinh theo khuyến cáo của Bộ Y tế.

5. Hệ lụy do viêm gan mạn tính ở trẻ em và cách phòng tránh

 Viêm gan mạn tính nếu không được điều trị hợp lý sẽ gây nhiều biến chứng như xơ gan, tăng áp lực mạch cửa, hội chứng gan tim, hội chứng gan phổi... Các ảnh hưởng về rối loạn phát triển thể chất, ảnh hưởng tới phát triển tâm lý, kết quả học tập và chất lượng cuộc sống của trẻ nhỏ.

Việc tiên lượng viêm gan mạn tính phụ thuộc vào các yếu tố, trong đó nguyên nhân gây tổn thương gan mạn tính thường có tiên lượng tốt nếu được phát hiện và điều trị kịp thời.

Các trường hợp tổn thương gan mạn tính do nguyên nhân rối loạn chuyển hoá di truyền như Wilson cần thời gian điều trị và theo dõi bệnh lâu dài.

Tiên lượng của các tổn thương gan mạn tính do thuốc và độc chất tùy thuộc vào loại tổn thương, thời gian gây tổn thương và mức độ nặng. Chính vì vậy, phát hiện tình trạng tổn thương gan mạn tính càng sớm, điều trị càng có hiệu quả và có tiên lượng tốt sau điều trị.

Nếu có nhiều đợt viêm gan mạn tính tiến triển thường sẽ có tiên lượng nặng và để lại hậu quả lâu dài sau mỗi đợt cấp tính. Các biến chứng đã có do tình trạng viêm gan mạn tính: Xơ gan, tăng áp lực tĩnh mạch cửa… làm tăng mức độ nặng của bệnh và nguy cơ tử vong

Để phòng tránh bệnh gan mạn ở trẻ, cần hạn chế nguy cơ gây tổn thương gan mạn tính do thuốc và độc chất. Không sử dụng thuốc, thực phẩm không đảm bảo chất lượng. Cần tiêm chủng đầy đủ viêm gan B cho trẻ sơ sinh theo khuyến cáo của Bộ Y tế.

Ngoài ra, cần cho trẻ ăn đủ chất dinh dưỡng, đủ các nhóm thực phẩm như đạm, tinh bột, chất béo, vitamin và khoáng chất cần thiết. Môi trường sống của trẻ cần được vệ sinh sạch sẽ, tránh xa nguồn bệnh. Thường xuyên cho trẻ vận động ngoài trời để thích nghi với thời tiết và tăng khả năng phòng bệnh. Khi có biểu hiện nghi ngờ cần cho trẻ tới cơ sở y tế có chuyên khoa tiêu hóa gan mật để được tư vấn và điều trị.

Mời độc giả xem thêm video:

Mối nguy hại khi trẻ em xem tivi quá nhiều và cách khắc phục


BS Nguyễn Văn Dũng
Ý kiến của bạn