Hà Nội

Nguyên nhân gặp ác mộng

27-02-2019 16:46 | Phòng mạch online
google news

SKĐS - Tôi đã ngoài 50 tuổi, nhiều năm nay tôi hay bị gặp ác mộng khi ngủ (kể cả ngày và đêm) dù trước khi ngủ tôi không nghĩ hay xem bất cứ thứ gì gây ác mộng.

Xin bác sĩ cho biết, nếu thường xuyên bị ác mộng như thế có ảnh hưởng đến não sau này không?

Nguyễn Thị Thu (Thái Bình)

Ác mộng là những giấc mơ khó chịu, thường xảy ra vào ban đêm (đôi khi là ban ngày) khi đang ngủ. Ác mộng thường đáng sợ, gây lo lắng và khiến người gặp ác mộng bị mất ngủ. Ác mộng được chia thành hai dạng. Dạng thứ nhất là ác mộng lặp đi lặp lại nhiều lần với cùng một cảnh giống nhau.

Dạng thứ hai là gặp ác mộng mỗi lần một kiểu khác nhau. Nguyên nhân của cơn ác mộng rất đa dạng: Đó có thể là do trạng thái thể chất suy giảm, do căng thẳng tột độ, do trải qua các sang chấn tinh thần, trầm cảm; quá tức giận, đau khổ, vui sướng; sốt và bệnh tật, do tác dụng phụ của một vài loại thuốc... nhưng cũng có khi chỉ đơn giản là do thiếu ngủ hay trạng thái bất thường, không thoải mái khi ngủ, ăn quá sát giờ đi ngủ dẫn đến cung cấp nhiều năng lượng cho não làm não hoạt động tích cực hơn ngay cả khi ngủ... Ngoài ra, việc tỉnh giấc giữa đêm thường khiến người mơ mệt mỏi và cả ngày luôn nghĩ đến nó. Nỗi lo có thể gây ra nhiều cơn ác mộng về đêm hơn. Đó là một vòng luẩn quẩn mà nhiều người chưa phá vỡ được.

Để tránh các cơn ác mộng, điều đầu tiên là tránh các nguyên nhân gây ra ác mộng. Bạn nên kiểm tra các thuốc đang dùng, kiểm tra phòng ngủ xem có thông thoáng và dễ chịu không; hạn chế ăn khuya... Bên cạnh đó, bạn nên tập thể dục thường xuyên. Chú ý tới môn yoga và thiền. Các bài tập thở cũng hết sức hữu ích trong việc chế ngự các cơn ác mộng. Nếu bạn vẫn lo lắng đối với việc liên tục bị ác mộng, hãy đến gặp bác sĩ tâm thần để được tư vấn và chữa trị thích hợp.


BS. Nguyên Diễn
Ý kiến của bạn