Nguyên nhân dẫn đến sốc ở bệnh sốt xuất huyết Dengue

05-04-2023 15:18 | Bệnh thường gặp

SKĐS- Sốt xuất huyết là loại bệnh truyền nhiễm do virus Dengue gây ra. Sốt xuất huyết Dengue hầu hết là nhẹ nhưng có một số bị sốc sốt xuất huyết rất nguy kịch, nếu không cấp cứu kịp thời có thể tử vong.

1. Triệu chứng của sốt xuất huyết Dengue

Khi bị sốt xuất huyết Dengue, sau thời kỳ ủ bệnh, người bệnh thường trải qua ba giai đoạn: 

- Giai đoạn đầu tiên là sốt (thường là sốt cao) dẫn tới mất nước, cơ thể mệt mỏi, rã rời, bắt đầu xuất hiện các nốt ban đỏ và một vài trường hợp bị xuất huyết gây chảy máu cam hoặc chảy máu chân răng...

- Giai đoạn thứ hai: biểu hiện là sốt giảm dần, có thể là hết sốt nhưng các nốt ban lại mọc dày thêm, hiện tượng ngứa, khó chịu xuất hiện và cơ thể mệt mỏi nặng hơn, một số người có thể rơi vào trạng thái li bì, không muốn ăn uống. Những trường hợp nặng hơn có thể vẫn tiếp tục chảy máu cam, thậm chí cả tiểu ra máu, kinh nguyệt kéo dài, rong kinh (phụ nữ). Lúc này, nếu không được khắc phục kịp thời, có thể rơi vào tình trạng xuất huyết não, xuất huyết dạ dày, viêm gan, viêm cơ tim,... và nguy hiểm nhất là có thể sốc sốt xuất huyết Dengue.

- Giai đoạn thứ ba: cơ thể hồi phục dần, lúc này, các nốt ban sẽ không nổi thêm nữa và vết cũ mờ dần đi, sự khó chịu theo đó cũng giảm, cơ thể bớt mệt mỏi và cảm giác muốn ăn, thèm ăn, ăn thấy ngon miệng. 


Nguyên nhân dẫn đến sốc ở bệnh sốt xuất huyết Dengue - Ảnh 1.

Sốc sốt xuất huyết Dengue rất hay gặp ở trẻ em.

2. Sốc sốt xuất huyết Dengue là gì?

Một trong những biến chứng nguy hiểm của bệnh sốt xuất huyết Dengue là khi người bệnh bị sốc sốt xuất huyết Dengue, nhất là trẻ nhỏ. Lúc này người bệnh sẽ thể hiện triệu chứng lâm sàng gồm ba tình trạng suy giảm, đó là giảm tri giác, giảm thân nhiệt và giảm huyết áp; lúc này nếu được xét nghiệm máu sẽ thấy lượng tiểu cầu giảm mạnh (dưới 100.000/mm3) và trong trường hợp bệnh nặng có thể bị rối loạn đông máu rất nguy kịch, đặc biệt có thể trẻ bị suy hô hấp, suy đa tạng... rất dễ dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện, chữa trị kịp thời.

3. Khi nào sốc sốt xuất huyết Dengue có thể xảy ra?

Sốc sốt xuất huyết Dengue là một thể bệnh thường xảy ra trong lần nhiễm trùng sau, nghĩa là khi trẻ em hoặc người lớn đã có miễn dịch chống virus Dengue chủ động. Miễn dịch chủ động này (kháng thể kháng virus Dengue) có được là do đã từng mắc bệnh sốt xuất huyết Dengue hoặc miễn dịch thụ động do mẹ truyền kháng thể kháng virus Dengue sang cho con.

Sốc sốt xuất huyết Dengue thường xuất hiện nặng, đột ngột sau 2-5 ngày khi người bệnh bắt đầu hạ sốt. Thông thường sốt xuất huyết Dengue trong ba ngày đầu tiên, bệnh nhân thường sốt cao, đến ngày thứ tư, sốt sẽ giảm nhưng có thể xuất hiện hai tình trạng, đó là giảm tiểu cầu máu gây xuất huyết và tăng tính thấm thành mạch gây thoát mạch (thoát huyết tương). 

Khi thoát mạch quá nhiều sẽ gây mất thể tích huyết tương trong lòng mạch, khiến bệnh nhân có thể rơi vào tình trạng bị sốc. 

Đây là lý do gây sốc sốt xuất huyết Dengue chứ không phải nguyên nhân chính gây sốc là sốt làm mất nước và chất điện giải, có chăng thì sốt làm mất nước và chất điện giải góp phần làm cho sốc sốt xuất huyết Dengue nặng thêm.

Thông thường sốc sốt xuất huyết Dengue nặng là khi trẻ có một trong các biểu hiện như thoát huyết tương nặng dẫn đến giảm thể tích máu gây nên sốc sốt xuất huyết Dengue và có thể làm ứ dịch nhiều ở khoang màng phổi, ổ bụng và xuất huyết nặng, suy tạng rất nguy hiểm cho tính mạng người bệnh…

4. Nên làm gì để hạn chế sốc xuất huyết Dengue?

Nguyên nhân dẫn đến sốc ở bệnh sốt xuất huyết Dengue - Ảnh 3.

Cần theo dõi chặt chẽ bệnh nhân khi bị sốt xuất huyết Dengue.

Khi bị sốt xuất huyết Dengue, người bệnh có thể trải qua nhiều giai đoạn với những triệu chứng, dấu hiệu riêng. Trong đó, có những giai đoạn các triệu chứng lâm sàng thoái lui nhưng tiểu cầu bắt đầu giảm một cách âm thầm, khiến người bệnh hoặc người nhà người bệnh tưởng rằng đã khỏi bệnh, dẫn đến chủ quan. Vì thế, không ít người vẫn hoang mang tự hỏi sốt xuất huyết vì sao khỏe rồi lại trở nặng, thậm chí tử vong. 

Thực ra, hiện tượng sốt xuất huyết vì sao khỏe rồi lại có thể trở nặng là do sự giảm sút nhiều của tiểu cầu cũng như sự thoát nhiều huyết tương làm cho bệnh nặng thêm và có thể tử vong nếu không phát hiện kịp thời và chữa trị tích cực. Ở giai đoạn này, tiểu cầu của bệnh nhân bắt đầu giảm dần một cách âm thầm nhưng không biểu hiện ra ngoài nên người bệnh và người nhà người bệnh không thể phát hiện được mà phải xét nghiệm máu mới có thể biết được.

Vì vậy để phòng sốc sốt xuất huyết Dengue thì sau khi hết sốt, cần theo dõi chặt chẽ thêm khoảng 1 tuần và lưu ý tới tất cả các dấu hiệu không bình thường khác có thể diễn ra với cơ thể như: hiện tượng xuất huyết dưới da, chảy máu chân răng, chảy máu cam vẫn còn hay đã hết, với những phụ nữ đến tháng, có thể gặp tình trạng rong kinh, rong huyết, băng kinh,.... thậm chí ra máu kinh khi chưa đến kỳ.... Chú ý xem có đau bụng hoặc đi ngoài phân vàng hay có màu đen...  

Hãy chú ý xem người bệnh có hiện tượng li bì hoặc có khó thở hoặc mất ý thức hay có hiện tượng co giật hay không? Nếu thấy có những dấu hiệu bất thường nào cần đưa bệnh nhân đến viện ngay để được chữa trị kịp thời.

Những điều có thể bạn chưa biết về sốt xuất huyết DengueNhững điều có thể bạn chưa biết về sốt xuất huyết Dengue

SKĐS - Rất nhiều bí ẩn liên quan đến Số xuất huyết Dengue ít được đề cập, trong số này có những thắc mắc vừa được trang tin Researchgate.net (RN) của Đức cập nhật.

Mời xem video nhiều người quan tâm:

Dự Báo Thời Tiết Ngày 4/4: Hà Nội Mưa Phùn Rải Rác, Miền Nam Nắng Nóng Gay Gắt | SKĐS

PGS.TS.BS Bùi Khắc Hậu
Ý kiến của bạn