Nguyên nhân của bệnh tâm thần phân liệt

30-12-2022 16:21 | Y học 360

Tâm thần phân liệt (TTPL) là một trong những bệnh loạn thần nặng và khá phổ biến, bệnh có xu hướng tiến triển ngày càng nặng và trở nên mạn tính. Trong môi trường xã hội phát triển, bệnh tâm thần phân liệt đã xuất hiện ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có nước ta.

I. Tâm thần phân liệt là gì?

Bệnh chủ yếu ghi nhận ở những người còn rất trẻ, phần lớn các trường hợp mắc bệnh đều bắt đầu từ 15 - 25 tuổi. Nhiều người bệnh bị bệnh từ khi còn rất trẻ và kéo dài suốt cả cuộc đời. Biểu hiện của tâm thần phân liệt là những ý nghĩ sai lệch, không phù hợp của người bệnh, người khác không thể giải thích cho người bệnh hiểu được khi nào là đúng, sai. Người bệnh tâm thần phân liệt thường có hoạt động kỳ dị, lạ lùng do hoang tưởng, cảm xúc nghèo nàn.

Nguyên nhân của bệnh tâm thần phân liệt - Ảnh 1.

Hoang tưởng bị hại là một triệu chứng của loạn thần cấp

Trong thời gian bị bệnh, người bệnh thường trở nên xa lánh những người khác, ít nói chuyện với người thân, trở nên trầm tư, lo âu hoặc hay sợ hãi, thậm chí là hoang tưởng nặng. Bệnh không phụ thuộc vào yếu tố giới tính, thời gian, nền văn hoá, chủng tộc, châu lục. Tuổi khởi phát ở nam sớm hơn ở nữ (nam 15 -25 tuổi, nữ 35 – 45 tuổi). Tiên lượng ở nam kém hơn ở nữ.

II. Nguyên nhân của bệnh tâm thần phân liệt ?

Các chuyên gia từ lâu đã tranh luận về nguyên nhân gây ra bệnh tâm thần phân liệt, bao gồm cả việc liệu bệnh tâm thần phân liệt có di truyền hay không. Dường như không phải chỉ có một nguyên nhân gây ra bệnh tâm thần phân liệt.

Nguyên nhân của bệnh tâm thần phân liệt - Ảnh 2.

Người bệnh xa lánh xã hội và thường cảm thấy buồn chán

1. Di truyền và sinh học

Do di truyền:

Những người có thành viên trong gia đình có triệu chứng tâm thần phân liệt thì khả năng bản thân họ xuất hiện triệu chứng tâm thần phân liệt sẽ cao hơn. Tuy nhiên, vì sự góp phần của di truyền vào xác suất có tâm thần phân liệt rất phức tạp, nên không phải tất cả những ai có thành viên trong gia đình có tâm thần phân liệt đều sẽ được chẩn đoán tương tự. Những người có cha hoặc mẹ hoặc anh chị em mắc bệnh tâm thần phân liệt có nguy cơ mắc bệnh tâm thần phân liệt cao hơn khoảng 6 lần so với dân số chung.

Mối liên kết gia đình thể hiện rõ nhất ở những cặp song sinh giống hệt nhau. Nếu một cặp song sinh được chẩn đoán mắc bệnh tâm thần phân liệt, thì người còn lại cũng có khả năng mắc bệnh lên đến trên 40%.

Do vấn đề sinh học:

Các vấn đề liên quan tới một số hóa chất trong não có thể làm tăng nguy cơ phát triển bệnh tâm thần phân liệt. Những hóa chất này, được gọi là chất dẫn truyền thần kinh, giúp các tế bào não ở các phần khác nhau của não giao tiếp với nhau. Các nhà nghiên cứu đã liên hệ việc tiếp xúc với một số loại virus hoặc suy dinh dưỡng trong bụng mẹ với bệnh tâm thần phân liệt. Một số nghiên cứu khoa học cho thấy rằng việc sử dụng các loại ma túy làm thay đổi tâm trí, đặc biệt là cần sa, đặc biệt là trong độ tuổi thanh thiếu niên và đầu tuổi trưởng thành, có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tâm thần phân liệt.

Phơi nhiễm trước khi sinh:

- Nhiễm virus: nếu người mẹ bị nhiễm trùng khi mang thai, đứa trẻ sinh sẽ có khả năng có tâm thần phân liệt cao hơn.

- Tương kỵ Rhesus: nếu người mẹ có nhóm máu Rh+ mang thai nhi Rh- (hoặc ngược lại), thì nguy cơ có tâm thần phân liệt có thể tăng.

- Các biến chứng khi mang thai và khi sinh: quá trình mang thai và sinh nở có thể gặp rất nhiều biến chứng liên quan đến tâm thần phân liệt.

- Thiếu dinh dưỡng sớm: thai nhi suy dinh dưỡng sẽ dễ có tâm thần phân liệt.

- Căng thẳng ở người mẹ: nếu người mẹ bị căng thẳng tột độ khi mang thai ba tháng đầu tiên hoặc ba tháng thứ hai, trẻ sinh ra có nhiều khả năng có tâm thần phân liệt.

2. Bất thường về cấu trúc, chức năng não và suy giảm nhận thức:

Các nghiên cứu cho thấy người có tâm thần phân liệt có tiền sử IQ thấp hơn bình thường, có vấn đề về cảm xúc, chậm phát triển, có điểm bất thường về não, v.v.

3. Yếu tố tâm lý xã hội và văn hóa

Môi trường gia đình: Mặc dù môi trường gia đình không gây ra tâm thần phân liệt nhưng nó là một yếu tố rủi ro nếu bạn vốn có nguy cơ di truyền. Những cá nhân có nguy cơ di truyền sống trong môi trường gia đình không lành mạnh dễ dẫn đến tâm thần phân liệt hơn những cá nhân có nguy cơ di truyền sống trong môi trường gia đình lành mạnh. Ngoài ra, việc một thành viên trong gia đình có tâm thần phân liệt có thể ảnh hưởng đến các mối quan hệ tương quan trong gia đình.

Nhập cư: Theo thống kê, những người mới nhập cư có khả năng có tâm thần phân liệt cao hơn.

Sống ở thành thị: Sống ở thành thị làm tăng nguy cơ có tâm thần phân liệt.

Sử dụng và lạm dụng cần sa/ma túy: Những người sử dụng các chất kích thích thường xuyên trong độ tuổi thanh thiếu niên có nhiều khả năng có triệu chứng tâm thần phân liệt. Những người có tâm thần phân liệt có khả năng sử dụng cần sa cao gấp đôi bình thường.

Mặc dù tâm thần phân liệt là không thể chữa khỏi hoàn toàn nhưng với việc sử dụng thuốc, người bệnh có thể được kiểm soát tốt các triệu chứng và có thể hòa nhập với cộng đồng, đi học và lao động bình thường. Hiệu quả điều trị của người bệnh phụ thuộc vào mức độ đáp ứng với thuốc điều trị và loại thuốc mà người bệnh sử dụng. Để người bệnh đáp ứng tốt và hòa nhập tốt hơn, người bệnh nên được sử dụng các thuốc có hiệu quả phổ rộng trên cả triệu chứng dương tính và âm tính. Trong những năm gần đây, nhiều loại thuốc chống loạn thần thế hệ mới nhất đã ra đời với tác dụng không mong muốn được hạn chế hơn, cho hiệu quả điều trị toàn diện, giúp mở ra hướng điều trị mới cho người bệnh không những trên triệu chứng dương tính, mà còn trên triệu chứng âm tính và nhận thức trên người bệnh qua đó giúp người bệnh tâm thần vẽ nên sắc màu cuộc sống tươi sáng hơn!

Nguyên nhân của bệnh tâm thần phân liệt - Ảnh 3.

Người bệnh nếu tuân thủ điều trị, hoàn toàn có thể hòa nhập cộng đồng

 


PV
Ý kiến của bạn