Nguyễn Ngọc Tư: nhìn từ đỉnh cao văn chương 2008

04-02-2009 09:04 | Văn hóa – Giải trí
google news

Trường hợp nữ nhà văn trẻ Nguyễn Ngọc Tư đoạt nhiều giải thưởng văn chương trong nước và quốc tế, mà đỉnh cao là Giải thưởng văn học ASEAN- 2008,

Đối với văn chương Việt Nam, Giải thưởng văn học quốc tế ASEAN là giải thưởng cao quý nhất, là đỉnh cao của vinh quang, nhưng có sự vinh quang nào lại không kèm theo những vị đắng của nó. Trường hợp nữ nhà văn trẻ Nguyễn Ngọc Tư đoạt nhiều giải thưởng văn chương trong nước và quốc tế, mà đỉnh cao là Giải thưởng văn học ASEAN- 2008, đã hé lộ cho chúng ta thấy một phần sự thật nghiệt ngã trong sự nghiệp văn chương của chị.

Đường tới đỉnh vinh quang

Kể từ năm 1996, truyện ngắn đầu tay Đổi thay của Nguyễn Ngọc Tư được đăng trên tờ báo tỉnh đã tạo cho cô nhân viên tạp vụ ở Văn phòng Hội Văn nghệ Cà Mau một cú hích, như là định mệnh, dẫn dắt cô bé nông dân Nam Bộ “xịn” này đi theo con đường văn nghiệp lúc nào, mà ngay chính cô cũng không hay. Thế rồi, thời gian qua mau, trong 12 năm có lẻ, gia tài văn chương của Ngọc Tư đã lên đến khoảng hơn 200 truyện ngắn, tản văn, bút ký và 10 đầu sách. Chỉ với ngần ấy thôi, Ngọc Tư đã làm cho rất nhiều bậc lão thành trong làng văn và những nhà văn thành danh phải thèm thuồng, trầm trồ và ngưỡng mộ về sức viết của cô gái đất Mũi này.

Truyện ngắn Ngọn đèn không tắt của Nguyễn Ngọc Tư đã đoạt Giải Nhất cuộc vận động sáng tác Văn học tuổi 20 lần II, năm 2000, do Báo Văn nghệ và Bộ Giáo dục & Đào tạo phát động. Tiếp đến tác phẩm này của cô đã nhận được Giải B của Hội Nhà văn Việt Nam, năm 2001, Giải thưởng của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn Học - Nghệ Thuật Việt Nam, năm 2001. Đến năm 2003, Nguyễn Ngọc Tư là một trong mười nhà văn trẻ xuất sắc tiêu biểu của năm 2002. Năm 2006, với truyện ngắn Cánh đồng bất tận, Ngọc Tư nhận Giải thưởng của Hội nhà văn Việt Nam năm 2006. Mới đây, tập truyện ngắn mang tên Cánh đồng bất tận và truyện ngắn Cuối mùa nhan sắc do Hội Nhà văn Việt Nam đề cử, đã được dịch sang tiếng Anh và nhận Giải thưởng văn học quốc tế ASEAN tại Thái Lan, tháng 10/2008.

Có thể nói, so với các bậc đàn anh như Tố Hữu (1996), Ma Văn Kháng (1998), Hữu Thỉnh (1999), Nguyễn Khải (2000), Nguyễn Đức Mậu (2001), Nguyễn Kiên (2002), Bằng Việt (2003), Đỗ Chu (2004), Inrasara (2005), Lê Văn Thảo (2006), Trần Văn Tuấn (2007) thì con đường tới đỉnh vinh quang của Ngọc Tư khá chóng vánh và bằng phẳng. Từ cái được coi là “hiện tượng Nguyễn Ngọc Tư”, đã không ít nhà văn, nhà lý luận, phê bình văn học, các bản báo,... tốn không ít giấy mực, công sức luận bàn, chủ yếu là để khẳng định một tài năng văn chương của nước nhà. Kể ra như thế cũng là một việc cần và đáng làm. Qua hàng chục bài viết, nhiều cuộc bàn thảo khắp trong Nam, ngoài Bắc và cả quốc tế đã bao trùm lên văn đàn Việt Nam một bầu không khí choáng ngợp trước một “hiện tượng Nguyễn Ngọc Tư”. Thậm chí còn có những ý kiến cho rằng Vũ Trọng Phụng với tác phẩm Số đỏ, Nguyễn Huy Thiệp với một số truyện ngắn như Phẩm tiết, Vàng lửa, Muối của rừng, Con gái Thủy thần..., Bảo Ninh với Nỗi buồn chiến tranh và Nguyễn Ngọc Tư với Cánh đồng bất tận, chị là người thứ tư, đã đưa văn học nước ta “ra biển lớn”, hội nhập vào trong không gian văn học thế giới một cách ngang ngửa (?!) Đây là một ý kiến táo bạo cần được bàn luận thêm.

Vị đắng đầu đời của một sự nghiệp

Sau khi Cánh đồng bất tận ra mắt công chúng ít lâu, Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Cà Mau đã yêu cầu Hội Văn nghệ tỉnh này kiểm điểm Nguyễn Ngọc Tư với lý do là dám nói lên sự thật về cuộc sống lam lũ, đói khát, cùng quẫn và có phần bặm trợn của những con người vùng đất cực Nam của Tổ quốc. Như vậy là Tư đã nói xấu, bôi nhọ quê hương. Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư cần phải chịu hình thức kỷ luật thỏa đáng... Thế rồi, trước sự ủng hộ của dư luận, sự lên tiếng của những người có trách nhiệm đối với sự phát triển của nền văn học nước nhà, mọi việc cũng qua đi mau chóng. Có lẽ vì thế mà tập truyện ngắn mang tên Cánh đồng bất tận của Ngọc Tư được coi là hiện tượng “hot” trên văn đàn Việt, với số lượng bán ra hàng chục ngàn bản và là tác phẩm “best seller” nhất trong một thời gian khá dài. Dù vậy, đây có thể coi là vị đắng đầu tiên mà Ngọc Tư từng phải nếm trải trên con đường chinh phục đỉnh cao vinh quang.

Sau khi Cánh đồng bất tận của Ngọc Tư được công bố vào năm 2005, một truyện ngắn khác của Phạm Thanh Khương có tên là Dòng sông tật nguyền cũng được công bố và in vào một tập sách của Nhà xuất bản Thanh Niên - tháng 1/2006, thì mọi đồn đoán ầm ĩ lên, bởi ai đó cho rằng khả năng có thể Cánh đồng bất tận của Ngọc Tư viết sau Dòng sông tật nguyền của Thanh Khương. Trước tình trạng này, Ngọc Tư đã có những ý kiến khá thuyết phục. Cô cho rằng làm như vậy không công bằng với cô, cũng chẳng công bằng với Thanh Khương. Đây là vị đắng thứ hai mà Nguyễn Ngọc Tư từng nếm trải. Có những vị đắng mà những người ngoài cuộc ít khi nhìn thấy, bởi vòng nguyệt quế của vinh quang đã che lấp, chỉ có Ngọc Tư, chủ nhân của vòng nguyệt quế ấy nhìn thấy rõ hơn ai hết. Chị thổ lộ, vì cuộc sống khó khăn, lam lũ ở một vùng đất xa xôi, sách báo, tài liệu không có, nên Ngọc Tư ít có điều kiện đọc những người khác. Lại nữa, với Ngọc Tư internet chủ yếu chỉ để gửi hoặc nhận thư bạn bè, đồng nghiệp, còn tiếng Anh thì chỉ võ vẽ, trình độ văn hóa phổ thông mới chỉ hết lớp 9,... liệu đấy có phải là những vị đắng mà Ngọc Tư đã, đang và sẽ phải nếm trải, vượt qua?

Cuối cùng là, với một nữ nhà văn trẻ như Nguyễn Ngọc Tư, từng nhận được nhiều giải thưởng văn chương như thế liệu có trở thành “vài cái bẫy trên con đường không có điểm cuối, nổi tiếng hay vô danh, vinh quang hay sự mòn mỏi đều có cách giết người viết” như chính cô đã từng nói. Nếu như không đủ nghị lực và lòng dũng cảm, không đủ tỉnh táo và cảnh giác với chính mình, thì chính vinh quang luôn là một cái bẫy ngọt ngào với bất cứ ai đang cố gắng trèo lên đỉnh vinh quang. Liệu đây đã phải là vị đắng cuối cùng mà Ngọc Tư từng nếm trải?

Những điều cần bàn luận

Nếu thực sự Nguyễn Ngọc Tư là nhà văn Việt Nam thứ tư đã vươn mình ra với không gian văn chương quốc tế, thì không biết đấy là điều đáng mừng hay đáng lo cho văn chương nước nhà?

Công bằng mà nói Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh và Nguyễn Ngọc Tư là bốn tác giả đã được các hội nghề nghiệp và công chúng ghi nhận là những người có đóng góp ít nhiều cho văn đàn Việt Nam đương đại. Trong đó Vũ Trọng Phụng thuộc dòng văn học hiện thực phê phán, trước Cách mạng tháng Tám, năm 1945, còn ba tác giả sau thuộc dòng văn học thời kỳ đổi mới (1986- 2008).

Vũ Trọng Phụng với Số đỏ, Nguyễn Huy Thiệp với một loạt truyện ngắn xuất hiện từ khoảng nửa đầu những năm 80 đến giữa những năm 90 của thế kỷ trước, Bảo Ninh với Nỗi buồn chiến tranh, và Nguyễn Ngọc Tư với Cánh đồng bất tận, đều là những tác phẩm phản ánh quá trình nhận thức lại lịch sử, hoặc nói một cách chính xác là nhận thức và phản ánh chân thực về lịch sử, gần như nó vốn có. Họ đã bằng tác phẩm của mình đem đến cho bạn đọc một cái nhìn chân thực về cuộc sống và con người ở các giai đoạn lịch sử khác nhau. Đối với nhiều tác giả và tác phẩm khác, chủ yếu là thời kỳ văn học 1945-1985, ít nhiều đã bị lớp bụi thời gian và những định kiến cũ che lấp đi, biến tác phẩm của họ trở thành hoặc là cái loa phát ngôn cho các quan điểm chính trị và đạo đức hiện thời của tác giả, hoặc là các hoạt kê về tập tính mang thông điệp loài, thay vì là những con người cụ thể, bằng xương, bằng thịt mang trong mình những khát vọng cá nhân đầy tinh thần nhân văn. Đấy là những nét nổi bật đáng ghi nhận của ba tác giả này.

Những nhân vật trong các tác phẩm của bốn tác giả nói trên, từ ông vua Quang Trung trong Phẩm tiết, đến ông docter Xuân trong Số đỏ, những anh lính sau chiến tranh trong Nỗi buồn chiến tranh và người nông dân Nam Bộ trong Cánh đồng bất tận đều là những con người thực, rất cụ thể và sinh động. Cái hiện thực cụ thể, tươi rói và những con người sống động ấy là những số phận rất đáng trân trọng, đáng thương và cần được cảm thông chia sẻ. Nhưng ở họ, người đọc không hề thấy lóe lên một chút nào sự lấp lánh của ánh sáng trí tuệ thông tiệp, mang tín hiệu của những suy tư triết học, tâm linh và tinh thần nhân loại, từ thẳm sâu những thuộc tính cơ bản của bản chất người, với tư cách là những thực thể mang giá trị nhân văn cao cả, để cho công chúng có thể ngưỡng vọng, học hỏi và noi theo.

Liệu chúng ta gia nhập không gian văn chương thế giới bằng thứ hành trang của sự dốt nát, nghèo đói, nhem nhuốc, của lòng trắc ẩn, của lòng đố kỵ, ganh ghét, sự nhố nhăng, của những ham muốn mang tính bản năng, của sự cảm thông, sự chia sẻ,... đã thật sự ổn chưa, hay chúng ta còn cần mang theo cả một trí tuệ Việt Nam ngời sáng, cái mà bấy lâu nay chúng ta còn thiếu, để bạn bè quốc tế không cần phải cấp thêm bất kỳ một tấm thẻ “ưu tiên” nào đối với văn chương Việt Nam?

Đỗ Ngọc Yên


Ý kiến của bạn