Nguyễn Ngọc Tư bền bỉ viết, vang danh Cánh đồng bất tận
Nguyễn Ngọc Tư là nhà văn có sức viết bền bỉ, sáng tạo, được sự yêu mến của đông đảo bạn đọc. Chị cũng đã nhận được nhiều giải thưởng có giá trị trong và ngoài nước. Gần đây nhất là giải thưởng LiBeraturpreis của Đức do Hội Văn hóa Litprom thành lập, với sự hỗ trợ của Hội sách Frankfurt.
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư thắng giải (3.000 euro) với tập truyện ngắn Cánh đồng bất tận (ấn bản tiếng Đức tên là Endlose Felder, Günter Giesenfeld và Marianne Ngo dịch).
Giải thưởng này ghi thêm một dấu ấn cho Cánh đồng bất tận kể từ khi tác phẩm này ra đời, gây xôn xao văn đàn thời gian dài. Ấn bản Việt Nam của tập truyện này của NXB Trẻ đến nay đã bán được trên 150.000 bản. Trước đó, Cánh đồng bất tận đã được nhận giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2006, giải thưởng văn học ASEAN và truyện ngắn cùng tên đã chuyển thể thành phim điện ảnh phát hành năm 2010 gây tiếng vang trong và ngoài nước.
Năm 2021 vừa qua, phiên bản đặc biệt tác phẩm Cánh đồng bất tận (gồm 2 truyện vừa là Cánh đồng bất tận và Đất), khổ lớn, bìa cứng, có các tranh minh họa màu được vẽ mới đã được giới thiệu đến bạn đọc và nhận được sự quan tâm của độc giả.
Nhiều năm cầm bút, ngoài Cánh đồng bất tận, Nguyễn Ngọc Tư để lại tiếng vang qua những tác phẩm: Ngọn đèn không tắt, Đảo, Yêu người ngóng núi, Gió lẻ và những câu chuyện khác, Sông, Khói trời lộng lẫy, Gáy người thì lạnh, Hành lý hư vô, Giao thừa, Đong tấm lòng… 2020 cũng là năm Nguyễn Ngọc Tư gây tiếng vang với tiểu thuyết Biên sử nước, tác phẩm chất chứa trong đó những bi kịch nhỏ, những khao khát thầm vụn, những mẩu đời sống bên lề, lẩn khuất, những tiếng nói rì rào dần dồn nén.
Tất cả hội tụ lại trong một không gian nửa hư nửa thực, khiến ta liên tưởng đến một vùng đồng bằng miền Tây Nam Bộ đặc thù nhưng đồng thời lại là một cõi miền Tây khác, sâu dày hơn, với những con người không còn bó hẹp trong những định kiến "hồn hậu", "chất phác" mà trăn trở về sự tồn tại.
Hong tay khói lạnh chào 2022 của Nguyễn Ngọc Tư trong bối cảnh COVID-19
Trong lần giao lưu trực tuyến với độc giả gần đây, khi bạn đọc hỏi Nguyễn Ngọc Tư có dự định viết về đề tài đại dịch COVID-19 hay không, tác giả Cánh đồng bất tận trả lời: "Dịch bệnh cho ta thấy con người mong manh cỡ nào, cuộc sống bất định cỡ nào, nhưng đó chẳng phải là bản chất của cuộc đời sao, dịch bệnh chỉ là một tín hiệu quá rõ. Tôi nghĩ người viết không cần đợi mọi thứ quá rõ ràng như vậy, họ cũng nên tự tìm nguyên liệu, trồng cấy, lai giống, đưa ra những giả định, chứ không thụ động đợi dọn lên mâm. Mà tôi thấy, đâu có dễ ăn, còn tùy vào tài năng".
Nguyễn Ngọc Tư chia sẻ thêm, nhân loại đã trải qua bao nhiêu lần dịch bệnh nhưng những cuốn sách viết về nó thực sự hay chỉ đếm trên đầu ngón tay. Những lúc này, mọi thứ tung tóe ra đó, ập vào, choáng ngợp nhưng giống như ta không thể xem một bức tranh lớn ở khoảng cách quá gần, giống như trái xanh cần thời gian để chín, văn chương cũng cần một khoảng lùi nhất định. Cái gì còn lại sau khi thời gian mài mòn ấy, thì chính là cái mình sẽ viết. "Giờ thì tôi không biết được" - nhà văn Nguyễn Ngọc Tư tâm tình.
Bất ngờ sau đó, tác phẩm Hong tay khói lạnh của nữ nhà văn sinh năm 1976 được ra đời. Trong tác phẩm này nhà văn Nguyễn Ngọc Tư xoay quanh tâm thái và thân phận con người, đặt trong bối cảnh hậu tận thế. Tập tản văn gồm hai phần. "Giả tưởng sau tận thế" và "Hong tay khói lạnh".
"Nhận ra vẻ đẹp của những khoảng trống mê hồn, mình có thể ướm vào nó bằng nhiều thứ khác nhau. Tương tự như với khoảng mờ, nếp gấp, mình hay đoán coi đằng sau nó là gì, bao nhiêu thì vừa, có đáy không. Phải không, khi ấy đã có linh cảm khoảng trống là cánh cửa cho mình lách qua, bước vào một thế giới khác, và kể lại với bất kỳ ai chịu dừng lại để nghe?", nữ nhà văn Nguyễn Ngọc Tư viết.
Ra đời khi nhân loại vừa trải qua một năm đầy biến động bởi đại dịch COVID-19, tác phẩm mới nhất của Nguyễn Ngọc Tư độc lập nhưng lại kết nối với nhau bởi nơi chốn giả lập và chủ điểm về nỗi cô độc trong tinh thần. Các câu chuyện trong Hong tay khói lạnh, một lần nữa, lại cho thấy tài năng, sức tưởng tượng, sự nhạy cảm và đồng cảm hiếm có của Nguyễn Ngọc Tư trước tâm trạng chung của con người giữa những biến động lớn của đời sống.