Hà Nội

Nguyễn Nam Khánh - Vị tướng lừng danh ở chiến trường LK5 đã ra đi

25-10-2013 07:27 | Xã hội
google news

Nghe tin Thượng tướng Nguyễn Nam Khánh lâm bệnh nặng, đang nằm điều trị ở nhà A11, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, nơi Ðại tướng Võ Nguyên Giáp vừa ra đi mấy ngày, tôi vội đến thăm ông.

Nghe tin Thượng tướng Nguyễn Nam Khánh lâm bệnh nặng, đang nằm điều trị ở nhà A11, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, nơi Ðại tướng Võ Nguyên Giáp vừa ra đi mấy ngày, tôi vội đến thăm ông. Ðến nơi, thấy ông nằm trên giường bệnh, mắt nhắm như đang ngủ say, miệng, mũi đều đang tra những ống dẫn thuốc, hai tay buộc chặt ở thành giường, trông thật đáng thương! Viên bác sĩ vừa theo dõi điện tâm đồ vừa nói: Huyết áp đang tăng rất cao, tim yếu lắm... Anh Ngọc, cựu sĩ quan quân đội, con rể của Thượng tướng Nam Khánh đứng túc trực bên giường bệnh của bố vợ, tỏ ra rất lo lắng và cho tôi biết, cách đây 3 ngày, khi nghe Ðại tướng Võ Nguyên Giáp mất, ông rất thương xót và đề nghị bác sĩ cho thuốc để có thể khỏe hơn mà đi viếng Ðại tướng...
Nguyễn Nam Khánh - Vị tướng lừng danh ở chiến trường LK5 đã ra đi 1
 Thượng tướng Nguyễn Nam Khánh (bên trái) và đồng chí Phạm Quang Nghị - UVBCT, Bí thư Thành ủy Hà Nội (thời kỳ làm Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin).

Tôi được biết thời còn làm Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Thượng tướng Nguyễn Nam Khánh thường đến thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp và ca ngợi đức tài của Đại tướng như một huyền thoại. Bây giờ ông nằm im bất động để rồi một ngày nào đó nhẹ nhàng ra đi theo chân người anh cả của mình là Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tôi quen Thượng tướng Nguyễn Nam Khánh từ đầu năm 90 (TK 20), lúc đó ông là Ủy viên Trung ương, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam. Thời đó, tôi là Viện trưởng Viện Sân khấu Việt Nam, nên có mối liên hệ trong công tác văn hóa tư tưởng. Thấy Thượng tướng quan tâm nhiều tới những người đồng hương, đồng đội, nên chúng tôi mời ông làm Chủ tịch Hội đồng hương Bình Định. Ông nhận lời và làm việc hết mình cho Hội, mặc dù ông rất bận việc quân. Ngày nghỉ, ông thường rủ tôi cùng đi thăm những người cùng quê già cả, đau yếu, đặc biệt ông chăm sóc, lo nhà cửa cho nhạc sĩ Thuận Yến, người đã cùng ông gắn bó ở chiến trường LK5 thời kháng chiến chống Pháp. Ông hỗ trợ cho nhà văn Đặng Đình Loan hoàn thành bộ tiểu thuyết lịch sử hàng ngàn trang. Ông giúp đỡ rất nhiều người vượt qua khó khăn. Ông đưa tôi về An Lão - Bình Định, nơi thành lập Sư đoàn 3 Sao vàng mà ông là Chính ủy thời đó dự Lễ kỷ niệm 30 năm chiến thắng An Lão. Ông và tôi cũng nhiều lần đến Bắc Giang thăm và giao lưu với cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 3 Sao vàng. Ông đưa tôi lên tận Tây Nguyên thăm Binh đoàn 15 và đến Đăk Nông thăm Binh đoàn 16, rồi lên TP. Đà Lạt thăm Học viện quân sự, do Trung tướng Nguyễn An, bạn chiến đấu của ông làm Giám đốc Học viện. Ở đây, ông nói chuyện với mấy trăm học viên sĩ quan và được vỗ tay nồng nhiệt. Tôi cùng Thượng tướng Nguyễn Nam Khánh còn tham gia chủ trì họp đồng hương Bình Định tại TP. Hồ Chí Minh và lo vận động tìm đất, tìm kinh phí xây dựng Tượng đài Anh hùng dân tộc Quang Trung tại TP. Hồ Chí Minh. Việc gì ông cũng quan tâm và lo liệu cho quê hương mình. Ông viết hồi ký "Miền Trung những năm tháng không quên" NXB QĐND. Đây là một tập sách hết sức giá trị, giúp cho người đọc hiểu được chiến trường LK5 trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Là một người lính có tâm hồn nghệ sĩ, rất yêu thích hát bội, bài chòi. Từ thời chiến đấu đến thời bình, không bao giờ ông rời chiếc radio. Ông thích nghe tin tức và nghe hát bội, bài chòi, hát dân ca. Ông đã từng đóng vai Trần Bình Trọng trong vở tuồng cùng tên thời tiền cách mạng nhằm tuyên truyền lòng yêu nước trong đồng bào ở quê hương mình.

Thượng tướng Nguyễn Nam Khánh sinh ra trên miền đất võ, cùng quê với nhà Tây Sơn, nhà yêu nước Mai Xuân Thưởng và chàng Lía... nên chịu ảnh hưởng khá rõ tinh thần cách mạng, ý chí chiến đấu kiên cường. Từ những năm đầu cách mạng, ông đã là hạt nhân đấu tranh chống đế quốc và phong kiến trong Nhà máy dệt Đờ-ly-nhông của Pháp ở thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn. Bị Pháp vây bắt, ông chạy thoát và gia nhập đội quân Nam tiến thuộc Trung đoàn 79 do đồng chí Thu Sơn - chiến sĩ tuyên truyền giải phóng quân của Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Trung đoàn trưởng, tham gia chiến đấu ở mặt trận Phú Yên - Khánh Hòa và vùng Nam Trung Bộ vô cùng ác liệt. Ông được thăng chức lên cấp Chỉ huy tiểu đoàn rồi trung đoàn.

Tập kết ra Bắc, ông phụ trách Trung đoàn Bộ binh, được đón Bác Hồ tới thăm đơn vị mình với hàng quân "xếp hàng ngược" (cao đứng trước, thấp đứng sau) nhưng khi được Bác Hồ hô: Đằng sau quay! thì hàng quân trở thành thấp đứng trước, cao đứng sau, ai cũng được nhìn thấy Bác Hồ đứng nói chuyện. Và cũng tại đây, ông có vinh dự được Bác Hồ thăm hỏi về cá nhân và gia đình mình. Một kỷ niệm không bao giờ quên đối với ông.

Nguyễn Nam Khánh - Vị tướng lừng danh ở chiến trường LK5 đã ra đi 2
 Thượng tướng Nguyễn Nam Khánh đọc tham luận 20 năm sân khấu thống nhất, bên phải là nhà viết kịch Học Phi, bên trái là GS. Hoàng Chương - Viện trưởng Viện Sân khấu.
Ảnh: TL

Tập kết ra Bắc, ông chỉ có một nguyện vọng được trở về miền Nam chiến đấu giải phóng quê hương, nhưng tổ chức lại cử ông đi đào tạo ở nước ngoài.

Sau 4 năm học tập tại Học viện Quân sự Bắc Kinh, Trung Quốc, trở về nước, Trung tá Nguyễn Nam Khánh được Bộ Quốc phòng bổ nhiệm làm Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn nhảy dù, sau đó làm Sư đoàn trưởng Sư đoàn 304 (LK5) chuẩn bị về Nam chiến đấu.

Suốt mười mấy năm ở chiến trường LK5 ở mặt trận Tây Nguyên, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của các vị tướng lừng danh như Nguyễn Chánh, Chu Huy Mân... Đại tá Nguyễn Nam Khánh đã chỉ huy nhiều trận chiến đấu rất ác liệt với liên quân Mỹ, ngụy và Đại Hàn, nổi bật nhất là chiến dịch Plây-me nổi tiếng với trận đánh có tính quyết định chiến lược là IA-Drăng mà sau này tên tướng Mỹ thua trận Hơ-rôn-mo đã phát biểu: "Không thể hiểu nổi vì sao Việt cộng lại thắng"? Còn tướng Mắc-na-ma-ra, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phải thừa nhận: "Đây là tổn thất nghiêm trọng của Sư đoàn Kỵ binh bay số 1 trong trận ra quân ở Tây Nguyên", "một trận đánh làm thay đổi cuộc chiến tranh ở Việt Nam"(1).

Thượng tướng Nguyễn Nam Khánh coi trận đánh ở thung lũng IA-Drăng là một dấu son đậm nét nhất trong cuộc đời binh nghiệp của mình, nên ông thường kể chuyện trận đánh này cho bạn bè, đồng đội và con cháu nghe để thấy hết tinh thần hy sinh quyết chiến và quyết tử đánh giáp la cà bằng lưỡi lê của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng.

Miền Nam hoàn toàn giải phóng, Tướng Nguyễn Nam Khánh làm Phó Chính ủy Quân khu 5 và sau đó được Quân ủy Trung ương điều về làm Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị cùng với Thượng tướng Lê Khả Phiêu. Là một vị tướng xuất thân từ giai cấp công nhân (ở Nhà máy dệt Đờ-ly-nhông), tham gia quân đội rất sớm và trải qua không biết bao nhiêu chiến trường trận mạc ở LK5, Thượng tướng Nguyễn Nam Khánh đã qua ba khóa Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND, đến khi nghỉ hưu vẫn giữ nguyên phong cách, đạo đức anh bộ đội Cụ Hồ là trung với nước, hiếu với dân, hết lòng bảo vệ Đảng, bảo vệ Cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa cơ hội, nhưng có đôi lúc hơi cực đoan nên bị thiệt thòi đáng tiếc.

Là một người lính cách mạng hết sức coi trọng nền văn hóa dân tộc nên Thượng tướng Nguyễn Nam Khánh là một trong những người đầu tiên xây dựng Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam và làm cố vấn chính trị cùng với giáo sư, Anh hùng Lao động Vũ Khiêu làm cố vấn khoa học cho cơ quan này.

Ông luôn có mặt trong từng hoạt động của trung tâm, khi thì tham gia ý kiến, lúc thì viết bài cho hội thảo khoa học, hoặc cho tạp chí Văn hiến Việt Nam. Ông là tấm gương về kỷ cương, về đạo đức Cách mạng cho các thế hệ nhà nghiên cứu và văn nghệ sĩ ở Trung tâm noi theo. Nhờ thế mà Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam được coi là đơn vị điển hình trong phong trào thi đua lao động sáng tạo và quy tụ tài năng, trí thức để cho một số cơ quan khác ở Trung ương tham khảo.

Trong những năm gần đây, Thượng tướng Nguyễn Nam Khánh tuổi cao, thường đau ốm do hậu quả chiến tranh gian khổ nên không thể tiếp tục tham gia công tác ở cơ quan chúng tôi nữa, cả chức Chủ tịch Hội đồng hương Bình Định ông cũng trao lại cho chúng tôi mặc dù bà con đồng hương vẫn suy tôn ông là người anh cả, là linh hồn của Hội. Vì vậy, việc ra đi về cõi vĩnh hằng của Thượng tướng Nguyễn Nam Khánh (ngày 20/10/2013) là sự tổn thất của Quân đội nhân dân Việt Nam, của Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam và của gia đình Thượng tướng Nguyễn Nam Khánh.

1) Trích "Nhìn lại quá khứ" của Mắc-na-ma-ra (NXB Chính trị QG-1995)


Ý kiến của bạn