88 tuổi đời (sinh năm 1929), 70 năm theo cách mạng, cuộc đời của nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch danh dự Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Mạnh Cầm tiêu biểu cho một thế hệ trí thức lớn lên trong cách mạng, trưởng thành trong kháng chiến và đạt nhiều thành tựu trong đổi mới.
Sứ mệnh trong lịch sử ngoại giao Việt Nam
Cuộc đời của nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Mạnh Cầm chia ra làm hai đoạn thoạt nghe chẳng có gì liên quan với nhau. Đó là ngoại giao và khuyến học. Trong đó, hơn 50 năm ông gắn bó, cống hiến cho sự nghiệp ngoại giao, 11 năm nửa sau cuộc đời, ông đi làm khuyến học.
Có thể nói, lịch sử ngoại giao Việt Nam thế kỷ XX là lịch sử ba cột mốc. Đó là ngoại giao thời kỳ giành và bảo vệ nền độc lập dân tộc kết thúc bằng Hiệp định Giơnevơ 1954. Ngoại giao giai đoạn xây dựng CNXH ở miền Bắc, đấu tranh bảo vệ độc lập chủ quyền và thống nhất đất nước kết thúc bằng Hiệp định Paris 1973 và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử 1975. Ngoại giao thời đổi mới hội nhập từ sau Đại hội VI, song nếu nói một cách chính xác hơn, giai đoạn ngoại giao đổi mới và hội nhập bắt đầu từ Đại hội Đảng VII (1991) khi đề ra đường lối đối ngoại độc lập tự chủ rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế.
Xét từ góc độ này, nếu giai đoạn thứ nhất gắn liền với tên tuổi của Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Văn Đồng; giai đoạn thứ hai gắn liền với tên tuổi của các nhà ngoại giao Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam dân chủ cộng hòa Nguyễn Duy Trinh và Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam Nguyễn Thị Bình thì giai đoạn hội nhập đổi mới gắn liền với tên tuổi Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm.
Từ Đại sứ lên thẳng Bộ trưởng
Nguyễn Mạnh Cầm đến với nghề ngoại giao tình cờ như sự sắp đặt của số phận. Trước Cách mạng Tháng Tám, khi mới 16 tuổi, chàng thanh niên làng Đỏ được một người bà con là cựu tù chính trị ở Ban Mê Thuột giác ngộ, giao nhiệm vụ rải truyền đơn và tham gia giành chính quyền tại xã Yên Dũng Thượng (nay là phường Hưng Dũng - TP. Vinh). Khi lên Chiến khu Việt Bắc, ông được cử đi học lớp cán bộ nguồn, chuẩn bị đi đào tạo ở nước ngoài (Trung Quốc) để từ đó, chính thức bước vào ngành ngoại giao để rồi trở thành nhà ngoại giao chuyên nghiệp.
Chủ tịch Nguyễn Mạnh Cầm phê duyệt lần cuối Báo cáo Đại hội Khuyến học lần thứ IV.
Song, những thành tựu của Nhà ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm chỉ bắt đầu từ đổi mới hay nói cách khác, Nguyễn Mạnh Cầm là nhà ngoại giao của thời đổi mới, hội nhập.
Năm 1991, sau những thành công và đổi mới trong lĩnh vực kinh tế, Đại hội VII của Đảng chuyển mạnh sang đổi mới lĩnh vực đối ngoại bằng chủ trương rộng mở “đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế” trên tinh thần độc lập tự chủ với phương châm Việt Nam sẵn sàng là bạn của tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển. Đây là bước ngoặt có tính then chốt, góp phần to lớn vào mọi thành công của công cuộc đổi mới, hội nhập sau đó.
Trước việc Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch, một trong những chính khách hàng đầu của lịch sử ngoại giao Việt Nam nghỉ hưu, Bộ Chính trị và Ban Bí thư đã đặt ra nhiều phương án cho sự lựa chọn nhân sự thay thế ở thời điểm cực kỳ quan trọng này.
Sau nhiều lần bàn bạc, cân nhắc, cuối cùng Bộ Chính trị và Ban Bí thư đi đến thống nhất quyết định điều Đại sứ ở Liên Xô Nguyễn Mạnh Cầm về nước nhận chiếc “ghế nóng” Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.
Khi Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười mời lên gặp và thông báo quyết định của Bộ Chính trị, Nguyễn Mạnh Cầm tỏ ra rất lo lắng. Ông Cầm trình bày lý do mấy năm làm ở Bộ Ngoại thương tách ra khỏi công việc ngoại giao, nay nhận nhiệm vụ này sẽ rất khó khăn, xin Bộ Chính trị xem xét tìm người khác có khả năng và điều kiện hơn...
Thế nhưng Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười lại bảo: “Chính bởi đồng chí đã làm ở Bộ Ngoại thương 5 năm và với 35 năm giữ các vị trí quan trọng ở Bộ Ngoại giao cả ở trong nước và nước ngoài, có kinh nghiệm nên Bộ Chính trị và Ban Bí thư mới thống nhất chọn đồng chí vì trong đổi mới, phải kết hợp chặt chẽ giữa ngoại giao chính trị và ngoại giao kinh tế nên chọn đồng chí là phù hợp hơn cả. Yêu cầu đồng chí vì việc lớn, khắc phục khó khăn chấp hành quyết định, không nên trình bày gì nữa”.
Thế là từ cương vị Đại sứ, Nguyễn Mạnh Cầm được bổ nhiệm lên thẳng làm Ngoại trưởng, một cuộc bổ nhiệm chắc là hiếm có để rồi sau đó, được bổ nhiệm làm Phó Thủ tướng Chính phủ đảm nhiệm công tác đối ngoại.
Nhà ngoại giao nặng lòng với khuyến học
Sau khi nghỉ hưu ở lĩnh vực ngoại giao, do sự gợi ý của một số cán bộ lâu năm và được những người làm khuyến học tín nhiệm, ông đảm nhận vai trò Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam. Hơn 10 năm qua, ông đã cùng với những người làm khuyến học cả nước xây dựng Hội Khuyến học không ngừng phát triển, trở thành một tổ chức chính trị, xã hội sâu rộng. Tại Đại hội đại biểu Khuyến học toàn quốc lần thứ V vừa qua, những người làm khuyến học Việt Nam đã nhất trí suy tôn ông làm Chủ tịch danh dự, kế nhiệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp, một trí thức lớn, một nhà cách mạng tiền bối, vị lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước, học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một nhà quân sự lỗi lạc của Việt Nam và thế giới, đồng thời cũng là vị Chủ tịch danh dự đầu tiên ngay từ ngày đầu thành lập Hội Khuyến học Việt Nam.
Những người làm khuyến học Việt Nam tại Đại hội V vừa qua đã hoàn toàn có lý khi tôn vinh ông Nguyễn Mạnh Cầm vì cả vị thế cá nhân và nhất là những đóng góp to lớn của ông đối với đất nước nói chung, với thành tựu của phong trào khuyến học nói riêng.
Trong hai nhiệm kỳ qua, dưới sự “chèo lái” của Chủ tịch Nguyễn Mạnh Cầm, Hội Khuyến học Việt Nam đã có những bước trưởng thành to lớn, trở thành một tổ chức xã hội có tới hơn 15 triệu hội viên, trên 11.000 trung tâm học tập cộng đồng ở cơ sở...
Cuộc gặp gỡ đầu xuân từ gần 20 năm trước
Lần đầu tiên tôi gặp ông Cầm là dịp Tết năm 1999. Ngày đó, Tạp chí Văn nghệ Quân đội có mục Đối thoại trong tháng. Nhà văn Lê Lựu được tòa soạn cử đi phỏng vấn Phó Thủ tướng Nguyễn Mạnh Cầm về công tác đối ngoại. Lê Lựu kéo tôi đi với nhiệm vụ ghi âm và chụp ảnh.
15 năm đã trôi qua, tôi không nhớ rõ nội dung chính cuộc phỏng vấn là gì nhưng đọng lại trong tôi, đó là một cuộc trò chuyện ấm áp. Cứ nghĩ Bộ trưởng Ngoại giao, ông sẽ dùng những ngôn ngữ xã giao trong giao tiếp, song trái lại là sự giản dị và thân mật.
Với nhà văn Lê Lựu, hình như không có khoảng cách giữa một vị Phó Thủ tướng Chính phủ với một ông Đại tá, nhà báo, nhà văn. Ông nói với Lê Lựu như tâm sự với một người em ít tuổi, một người bạn văn chương.
Có lẽ phải hơn 2 giờ, họ đã say mê kể với nhau những kỷ niệm về Liên Xô, về Mát-xcơ-va, về mùa thu Nga, về các nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ của nước Nga và của cả Liên bang Xô viết.
Nguyễn Mạnh Cầm còn kể với Lê Lựu rằng ngày còn trẻ, ông rất thích thơ và tập làm thơ. Có phải vì thế mà bản dịch “Số phận một con người” của ông, theo nhà thơ Bằng Việt, một dịch giả tiếng Nga nổi tiếng nhận xét có những đoạn còn hay hơn nguyên bản.
Về phía mình, tôi không ngờ đây là bài phỏng vấn chính khách đầu tiên trong đời làm báo dù tôi chỉ hỏi ông có một câu. Đó là khi Lê Lựu bảo: “Chú có hỏi gì bác Cầm không?”, tôi mới rụt rè hỏi về bí quyết của đối thoại trong ngoại giao. Ông đã trả lời tôi rằng, với nhà ngoại giao, sự thẳng thắn, chân thành và kiên định, đặc biệt lúc nào cũng phải đặt lợi ích và danh dự của đất nước, của dân tộc và của nhân dân lên trên hết và luôn nhớ, đằng sau một nhà ngoại giao là cả một dân tộc!
Gần đây, sau ngày người vợ mà ông hết thảy yêu thương bỏ lại ông cô đơn ở thế giới này, Nguyễn Mạnh Cầm yếu hẳn đi. Tuổi cao, sức khỏe có hạn mà ông thì nhiều việc còn phải làm nên ông cố gắng tranh thủ từng giờ, từng phút.
Đã hơn một lần ông đề nghị xin nghỉ công tác khuyến học dành thời gian viết một cuốn tài liệu để lại một vài kinh nghiệm cũng như cung cấp một ít tư liệu lịch sử về công tác ngoại giao, nhất là trên chặng đường đổi mới hội nhập. Song, những người làm khuyến học Việt Nam vẫn tín nhiệm và coi sự có mặt của ông trong “đội hình” là nguồn động viên to lớn đối với họ. Để giờ đây, sau hai nhiệm kỳ (11 năm), ở tuổi 87, ông chính thức một lần nữa “nghỉ hưu” và lại vinh dự được những người làm khuyến học Việt Nam tôn vinh làm Chủ tịch danh dự.
Âu đó cũng là niềm hạnh phúc của một đời chính khách!