Ðồng tính đang là một trong những mảng đề tài được các nhà làm phim Việt tập trung khai thác trong thời gian gần đây. Mặc dù là mảng đề tài mới trong phim Việt nhưng so với các nhà làm phim “ngoại” thì đây không còn là vấn đề “hot”. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, khán giả Việt có thể tiếp cận và thưởng thức nhiều phim “bom tấn” cùng thể loại để “làm phép so sánh” với phim Việt. Nhiều người nhận định, đề tài đồng tính trong phim Việt mới chỉ “chạm” đến bề ngoài chứ chưa khai thác được nội dung bên trong của vấn đề.
Mới nhìn thấy “phần nổi” của tảng băng trôi…
Lạc giới được coi là bộ phim đầu tiên về đề tài “lưỡng giới” (đạo diễn Phi Tiến Sơn), ra mắt khán giả vào trung tuần tháng 10/2014. Phim xoay quanh mối quan hệ phức tạp giữa 3 nhân vật chính: Trung (Trung Dũng đóng), nữ y tá Kim (Mai Thu Huyền) và chàng trai mắc căn bệnh đặc biệt Hải (Bình An). Thông qua câu chuyện éo le, đầy kịch tính về những nhân vật “lạc giới”, bộ phim đã đưa ra thông điệp “trong hành trình đi tìm hạnh phúc và hoàn thiện bản thân, con người cần được sống đúng với bản ngã của mình, miễn điều đó không làm tổn hại đến người khác và cả cộng đồng. Hãy nên tôn trọng sự khác biệt”. Mặc dù đã mang đến cái nhìn thiện cảm hơn về thế giới thứ ba nhưng Lạc giới vẫn bị đánh giá là thiếu sự tự nhiên, logic cần thiết.

Poster phim Lạc giới.
Dễ nhận thấy tên phim Lạc giới dường như không ăn nhập với nội dung của phim. Những nhân vật trong phim không ai bị “lệch lạc” hay cám dỗ bởi điều gì đó mà họ đang đấu tranh để được sống thật với chính mình. Mạch phim chưa cho thấy tình yêu giữa Trung và Hải lớn thế nào khiến Trung có thể từ bỏ cô người yêu một cách phũ phàng như vậy. Số phận người đồng tính luôn có những cái kết “buồn” với những chông gai, sóng gió từ định kiến gia đình và xã hội, tuy nhiên, cái kết “tươi sáng” của bộ phim có vẻ “phi thực tế”. Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng, tình cảm của 3 nhân vật chính và độ tuổi của diễn viên không phù hợp. Trung, Hải và nữ y tá gần như nhìn thấy nhau là yêu ngay khiến khán giả cảm thấy cách diễn của diễn viên bị gượng, không tự nhiên. Cảm xúc nhiều cung bậc, tâm hồn mong manh nhưng khát khao yêu thương mãnh liệt của người thuộc giới tính thứ ba chưa được khai thác triệt để.
Đạo diễn Vũ Ngọc Đãng có lẽ là đạo diễn có nhiều tác phẩm về đề tài đồng tính nhất trong làng phim Việt Nam. Theo dõi 3 bộ phim có đề cập đến tình yêu đồng tính của Vũ Ngọc Đãng là Những cô gái chân dài (năm 2004), Hotboy nổi loạn và câu chuyện về thằng cười, cô gái điếm và con vịt (năm 2011) và Vừa đi vừa khóc (năm 2014) thì có thể thấy, qua thời gian và sự trải nghiệm, góc nhìn của đạo diễn tài năng này đã có nhiều thay đổi, ngày càng sâu sắc và nhân văn hơn. Diễn xuất khá “ngọt” của nhân vật Khoa (Trương Thanh Long) với “người yêu trong mộng” - Hoàng (Minh Anh), lời thoại giàu cảm xúc cùng cách thể hiện nhẹ nhàng, kín đáo đã giúp Những cô gái chân dài ghi điểm trong mắt khán giả. Với Hotboy nổi loạn và câu chuyện về thằng cười, cô gái điếm và con vịt, lần đầu tiên câu chuyện đồng tính nam lên màn ảnh Việt một cách trực diện. Vũ Ngọc Đãng đã khắc họa khá thành công cuộc sống của những người đồng tính nam trong nghề mại dâm giữa Sài Gòn phồn hoa. Chàng trai trẻ Lam (do Lương Mạnh Hải) yêu Đông (Linh Sơn) - thực chất là một thằng lưu manh vì bị lừa vào con đường bán dâm nam để rồi không thoát ra được và nhận kết cục bi thảm. Khôi (Hồ Vĩnh Khoa) - một chàng đồng tính bị kỳ thị nên phải bỏ quê lên thành phố. Lần đầu bước chân lên thành phố, Khôi bị lừa mất hết quần áo, tiền bạc phải đi làm cửu vạn kiếm tiền rồi sa vào tình yêu với Lam. Mặc dù được xem là sự đột phá của điện ảnh Việt trong việc miêu tả cuộc sống của những người đồng tính và nhận được nhiều lời khen ngợi của khán giả nước nhà nhưng Hotboy nổi loạn và câu chuyện về thằng cười, cô gái điếm và con vịt không thực sự gây ấn tượng tại thị trường nước ngoài”. Hotboy nổi loạn và câu chuyện về thằng cười, cô gái điếm và con vịt có quá nhiều cảnh khóc lóc khiến các tuyến nhân vật trở nên yếu đuối.
“Nửa vời” và mục đích gây cười là chính?
Một điều rất dễ nhận thấy trong phim Việt về đề tài đồng tính là nhân vật đồng tính thường được xây dựng với mục đích chính là chọc cười khán giả là chính (tương tự như những nhân vật phụ đồng tính được xây dựng phổ biến trong phim Thái Lan, Philippines, Hồng Kông, Đài Loan… hiện nay). Để mai tính 2 (đạo diễn Charlie Nguyễn) ra rạp vào trung tuần tháng 12/2014 vừa qua đang tạo “cơn sốt” khắp các phòng vé về doanh thu là một ví dụ. Rất nhiều ý kiến nói rằng, thông qua nhân vật Hội với những màn gây cười đôi khi phản cảm, hình ảnh người đồng tính “méo mó”, “giả tạo” và nhà sản xuất đã lợi dụng hình ảnh người chuyển giới để tạo tiếng cười “lố” trên phim. Nhân vật đồng tính trong một số bộ phim ra rạp thời gian qua như Gái nhảy, Lọ Lem hè phố (đạo diễn Lê Hoàng), Hồn Trương Ba da hàng thịt (đạo diễn Nguyễn Quang Dũng), Thập tự hoa (đạo diễn Vương Quang Hùng, Lý Khắc Linh)… cũng đóng vai trò tương tự. Đó thường là những “má mì” hay chủ quán gây cười bằng điệu bộ õng ẹo, ăn mặc màu mè, diêm dúa, kẻ vẽ mắt xanh, mỏ đỏ rất phản cảm.

Trong phim Việt, hình ảnh người đồng tính thường được xây dựng với mục đích chính là chọc cười khán giả. Trong ảnh: một cảnh trong phim bị gắn mác “đại thảm họa” - Cảm hứng hoàn hảo.
Trai nhảy của đạo diễn Lê Hoàng bị coi là “nửa vời”. Hai nhân vật chính trong phim là Tuấn (Ngọc Thuận đóng) vào vai anh chàng đấm bóp dạo và làm trai bao bất đắc dĩ cùng Tony (Đức Hải đóng) mờ nhạt và không thể hiện rõ ý đồ của đạo diễn. Những khuôn hình khắc họa tình cảm của hai người ngô nghê, giả tạo. Sau khi phim ra rạp, thậm chí còn có ý kiến nhận xét rằng, vị đạo diễn tài ba này chưa thực sự hiểu về người đồng tính. Nói đến thảm họa phim về đề tài đồng tính không thể không nói đến Cảm hứng hoàn hảo của đạo diễn Việt kiều Nguyễn Lê Dũng ra mắt năm 2011. Bộ phim là câu chuyện về một thanh niên lệch lạc giới tính khi sống trong thế giới của 3 người chị gái. Khi phát hiện em trai có mối tình đồng tính, 3 chị gái sẵn sàng tìm cách lôi kéo em về với bản năng gốc bằng cách thuê một cô gái đến khêu gợi, thậm chí những người chị cũng sẵn sàng trút bỏ quần áo để em trai vẽ tranh hoàn thành bài tốt nghiệp. Nhiều khán giả nhận định rằng, điều đọng lại sau khi xem xong 120 phút của bộ phim là cảm giác buồn cười xen lẫn thất vọng. Tình yêu đồng tính dưới góc nhìn của đạo diễn Nguyễn Lê Dũng hời hợt, võ đoán và phi lý.
Trước đó, Nàng men chàng bóng (đạo diễn Võ Tấn Bình) được coi là bộ phim đại thảm họa của năm 2012 cũng đi vào mô-tip tương tự khi họ cho rằng, những người đồng tính có thể tìm lại bản lĩnh đàn ông của mình chỉ bằng một cái ôm. Phim lấy bối cảnh vùng sông nước miền Tây, xoay quanh nhân vật Út Chót (Đinh Ngọc Diệp), một nàng men và chàng bóng lộ Ẽo Ợt (Ngô Kiến Huy). Hai người gặp nhau khi Ẽo Ợt đang cố gắng chạy trốn cuộc hôn nhân sắp đặt với cô gái mà cha mẹ hai bên đã có giao ước từ trước. Vì là bạn bè từ tấm bé, Út Chót giúp Ẽo Ợt chinh phục chàng trai mà anh này thầm thương trộm nhớ. Trong quá trình đó, bản năng giới tính của Út Chót và Ẽo Ợt đã được đánh thức. Nàng men chàng bóng bị chê tơi tả về sự lắp ghép những màn hài kịch nhạt nhẽo, lố lăng với tiếng cười, tiếng khóc “vô duyên” của các nhân vật trong phim.
Cần có cái nhìn chân thực và sâu sắc hơn
Nghệ thuật phản ánh đời sống xã hội và là chất liệu phong phú để các tác giả khai thác, gửi gắm thông điệp nghệ thuật của mình. Đề tài đồng tính là hiện thực xã hội, là mảng đề tài mới để từ đó các nhà làm phim ươm mầm cho những tác phẩm có giá trị nghệ thuật đích thực. Cần có cái nhìn chân thực và sâu sắc hơn về cuộc sống của họ. Đó là tình bạn, tình yêu phải đối mặt với khó khăn, thử thách trong cuộc sống để vượt qua định kiến gia đình, xã hội và sự giằng xé nội tâm. Hãy đem đến cho khán giả những lát cắt cảm động về cuộc sống với những cung bậc cảm xúc của sự yêu thương, thông cảm, chia sẻ với những người thuộc giới tính thứ ba. Những nhân vật đồng tính gây cười chỉ là phần nổi của “tảng băng trôi” mà đôi khi qua đó, chúng ta lại có cái nhìn định kiến, méo mó về họ.
Thời gian qua, bộ phim tài liệu về đề tài đồng tính Chuyến đi cuối cùng của Chị Phụng (đạo diễn Nguyễn Thị Thắm) đã ra mắt khán giả hai miền Bắc - Nam. Không phải là phim điện ảnh với diễn viên nổi tiếng và được quảng bá rầm rộ nhưng Chuyến đi cuối cùng của Chị Phụng nhận được nhiều lời khen ngợi từ các nhà phê bình cũng như khán giả. Thuộc dòng phim tài liệu thực tế, Nguyễn Thị Thắm đã bỏ thời gian 5 năm theo một gánh hát người đồng tính rong ruổi khắp mọi miền đất nước để ghi lại những thước phim sinh động và chân thực nhất về cuộc sống của họ. Chuyến đi cuối cùng của Chị Phụng thành công trước hết là sự chân thực. Tác giả đã hòa mình vào cuộc sống của người đồng tính và nói lên tiếng nói từ chính sự trải nghiệm và tình cảm sâu sắc của mình. Có lẽ điện ảnh Việt cũng cần những tác phẩm điện ảnh chân thực và giàu giá trị nhân văn như thế.
Tường Phạm