Trường em sắp tới có cuộc thi “Tìm hiểu tác giả”, nhưng em còn bối rối về tác giả Nguyễn Đình Chiểu, đặc biệt là về cuộc đời và sự nghiệp của ông, hay về sự khác biệt giữa ông và ông Nguyễn Du. Em mong anh hồi âm sớm để kịp tư vấn cho học sinh tham dự cuộc thi.
NGUYỄN THỊ KIM HOÀNG
(Trường cấp II Bình Chánh
- Bình Sơn - Quảng Ngãi)
Nhà thơ Trần Đăng Khoa
Cuộc đời và sự nghiệp của cụ Nguyễn Đình Chiểu rất dễ tìm. Em cứ vào thư viện, tìm bất cứ cuốn sách nào của cụ Đồ Chiểu, ở phần đầu tập sách, bao giờ cũng có Lời giới thiệu, hoặc những bài viết về tác giả rất công phu của các nhà biên soạn. Trong đó thường là có khá đầy đủ tiểu sử, cuộc đời và sự nghiệp của cụ. Gần đây, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã ra một loạt tập sách khổ lớn về những tác giả lớn, có trong chương trình phổ thông và đại học như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nguyễn Đình Chiểu, Tố Hữu, Xuân Diệu,... Em đến thư viện tìm đọc. Đấy là những công trình rất đáng quý, rất có ích cho việc học tập và nghiên cứu.
Nguyễn Du và Nguyễn Đình Chiểu là hai nhà thơ lớn của dân tộc. Trong tác phẩm Lục Vân Tiên của cụ Nguyễn Đình Chiểu và tác phẩm Truyện Kiều của cụ Nguyễn Du, có một tình tiết khá giống nhau và rất thú vị...
Câu hỏi em nêu ra về “sự khác biệt giữa Nguyễn Đình Chiểu và Nguyễn Du”, hai thi hào dân tộc, là một vấn đề rất lớn, đề tài của các luận văn khoa học ngữ văn tiến sĩ hoặc các công trình nghiên cứu cấp quốc gia. Anh chỉ nói đại lược thôi, mà cũng dẫn ra ý của hai nhà phê bình văn chương rất lớn của ta là nhà văn Hoài Thanh và nhà thơ Xuân Diệu thay cho lời diễn giải của mình.
Nguyễn Đình Chiểu là nhà thơ lớn của dân tộc, chỉ đứng sau Nguyễn Trãi, Nguyễn Du. Trong tác phẩm Lục Vân Tiên của cụ Nguyễn Đình Chiểu và tác phẩm Truyện Kiều của cụ Nguyễn Du, có một tình tiết khá giống nhau và rất thú vị. Đó là việc cùng nhảy xuống sông tự tử của hai cô Kiều. Lục Vân Tiên lưu lạc mấy năm. Kiều Nguyệt Nga bị bọn nịnh thần bắt đi cống Phiên. Muốn giữ trọn thủy chung, Kiều Nguyệt Nga đã tự tử. Từ trước, Kiều Nguyệt Nga có vẽ bức “tượng hình” (bức tranh) Lục Vân Tiên, đi đâu nàng cũng mang theo. Trên đường đi cống Phiên, nàng than thở, và:
Than rồi lấy tượng vai mang
Nhắm dòng nước chảy vội vàng nhảy ngay.
Bình về hành động này, nhà phê bình Hoài Thanh đã viết: Việc gì mà phải vội vàng nhảy ngay? Kiều Nguyệt Nga nhảy xuống sông tự tử mà vô tâm như người ta nhảy trên sân vận động. Nhịp điệu câu thơ cũng gấp gáp, láu táu đến buồn cười! Con người ấy còn cần gì phải nhảy xuống sông. Nó đã chết từ khi chưa nhảy. Nó chưa hề sống bao giờ. (Toàn tập Hoài Thanh, tập II, trang 47-48).
Còn cô Kiều, bị Hồ Tôn Hiến lừa, cô đã khuyên Từ Hải ra hàng, rồi Từ Hải bị giết, cô lại bị ép gả cho thổ quan, cô cũng quyết định nhảy xuống sông Tiền Đường tự tử.
Cửa bồng vội mở rèm châu
Trời cao, sông rộng một màu bao la.
Cô Kiều quyết định nhảy xuống sông. Nhưng trước khi tự tử, cô còn nhiều vân vi lắm:
Giết chồng mà lại lấy chồng,
Mặt nào còn đứng ở trong cõi đời?
Thôi thì một thác cho rồi,
Tấm lòng phó mặc trên trời dưới sông!
Trông vời con nước mênh mông,
Đem mình gieo xuống giữa dòng trường giang...
Cũng bình về hành động tự tử của hai cô Kiều, nhà thơ Xuân Diệu có một phát hiện khá thú vị. Cô Nguyệt Nga của cụ Đồ Chiểu là dân Nam Kỳ, còn cô Kiều của cụ Nguyễn Du là gái Bắc Kỳ (nhà thơ Xuân Diệu viết thế - chứ thực ra cô Thúy Kiều là người Bắc Kinh - Trung Hoa) nên tính cách hai cô khác nhau. Người Nam thường rất mạnh ở tính quyết đoán, tính hành động, còn người Bắc thường lại hay cả nghĩ, vân vi. Bởi thế cô Kiều Nguyệt Nga khi đã quyết tự tử rồi thì nhảy ngay, không cần nghĩ, còn cô Kiều thì nghĩ mãi rồi mới nhảy. Ấy là tính cách của hai cô, cũng là sự khác biệt giữa hai bậc kỳ tài: Nguyễn Du và Nguyễn Đình Chiểu.