Hà Nội

Nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu: Người khởi xướng và tâm huyết nối gần y tế tuyến dưới với tuyến trên

25-01-2025 12:11 | Y tế

SKĐS - Theo các bậc tiền bối của ngành y tế, sinh thời, khi làm chuyên môn đến quản lý hay khi làm giảng viên, TS.BS Nguyễn Quốc Triệu luôn vận động để thay đổi, khắc phục khó khăn, từng bước nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, rút ngắn khoảng cách y tế các tuyến...

Chiều 24/1, tức 25 Tháng Chạp, do tuổi cao, bệnh nặng, TS.BS Nguyễn Quốc Triệu - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương, nguyên Bộ Trưởng Bộ Y tế, nguyên Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP Hà Nội đã từ trần..., hưởng thọ 74 tuổi. Báo Sức khỏe và Đời sống xin trân trọng điểm lại một số đóng góp của ông không chỉ với vai trò nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế mà còn là trên nhiều cương vị công tác như một sự tri ân, tưởng nhớ tới đồng chí nguyên lãnh đạo ngành luôn tận tâm, tận sức cho nhiệm vụ được giao, đặc biệt với sự nghiệp chăm sóc bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu: Người khởi xướng và tâm huyết nối gần y tế tuyến dưới với tuyến trên- Ảnh 1.

Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan tặng quà, chúc Tết nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu và các đồng chí nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế Trịnh Quân Huấn, Nguyễn Bá Thuỷ, Phạm Lê Tuấn dịp Tết Ất Tỵ 2025 tại trụ sở Bộ Y tế.

TS.BS Nguyễn Quốc Triệu sinh ngày 22 tháng 6 năm 1951 tại xã Phú Hòa, huyện Lương Tài, Bắc Ninh. Sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống cách mạng, hiếu học, giữa cuộc sống vô vàn khó khăn của chiến tranh, nghèo khó…, cậu học trò Nguyễn Quốc Triệu đã cố gắng vươn lên, thi đỗ vào học Trường Đại học Y Hà Nội năm 1968. Chàng sinh viên y khoa Nguyễn Quốc Triệu được giao làm Phó Bí thư Liên chi đoàn Trường thời ấy...

Đến năm 1971, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, cùng với nhiều bạn bè sinh viên cùng trang lứa, sinh viên y khoa Nguyễn Quốc Triệu gác lại việc học tập tham gia quân ngũ tại đơn vị C24-E18- Sư đoàn 325, và chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị ác liệt năm 1972.

Ngay tại mặt trận Thành Cổ - Quảng Trị ngày 25/8/1972, sinh viên y khoa Nguyễn Quốc Triệu đã vinh dự được kết nạp vào Đảng giữa bom đạn oanh tạc, thậm chí bị thương trong một đợt không kích dữ dội của địch.

Là thương binh hạng 4/4, ông tiếp tục về học tập tại Đại học Y Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp, ngoài làm nhiệm vụ của một người bác sĩ, làm giảng viên tại nhà trường, ông tham gia tích cực các hoạt động Đảng đoàn, với 2 khóa Đảng ủy và Bí thư Đoàn Trường Đại học y Hà Nội. Sự vất vả, cố gắng vươn lên ngày một được đền đáp, giúp bác sĩ Nguyễn Quốc Triệu bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ Y học.

Nói đến TS.BS Nguyễn Quốc Triệu là nói đến những dấu ấn giản dị đời thường, nhưng đậm sâu. Trong đó, khi được giao làm chuyên môn đến quản lý hay khi làm giảng viên, ông luôn nỗ lựcthay đổi, khắc phục khó khăn để đáp ứng tốt nhất nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân. Ông luôn thấu hiểu câu nói: "Người bác sĩ phải không ngừng học tập, tiếp cận kiến thức hiện đại thì mới có thể điều trị đúng và tốt cho người bệnh được...".

Đó cũng chính là điều giúp TS.BS Nguyễn Quốc Triệu ngày càng thành công hơn trong vai trò của người quản lý, người thầy thuốc khi đã kinh qua nhiều cương vị quản lý thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, từ cán bộ quân đội, cán bộ trường Đại học Y Hà Nội, cán bộ Thành đoàn Hà Nội, đến Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân số và Kế hoạch hóa Gia đình Hà Nội (từ tháng 7/1991 - 10/1994, hàm Giám đốc Sở Y tế). Tháng 3/1994, ông được bổ sung làm Thành ủy viên Thành ủy Hà Nội, từ tháng 10/1994 - 12/1999, là Đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội.

Từ tháng 12/1999 - 5/2004, với những cống hiến và thành tích công tác, ông được đảng và nhà nước giao đảm nhiệm nhiều trọng trách quan trọng: Ủy viên Thường vụ Thành ủy, Đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội và Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội khóa XIII, XIV, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP Hà Nội từ tháng 5/2004 - 8/2007.

Với cương vị Phó Chủ tịch và Chủ tịch UBND TP Hà Nội, công việc vô cùng bộn bề, đồng chí cùng với tập thể lãnh đạo Thành ủy, UBND Thành phố ngày đêm trăn trở và luôn sáng tạo góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ, nhiều công trình để lại dấu ấn của Thủ đô trong giai đoạn này như chỉ đạo tự lực nguồn vốn địa phương để xây dựng cầu Vĩnh Tuy, góp phần giải tỏa cho lưu thông quan trọng phía đông nam của thành phố; Phê duyệt dự án và cắm mốc xây dựng cầu Nhật Tân, Cầu Đông Trù, những cây cầu gắn kết giao thông quan trọng của Thủ đô; Xây dựng đường xung quanh Hồ Tây góp phần giữ được cảnh quan đẹp đẽ như ngày nay.

Ông cũng là Trưởng Ban Tổ chức Đại hội thể thao Đông nam Á lần thứ 22 (SEA Games năm 2003), xây dựng tượng đài Lý Thái Tổ, tôn tạo và sửa chữa nâng cấp khu Văn miếu Quốc Tử giám. Đề xuất xây dựng và là Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng Đền thờ Bác Hồ ở An toàn khu Định Hóa-Thái Nguyên; Đề xuất và phê duyệt xây dựng Trường chuyên Amsterdam,...

Tháng 4/2006, TS.BS Nguyễn Quốc Triệu được bầu vào Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa X. Từ tháng 8/2007 - 8/2011, ông là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa X, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế khóa XII kiêm Trưởng Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương.

Nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu: Người khởi xướng và tâm huyết nối gần y tế tuyến dưới với tuyến trên- Ảnh 2.

TS.BS Nguyễn Quốc Triệu – nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế phát biểu khi nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng tháng 8/2022. Ảnh: Phạm Vũ Cường

Với cương vị Bộ trưởng Bộ Y tế, cùng với tập thể lãnh đạo Bộ, Ban cán sự, đồng chí đã phát huy, huy động được sức mạnh tập thể, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đã lãnh đạo ngành Y tế có những tham mưu cho cấp trên ban hành nhiều chính sách quan trọng như: Chỉ thị số 06/2007/ CT-BYT về việc nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh cho nhân dân, tập trung giải quyết 5 vấn đề: Hạn chế tình trạng quá tải bệnh viện; Nâng cao năng lực y tế cơ sở; Đẩy mạnh xã hội hóa công tác khám bệnh, chữa bệnh; Nâng cao y đức trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Sửa đổi, bổ sung một số văn bản quản lý về công tác khám, chữa bệnh;

Ông cũng là Trưởng Ban chỉ đạo soạn thảo thông qua Quốc hội được 5 luật về y tế; Trái phiếu Chính phủ xây dựng sửa chữa 595 bệnh viện tuyến huyện và trên 70 bệnh viện tuyến tỉnh và các bệnh viện chuyên nhi, lao, trung tâm ung bướu tuyến Trung ương; tham mưu và trình Quốc hội thông qua Luật An toàn vệ sinh thực phẩm và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2011; Nghiên cứu và ứng dụng thành công một số công nghệ, kỹ thuật cao trong chẩn đoán và điều trị đặc biệt là ghép tạng và nhiều thành tựu khác…

Một trong những dấu ấn đặc biệt của nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu khi ông là người khởi xướng và đầy tâm huyết ban hành Quyết định số 1816/QĐ-BYT với Đề án "Cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh".

Đã từng theo ông trong các chuyên đi công tác đến cơ sở, hay những phiên họp bàn về chính sách cho y tế cơ sở, rồi những hội nghị, hội thảo của ngành y tế bàn về chủ đề này, cá nhân tôi đều được chứng kiến một nguyên Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu tràn đầy nhiệt huyết và khát khao mong muốn làm sao để nối gần khoảng cách y tế vùng thuận lợi và vùng khó khăn.

Nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu: Người khởi xướng và tâm huyết nối gần y tế tuyến dưới với tuyến trên- Ảnh 3.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu, lãnh đạo UBND, Tỉnh uỷ, HĐND tỉnh Hưng Yên dâng hương tưởng nhớ Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác tháng 12/2024 Ảnh: Trọng Tiến

Cũng đã từng đến nhiều vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa theo các đoàn bác sĩ 1816, tôi càng hiểu thêm giá trị của Đề án 1816 đã phát huy vai trò tích cực, quan trọng trong việc nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh của bệnh viện tuyến dưới, đặc biệt là miền núi, vùng sâu, vùng xa thiếu cán bộ y tế; Giảm tình trạng quá tải cho các bệnh viện tuyến trên, đặc biệt là các bệnh viện tuyến trung ương, đồng thời chuyển giao công nghệ và đào tạo cán bộ tại chỗ nhằm nâng cao tay nghề cho cán bộ y tế tuyến dưới...

Nhờ Đề án 1816, nhiều ca bệnh khó, tưởng chừng không thể cứu chữa, nhưng bằng năng lực và lòng quyết tâm "giành lại sự sống từ tay thần chết", các bác sĩ tuyến trên về chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới đã chung lưng đấu cật, "3 cùng" với thầy thuốc cơ sở, đưa nhiều người bệnh trở lại cuộc sống bình thường.

Hơn thế nữa, với sự giúp đỡ chân tình của thầy thuốc tuyến trên mà các thầy thuốc tuyến dưới đã có thêm tự tin, bản lĩnh nghề nghiệp, trực tiếp giải quyết nhiều ca bệnh khó ngay tại bệnh viện địa phương. Người bệnh không phải chuyển lên bệnh viện tuyến Trung ương, vừa xa xôi, vừa tốn kém thời gian, tiền bạc đi lại, lại được chữa bệnh ở gần nhà, nhờ vậy hiệu quả xã hội và tính nhân văn của Đề án 1816 ngày càng được lan rộng và có sức sống mạnh mẽ.

Được Đảng và nhà nước phân công làm Trưởng Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương kiêm nhiệm từ năm 2007 và chuyên trách từ tháng 8/2011 đến tháng 7/2019, với tâm huyết của mình TS.BS Nguyễn Quốc Triệu đã cùng với một tập thể đoàn kết, luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, tham mưu giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư thường xuyên theo dõi, chỉ đạo công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ từ Trung ương đến địa phương, chăm sóc sức khỏe cho hàng nghìn cán bộ.

Đặc biệt TS.BS Nguyễn Quốc Triệu đã tham mưu với Ban Bí thư ba chương trình mục tiêu, trong đó với mục tiêu của công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ "Sức khỏe ngày càng tăng; bệnh tật ngày càng giảm; tuổi thọ ngày càng cao; chất lượng cuộc sống ngày càng tốt".

Nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu: Người khởi xướng và tâm huyết nối gần y tế tuyến dưới với tuyến trên- Ảnh 4.

Nguyên Bộ trưởng Y tế Nguyễn Quốc Triệu và các đồng chí lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc thăm bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: Báo Vĩnh Phúc

Trải qua những cương vị quản lý của nhiều lĩnh vực khác nhau, từ cán bộ quân đội, cán bộ trường Đại học Y Hà Nội, cán bộ Thành đoàn Hà Nội, đến Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân số và Kế hoạch hóa Gia đình Hà Nội, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, Phó Chủ tịch và Chủ tịch UBND Tp Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Y tế, Trưởng Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương, dù ở bất cứ hoàn cảnh công tác nào, TS.BS Nguyễn Quốc Triệu cũng để dấu ấn sâu sắc, nhiệt thành, tận tụy với bản lĩnh người lính, người cán bộ đảng viên gương mẫu, nhà quản lý nhiều kinh nghiệm, sáng tạo, quy tụ, uy tín cả về chuyên môn cả về quản lý.

Với những cống hiến đó, TS.BS Nguyễn Quốc Triệu đã được Đảng, Nhà nước trao tặng những phần thưởng cao quý: Huân chương Độc lập hạng Nhất, phần thưởng cao quý "đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong quá trình công tác, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc", Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba; Huy chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhì, Huy hiệu chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị; Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.

Nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu: Người khởi xướng và tâm huyết nối gần y tế tuyến dưới với tuyến trên- Ảnh 5.

Nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu thăm hỏi, động viên, trao quà Tết, đông viên bệnh nhi tại Bệnh viện Nhi TW Tết Tân Mão 2011. Ảnh: Thu Hà

Nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu qua đờiNguyên Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu qua đời

SKĐS - Thông tin từ Bộ Y tế tối 24/1 cho biết, TS.BS Nguyễn Quốc Triệu - nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế đã qua đời lúc hơn 17h chiều nay tại Hà Nội.



Anh Tuấn - Thái Bình
Ý kiến của bạn