Công chúng biết đến Nguyễn Bích Lan qua những cuốn sách dịch hấp dẫn độc giả như Triệu phú khu ổ chuột, Không gục gã… và gần đây là cuộc gặp gỡ với người đàn ông không chân không tay nổi tiếng thế giới Nick Vujicic. Tuy gặp nhiều khó khăn về mặt sức khỏe nhưng nữ dịch giả ngoài 30 tuổi này vẫn phơi phới niềm lạc quan và dành sự quan tâm đặc biệt đến thân phận người phụ nữ, trẻ em với sự đồng cảm và sẻ chia sâu sắc qua những trang sách dịch.
Cận kề ngày kỷ niệm 104 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, Bích Lan đã giới thiệu đến công chúng tiểu thuyết dịch Phật ở tầng áp mái của nhà văn Julie Otsuka, một trong những cuốn sách mà Tổng thống Mỹ Obama đã chọn trong chuyến đi hiệu sách của ông vào cuối tháng 12/2013.
Nữ dịch giả chia sẻ: “Phật ở tầng áp mái là câu chuyện về cuộc sống của những người phụ nữ Nhật di cư sang đất Mỹ vào đầu thế kỷ XX. Các cô gái Nhật với đủ các thành phần từ trí thức đến nông dân, từ những em bé ngây thơ đến phụ nữ quá lứa nhỡ thì đều chung một niềm háo hức, ôm giấc mộng sang Mỹ đổi đời. “Giấc mơ Mỹ” đã khiến bao nhiêu thiếu nữ Nhật tràn trề hi vọng vào một sự đổi đời, một cuộc sống hôn nhân viên mãn để rồi thất vọng vào ngay giây phút đầu tiên. Những tưởng hạnh phúc sẽ mỉm cười với mình, họ hồi hộp đến với những vị hôn phu trong mộng vốn được giới thiệu là chủ nhà băng, luật sư, bác sĩ, doanh nhân, quản lý khách sạn nhưng thực ra chỉ là những tá điền, nông dân người Nhật làm thuê cho những ông chủ Mỹ, hoặc là những kẻ vô công rồi nghề. Vừa đặt chân lên đất Mỹ, những người phụ nữ Nhật đã hiểu rằng tất cả chỉ là ảo vọng và khi đó tấn bi kịch của họ mới thực sự bắt đầu”.
Vì sao chị lại dành sự quan tâm đặc biệt đến thân phận người phụ nữ trong những tác phẩm của mình - cụ thể ở đây lại là những phụ nữ di cư ôm mộng đổi đời?
Nguyễn Bích Lan: Cơ duyên đưa tôi đến với Phật ở tầng áp mái cũng thật tình cờ. Trong một lần tôi tìm đọc một cuốn sách khác đã được giải thưởng thì thấy cuốn sách này đứng ngay sau nó nhưng lượng độc giả lớn hơn rất nhiều, và tôi bắt đầu tìm đọc. Trước mỗi cuốn sách dịch, tôi thường không nghĩ đến việc cuốn sách đó có nổi tiếng hay không mà nghĩ đến độc giả nhiều hơn, liệu sau khi đọc họ tìm được gì trong đó. Tôi đọc trích đoạn, lời giới thiệu và nhận thấy Phật ở tầng áp mái chắc chắn sẽ rất có ích cho người Việt Nam.

Dịch giả Bích Lan (người ngồi) ký tặng người hâm mộ trong buổi giới thiệu tiểu thuyết dịch Phật ở tầng áp mái.
Cuốn sách nói về làn sóng di cư của phụ nữ Nhật sang Mỹ, nó có cái gì đó tương tự mấy chục nghìn cô gái người miền Tây Việt Nam đang đua nhau đi lấy chồng Hàn Quốc. Lúc những cô gái Nhật đặt chân sang đất Mỹ cũng chính là lúc tấn bi kịch của họ thực sự bắt đầu. Trước mặt là cuộc sống hôn nhân bạo hành, sau lưng đã không có con đường trở về quê mẹ, những người phụ nữ buộc phải lựa chọn cách đối mặt với thực tại nghiệt ngã nơi xứ người. Và cũng từ đây, họ dần trở thành những chiếc bóng câm lặng, nhẫn nhục. Giống hệt những người tù khổ sai, họ không có quyền được sống cho bản thân mà họ phải phục tùng mệnh lệnh của chồng, của ông chủ và bị vắt kiệt sức lao động nhưng đau đớn nhất là họ luôn bị kỳ thị, bị coi thường và không thể hòa nhập với cộng đồng người bản xứ.
Một bi kịch ở “miền đất hứa” từ trước chiến tranh thế giới thứ hai, bi kịch không phải chỉ của một cá nhân mà là cả một thế hệ, một thời đại. Tuy nhiên điểm sáng của cuốn tiểu thuyết chính là ở chỗ vượt lên những sự vỡ mộng và khổ đau, vượt lên mọi biến cố dồn dập, họ cho thấy một tinh thần Nhật, sức sống Nhật cũng như khát vọng, sự kiên trì, bền bỉ vượt qua nghịch cảnh ở người phụ nữ. Những bài học và sức cảnh tỉnh sâu sắc của Phật ở tầng áp mái còn nguyên giá trị với thế hệ trẻ Việt Nam thời hội nhập hôm nay.
Có thể nói, tìm được cuốn sách này để dịch tôi cảm thấy rất “đã”. Mạch văn của tiểu thuyết có nhiều câu văn ngắn, giống như một bài thơ. Trong tác phẩm có những câu lặp lại nhiều lần, ví dụ như đêm đầu tiên của người phụ nữ Nhật trên đất Mỹ, câu “họ chiếm đoạt chúng tôi” lặp có khi đến 50 lần gợi ra cái gì đó ám ảnh, giống như số phận của mấy chục nghìn phụ nữ bất hạnh. Tôi cũng rất thích những câu văn ngắn mà đầy ý nghĩa chẳng hạn “Đàn bà thì yếu đuối, nhưng những người mẹ thì luôn mạnh mẽ…”. Có con cái rồi sẽ hiểu tấm lòng người mẹ, làm mẹ như thế nào. Những câu ngắn nhưng độ nén của nội dung, của cảm xúc càng nhiều, càng thử thách người dịch.
Phật ở tầng áp mái – Ngay từ tiêu đề dường như đã mang đậm chất tôn giáo?
Nguyễn Bích Lan: Đúng là khi tôi đưa bìa cuốn sách với nhan đề Phật ở tầng áp mái lên trang facebook cá nhân đã có rất nhiều ý kiến khen ngợi. Trong tiểu thuyết này, chi tiết về tôn giáo, đạo Phật chỉ thoáng qua và là chi tiết nhỏ trong câu chuyện nhưng nó lại là hình ảnh tượng trưng rất đậm nét và cứ ám ảnh người đọc mãi. Nó cho thấy sự “va đập” văn hóa phương Đông, phương Tây... Chất tôn giáo không phải sợi chỉ xuyên suốt tác phẩm nhưng đọc chỗ nào cũng thấy bóng dáng. Người Nhật lúc bấy giờ sang Mỹ mang theo đạo Phật trong lòng nhưng người ta không được bộc lộ ra và dường như “chỉ ở trên tầng áp mái”. Văn hóa Nhật chỉ hạn hẹp trong một không gian nhỏ, chỉ là khoảng phụ trong cuộc sống xứ người. Tôi nghĩ rằng, điều này ít nhiều cũng là một thông điệp cho người Việt Nam xa xứ, giúp chúng ta chia sẻ với những khó khăn của họ, để chúng ta thấy được rằng kiều hối mang về không hề dễ dàng chút nào cả.
Là một người phụ nữ, chị nghĩ gì về quan niệm sống “dựa hơi” và giấc mơ đổi đời? Quan điểm sống của cá nhân chị thế nào?
Nguyễn Bích Lan: Ở thế hệ chúng tôi, tôi chắc chắn có rất nhiều người thích nhân vật Osin trong bộ phim cùng tên của Nhật Bản. Chẳng thế mà Osin đã trở thành danh từ chung - tôi nghĩ mang ý nghĩa trân trọng với những người lao động chăm chỉ chứ không phải để mạt sát những người làm công việc thấp trong xã hội. Trong tác phẩm này, đứa con gái luôn chứng kiến cảnh người vợ phải đi sau chồng 3 bước nên khi nghe tin nữ giới được coi trọng tại Mỹ (như cách mà người ta vẫn gọi là Lady first) càng thôi thúc họ lên tàu để hiện thực hóa ước mơ sang Mỹ đổi đời. Song thực tế sang bên đó thì hoàn toàn ngược lại, nhưng họ không thất vọng, không ngã lòng, họ vẫn lao động để chứng tỏ bản thân mình. Chấp nhận và chờ đợi tương lai với hi vọng chăm chỉ thì mùa màng sẽ đến, họ sẽ gặt hái được nhiều thành công hơn thế. Tôi cũng rất thương cảm người phụ nữ Nhật trong tác phẩm, nỗi nhớ quê hương nhưng không được trở về. Họ ở lại “hàng đêm chúng tôi nằm nhìn lên những vì sao Mỹ…”, một cuộc sống rẻ mạt, phân biệt quốc tịch ngay cả cho những “vì sao Mỹ” khiến sự xa cách, phân biệt không biết đường về càng dai dẳng hơn… Rồi họ lại mơ giấc mơ Nhật, “tôi chỉ mong một lần trở về tuổi thơ tìm lại chiếc nơ thắt đã bị rơi ở đâu đó…”. Người phụ nữ bị lao động, bị chà đạp nhưng họ không bao giờ ngừng ước mơ. Tính cách, bản chất của người Nhật là thế. Tôi nghĩ, tính cách của con người đặt vào hoàn cảnh cụ thể thì góc tăm tối nhất sẽ xuất hiện nhưng ngay cả trong sự tăm tối vẫn sáng lên tính cách.
Cá nhân tôi không dựa dẫm vào ai về tài chính. Kể từ năm 13 tuổi khi bị bệnh tật, sức khỏe yếu hơn tôi luôn nghĩ có thể tự làm được điều gì thì tự làm lấy, không nên dựa dẫm, đến khi đã cố 100 lần rồi vẫn không làm được thì nên thử thêm 1 lần nữa, lúc đó không thành công hãy nghĩ đến tìm người trợ giúp cho mình. Ai cũng có nhiều dự định khát khao nhưng cái gì cũng có giá của nó, chẳng ai có thể cho không ai điều gì, một chủ nhà băng giàu có cũng không thể vô duyên vô cớ lấy một người phụ nữ lạ lẫm về làm vợ, lo lắng cho cuộc sống của cô ấy. Thông điệp tận cùng ở đây phải chăng là phụ nữ ơi hãy tự làm lấy, hãy tự sống vui. Nếu ở quê hương mình, được gần gũi cha mẹ, lấy người cùng một mảnh trời thì hãy cố làm điều đó, đừng tìm tương lai ở nơi xa xôi, bấp bênh lắm.
Tôi đọc sách văn học từ khi tôi 5 tuổi. Đến khi tôi 13 tuổi vì không thể đến trường được nữa, tôi tự học tiếng Anh. Những gì tôi tích lũy được qua trải nghiệm đọc lâu dài đó gặp tiếng Anh như que diêm quẹt vào vỏ bao diêm, thế là thành ngọn lửa. Và còn nữa, khi bạn dịch một tác phẩm có nhân vật chính là luật sư bạn phải biết chút ít về luật, dịch một tác phẩm về Ấn Độ bạn phải hiểu ít nhiều về đất nước đó…
Em trai tôi là kỹ sư công nghệ thông tin, một ngày cậu ấy mang một bộ máy tính về và chỉ dạy tôi nút bật lên, tắt đi. Tôi đã tự tôi mày mò, học hỏi, rất ít khi làm phiền người khác. Ngay cả việc học tiếng Anh cũng thế, tất nhiên một con người không thể làm nên tất cả nhưng mỗi bản thân hãy cố gắng làm được điều gì có thể làm được.
Lao động nhà văn là công việc hết sức nặng nhọc. Người bình thường phải cố gắng một thì với Bích Lan, phải nỗ lực hơn gấp nhiều lần. Chắc hẳn chị phải lao động vất vả lắm mới có thể cho ra đời 4 tác phẩm trong một năm?
Dịch giả, nhà văn Nguyễn Bích Lan sinh năm 1976, quê Hưng Hà, Thái Bình. Cô là dịch giả và tác giả của 27 cuốn sách trong đó có nhiều tác phẩm tạo được tiếng vang lớn như Vũ điệu trái tim, Bị bán, Một đêm duy nhất, Triệu phú khu ổ chuột, Cuộc sống không giới hạn, Không gục ngã…
Nguyễn Bích Lan: Buổi sáng trở dậy chỉ cần thấy một ngón tay đau mỏi chắc hẳn bạn đã cảm thấy chán nản, nhưng bản thân tôi có những khi trở dậy thấy tòan thân đau mỏi, cơ thể như “đình công” nhưng niềm khao khát sống, chỉ cần sống để nhìn thấy người thân xung quanh mình đã là động lực giúp tôi bước tiếp. Đó là chưa nói đến việc sống để tạo ra những giá trị mới, có niềm đam mê, được độc giả yêu quý… Có lẽ từ hơn 20 năm nay, tôi không biết đến ý nghĩ gọi là chán đời. Tôi thấy lúc nào cũng thiếu thời gian để làm việc. Cho nên tôi nghĩ động lực trước hết là bản thân tôi, là người mẹ lúc nào cũng bên cạnh tôi, là các em, những đứa cháu nhỏ vài tuổi cũng trở thành niềm cảm hứng giúp tôi sáng tác, sống cảm xúc hơn, viết lên những trang sách. Các bạn hãy nghĩ đến điều tích cực hơn ngay cả nhứng khi bi đát nhất.
Một ngày của Bích Lan mở mắt ra là phải tìm tất cả mọi người trong nhà, chỉ khi thấy được người thân yêu của mình thì mới yên tâm. Sau đó là ngắm nhìn cảnh vật, cây cối xung quanh, nếu bạn nào theo dõi thông tin trên trang cá nhân của Bích Lan thì thấy rất nhiều cảnh về thiên nhiên, đó vừa là giải trí vừa là nguồn cảm hứng cho Bích Lan. Sau đó thì sẽ là 4 tiếng làm việc của buổi sáng. Buổi sáng Bích Lan làm việc tốt hơn buổi chiều, chỉ cần tập trung 2 tiếng cao độ Bích Lan cũng có thể giải quyết tốt công việc của mình.
Từ thứ 2 đến thứ 6, Bích Lan dịch văn học. Ngày thứ 7, Bích Lan cũng làm báo, mỗi tuần một bài báo chẳng hạn giới thiệu sách, hoặc đưa tin văn hóa nghệ thuật. Ngày chủ nhật có thể rảnh rỗi cho những sở thích cá nhân. Ngày cuối tuần ngọt ngào là ngày cả gia đình quây quần trong một căn phòng chung xem một bộ phim cuối tuần.
Nếu các bạn muốn bước thật nhanh, thở bình thường thì tôi lại ngược lại. tôi không thể bước nhanh, mỗi bước đi của tôi thật chậm rãi và tôi cũng không thể thở bình thường được. Mọi hoạt động của tôi cũng thường có người trợ giúp nhưng tôi luôn lấy công việc làm niềm vui, tôi cũng làm việc 6-7 ngày trong một tuần. Mỗi ngày được sống là một ngày cực kỳ hạnh phúc, cho tôi thêm những cơ hội mới...
Lê Bình