Nguyễn Bích Lan: "Người thợ cày" miệt mài gieo nghị lực sống

06-04-2019 08:25 | Văn hóa – Giải trí

SKĐS - Mắc bệnh loạn dưỡng cơ từ năm 14 tuổi, nhưng vượt qua nghịch cảnh của bệnh tật, dịch giả Nguyễn Bích Lan như một bông hoa đồng nội âm thầm truyền cảm hứng sống qua mỗi quyển sách, bản dịch và tiếp thêm sức mạnh cho những người xung quanh.

Nguyễn Bích Lan là một cô gái bị mắc bệnh loạn dưỡng cơ, không thể tự đi lại bình thường từ năm học lớp 8 đến nay đã trở thành một cô giáo dạy tiếng Anh và có hơn 30 đầu sách đã xuất bản trong nước. Mặc dù căn bệnh đã khiến người phụ nữ này bị mất một phần khả năng vận động nhưng chị đã vượt lên số phận để tự học.  Vượt lên hoàn cảnh, với nghị lực sống phi thường chị đã tự học và trở thành một dịch giả được nhiều người biết đến. Chị luôn nhận mình là một người Thợ cày trên cánh đồng chữ nghĩa.

Các dịch giả chia sẻ với bạn đọc tại buổi giao lưu

Dịch giả Nguyễn Bích Lan chia sẻ: “Tôi bắt đầu học tiếng Anh theo em trai. Lúc đầu tôi học thuộc từ mới từ những cuốn sách của em trai tôi lúc đó đang học lớp 10. Với tất cả nguồn tư liệu sách tôi thu thập được, trong 6 năm, tôi đã làm quen với ngôn ngữ này và cảm thấy yêu thích, hứng thú mỗi khi được đọc, được học tiếng Anh. Trước khi bắt đầu dịch sách tôi có 5 năm dạy trẻ ở quê . Hiện nay 8 trong số hơn 200 học trò của tôi là giáo viên dạy tiếng Anh ở các trường học".

Tại buổi giao lưu, Nhà xuất bản Phụ nữ có tặng độc giả tham gia chương trình hai cuốn sách mới, đó là tác phẩm "Tuyến hỏa xa ngầm" của "cây bút ăn khách" Colson Whitehead của Mỹ, do dịch giả Nguyễn Bích Lan biên dịch và "Hướng dẫn học tập bản tổng quát" do Bộ Giáo dục Nhật Bản phát hành, Nguyễn Quốc Vương biên dịch.

Đó là những lời tâm sự được Bích Lan chia sẻ tại chương trình giao lưu với chủ đề “Bí quyết khai thác mỏ vàng trong thế giới sách” mới đây tại Hà Nội. Nhân dịp này dịch giả Nguyễn Bích Lan cùng với dịch giả  Nguyễn Quốc Vương tham gia buổi giao lưu đã chia sẻ kinh nghiệm đọc, tự học từ sách với hơn 200 độc giả. Tại buổi giao lưu, một số độc giả đã bày tỏ những suy nghĩ và áp lực của mình  trong cuộc sống, họ tìm đến sách như một người bạn để chia sẻ, nhưng vẫn không thoát khỏi những suy nghĩ tiêu cực.

Nguyễn Bích Lan đã chia sẻ ngay câu chuyện của mình. Chị cho biết, có những khoảng thời gian chị cảm thấy rất tuyệt vọng, tưởng như số phận đã an bài, nhưng chị vẫn vượt qua. Chị Lan nói: “ Tôi từng trải qua rất nhiều lần gần với cái chết, nhưng tôi hiếm khi chán sống. Thời gian tôi cảm thấy trống rỗng nhất là khi bác sĩ nói là Bệnh của cháu không chữa được, y học vẫn đang  bó tay. Ông nói những bệnh nhân như tôi chỉ sống được đến năm 18 tuổi”.

Dịch giả Nguyễn Bích Lan

Lan bảo: “Những lúc như vậy, về mặt tinh thần, tôi gần như chết đi. … Nhưng thực ra không phải như vậy, con người ta rất mạnh, bản năng sống của chúng ta mạnh mẽ lắm. Đó là cái bản năng vươn lên và hy vọng. Bạn sẽ thấy, những giây phút khó khăn chỉ là những điều nhỏ lẻ, thoáng qua trong cuộc sống của mình”.

Dịch giả Bích Lan lý giải, mỗi người đều có 24 giờ đồng hồ mỗi ngày, nhưng trong 24 tiếng đồng hồ ấy, bạn chỉ có 1-2 phút hoặc 1-2 chuyện không được như ý, còn những sự việc khác vẫn diễn ra bình thường.

Khi con người ta suy nghĩ tích cực người đó mới thu hút được chiều năng lượng tích cực. Mỗi người sinh ra đã có giá trị riêng của mình. Mỗi con người có cuộc đời và số phận riêng, con người ta sống trong cuộc đời vốn  không dễ dàng. Khi vượt qua được những thử thách của cuộc sống, những  giây phút khó khăn bạn sẽ khẳng định được mình là người thế nào.

Riêng với Lan, những khó khăn đến với chị lại là những cơ hội. Lan tâm sự: “Với tôi những phút tuyệt vọng như thế khiến cho tôi biết thế nào là niềm hy vọng . Những phút buồn nhất cho tôi thấy hạnh phúc mình cần là gì?”.

Lan động viên những bạn đọc đang chìm trong những cảm xúc tiêu cực, rằng hãy tìm đến những người thân yêu nhất của mình như cha mẹ, gia đình, bạn bè …. Đó là những người luôn quan tâm tới sự hiện diện của bạn, hãy đầu tư cho những mối quan hệ đó, nó sẽ luôn khiến bạn thấy ấp áp, bạn sẽ không bao giờ thấy cô đơn.

Nếu bạn vẫn không tìm thấy ý nghĩa cuộc sống, không biết làm gì, sống thế nào, bạn hãy làm những điều tốt đẹp cho những người ta yêu quý, những người đang hiện diện xung quanh cuộc sống của bạn. Bạn hãy sống một cách can đảm….

Quyển sách Tuyến hỏa xa ngầm của tác giả Colson Whitehead – một cây bút ăn khách của New York Times - là cuốn tiểu thuyết bestseller do New York Times bình chọn, đồng thời đã giành giải Sách Quốc gia (National Book Award) tại Mỹ cũng như giải Pulitzer (Pulitzer Prize). Dịch giả của quyển sách này là Nguyễn Bích Lan.

Tuyến hỏa xa ngầm - một bí ẩn lớn trên đất Mỹ vào thời kỳ mà chế độ nô lệ hiện tồn, không chỉ bí ẩn với nhà cầm quyền, giới chủ nô, những tay trùm săn nô lệ mà ngay với chính người nô lệ. Không ai biết rốt cục có bao nhiêu ga, bao nhiêu trưởng ga, những chuyến tàu hoạt động thế nào v.v. cho đến lúc đặt chân lên một toa hành khách. Có thể ví tuyến hỏa xa ngầm như một dấu chấm hỏi khắc rất sâu trong giai đoạn rối ren đó của Hợp chủng quốc – quốc gia bị phân tách làm hai cực: Các bang tự do và các bang có chế độ nô lệ.

Cũng bởi lý do trên, không ai thống kê được chính xác mà chỉ ước đoán rằng từng có rất nhiều nô lệ đào thoát từ miền Nam khắc nghiệt đến những vùng đất tự do nhờ tuyến hoả xa ngầm, như Cora - nhân vật chính của cuốn tiểu thuyết, một nữ nô lệ tại đồn điền trồng bông ở Georgia. Dù là nhân vật chính, Cora xuất hiện lần đầu tiên không phải trong câu chuyện của chính cô mà trong câu chuyện của bà, của mẹ, Ajarry: Người bà bị bắt cóc khỏi quê nhà châu Phi sang Mỹ; Mabel: Người mẹ trở thành “huyền thoại” khi được cho là bỏ trốn thành công. Cora tồn tại không như một thân phận đơn lẻ, thân phận cô hòa vào biển-người-đen phải hiến thứ “dầu” đặc biệt cho ngành công nghiệp bông sợi, cho hệ thống xiềng xích mới: Mồ hôi và máu.


Hải Yến
Ý kiến của bạn