Hà Nội

Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh trong ký ức thế hệ cùng thời

01-05-2014 13:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Nhiều người đã biết nhà văn Sơn Tùng là tác giả cuốn “Búp sen xanh” nổi tiếng cùng 10 cuốn khác viết về thân thế và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhưng cuốn sách mới nhất của ông - cuốn sách gợi nhiều suy nghĩ sâu xa về nhân cách Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh

Nhiều người đã biết nhà văn Sơn Tùng là tác giả cuốn “Búp sen xanh” nổi tiếng cùng 10 cuốn khác viết về thân thế và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhưng cuốn sách mới nhất của ông - cuốn sách gợi nhiều suy nghĩ sâu xa về nhân cách Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh (“Nguyễn Ái Quốc qua hồi ức của bà mẹ Nga” – NXB Thanh niên 2007, tái bản 2008) hình như còn ít được dư luận chú ý. Có thể vì nhan đề cuốn sách không thâu tóm được những ý tưởng mà tác giả muốn gửi đến bạn đọc. Thực ra, nhan đề cuốn sách mang tên 1 trong 8 bài viết in trong tác phẩm này; bài này tuy số trang chỉ chiếm 1/6 dung lượng cuốn sách nhưng có vị trí đặc biệt do nói đến một giai đoạn có nhiều thăng trầm của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc (từ khoảng năm 1923 - 1938). Như tác giả đã viết, ông may mắn “có đầu mối để tìm sự ẩn mật của Bác” trong giai đoạn này là nhờ được tham gia Đoàn đại biểu Thanh niên Sinh viên Việt Nam tham dự Đại hội Liên hoan TNSV thế giới tại Vacxava (Ba Lan) năm 1955, rồi được ở lại Liên Xô săn sóc một nhạc sĩ trong đoàn bị ốm nên mới có cơ hội chuyện trò với “bà mẹ Nga” - bà Vêra, “người gần gũi làm việc với NAQ nhiều thời kỳ 1923 - 1924, 1925 - 1928 và 1934 - 1938”. Bà từng làm việc trong “Ban La tinh” Quốc tế Cộng sản rồi chuyên trách công tác của Trường ĐH Phương Đông mang tên Staline... Câu chuyện “mấy mươi năm khép kín trong tâm tư”, nay được tác giả công bố với nhiều chi tiết, sự kiện “ngoài chính sử” hoặc đã bị thông tin sai lạc trên các sách báo ở trong và ngoài nước. Có thể dẫn ngay một chi tiết nhỏ mà bà Vêra kể lại cho Sơn Tùng ngay buổi gặp đầu tiên: “Hoạt động cách mạng có những tình huống éo le, ngặt nghèo. Anh Nguyễn với bí danh là Lin phải sắm vai “làm chồng”, đồng chí Fanlan (tức Nguyễn Thị Minh Khai) “làm vợ” để che mắt thiên hạ mà thoát lưới mật thám. Sau kỳ Đại hội VII Quốc tế Cộng sản, năm 1935, hai đồng chí Litvinôp (tức Lê Hồng Phong) và Fanlan mới có điều kiện làm đám cưới. Anh Nguyễn đứng chủ hôn cho đám cưới này. Mẹ có được mời dự”. Chi tiết này đã bị nhiều sách báo nước ngoài và trang mạng xuyên tạc. Vấn đề quan trọng mà bà Vêra đề cập là vì sao Nguyễn Ái Quốc nổi tiếng như thế lại không được mời làm đại biểu chính thức tại Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ 6 và 7, không được giao công tác trong nhiều năm. Mẹ Vêra, nhân chứng thời đó đã kể: “... Trong Đại hội 6, những quan điểm của Nguyễn Ái Quốc về vấn đề dân tộc và thuộc địa bị phê phán dữ dội, kết luận Nguyễn Ái Quốc chỉ là người yêu nước nhiệt tình, không phải cách mạng vô sản mà là “Cách mạng nửa vời”, một thứ cách mạng trộn lẫn Cách mạng Mỹ (1776), Cách mạng Pháp (1789) với Cách mạng Nga (1917) thành một cục! Thể hiện ở sách “Đường Kách mệnh” và ở “Hội Thanh niên Cách mạng đồng chí”. Một số đại biểu còn lên án Nguyễn Ái Quốc xét lại chủ nghĩa Mác, đòi bổ sung học thuyết Mác như “... Dù sao thì cũng không thể cấm bổ sung “cơ sở lịch sử” của Chủ nghĩa Mác bằng cách đưa thêm vào đó những tư liệu mà Mác ở thời mình không thể có được...”. Lại nữa: “... Mác đã xây dựng học thuyết của mình trên một triết lý nhất định của lịch sử, nhưng lịch sử nào? Lịch sử châu Âu là gì? Đó chưa phải là toàn nhân loại...”... Đồng chí Staline tỏ vẻ khó chịu nhất là về vấn đề này...”.

Tác phẩm Nguyễn Ái Quốc qua hồi ức của bà mẹ Nga.

Tác phẩm Nguyễn Ái Quốc qua hồi ức của bà mẹ Nga.

Sơn Tùng không chỉ có “nhân chứng” cùng thời là bà Vêra mà còn “vật chứng” là lá thư viết ngày 6/6/1938 của Nguyễn Ái Quốc gửi đồng chí Manuinxki (Ban Bí thư Quốc tế Cộng sản) mà bà Vêra cho biết đang lưu trữ trong Quốc tế Cộng sản ở Matxcơva: “... Hôm nay... cũng là ngày mở đầu năm thứ tám tình trạng không hoạt động của tôi. Nhân dịp này, tôi viết thư gửi đồng chí để xin đồng chí giúp đỡ tôi thay đổi tình cảnh đau buồn này...”.

Phải là một con người có bản lĩnh với tinh thần cách mạng cao cả mới dám “nói ngược” với cả Quốc tế Cộng sản và Staline, mới vượt qua được giai đoạn khó khăn này. Sau khi gửi lá thư, ngày 23/10/1938, mẹ Vêra làm cơm tiễn Nguyễn Ái Quốc và chúng ta đều đã biết sau đó, Nguyễn Ái Quốc trở về Tổ quốc và trở nên Lãnh tụ Hồ Chí Minh...

Nhà văn Sơn Tùng chọn bài viết kể trên làm nhan đề cuốn sách vì sức nặng tư tưởng của nó, nhưng 7 bài viết khác trong cuốn sách tập trung vào chủ đề “Cầu hiền”, tác giả cũng gửi đến bạn đọc những thông điệp rất đáng suy nghĩ. Chỉ nhắc tên các nhân vật có thể nói thuộc lớp người “tinh hoa” của đất nước từng làm việc hoặc có mối liên hệ với Chủ tịch Hồ Chí Minh mà tác giả có dịp gặp hoặc nghe kể chuyện, cũng đã hình dung tầm vóc các ý tưởng mà Sơn Tùng gửi gắm. Đó là cụ Thượng thư Bùi Bằng Đoàn, Tổng đốc Vi Văn Định, các nho sĩ nổi tiếng xứ Nghệ Phan Võ, Bùi Kỷ, Võ Liêm Sơn, học giả Đào Duy Anh, giáo sư Trần Văn Giàu, “Bí thư riêng” Vũ Đình Huỳnh, “Thư ký riêng” Vũ Kỳ... Mấy ai đã biết chính Tổng đốc “khét tiếng” một thời Vi Văn Định đã xin được chọn mua ngựa cho Cụ Hồ và khi biết chuyện thì Cụ Hồ tin cậy nói: “Cụ Vi chọn ngựa thì “Bách lộ thiên san an nhiên thượng mã”...”. Hẳn cũng ít người biết khi học giả Đào Duy Anh bị bắt ở Huế sau Cách mạng Tháng Tám 1945 thì chính Hồ Chủ tịch đã cứu thoát và mời ông “tham gia vào việc bồi đắp nền đại học nước nhà...”.

Chỉ từng ấy đủ để thấy “sức nặng” của cuốn sách dù chưa đầy 200 trang...

(Rút từ sách Trang sách - Cuộc đời - Nhà văn xuất bản đúng vào Ngày sách Việt Nam 21/4/2014).

Nguyễn Khắc Phê

 


Ý kiến của bạn